TP.HCM sẽ có cơ quan độc lập chuyên nghiệp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan này tập hợp nhiều nhà chuyên môn, có phòng kiểm nghiệm... để kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.
Heo sữa thối được vận chuyển vào TP.HCM bị Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức bắt giữ -Ảnh: Công Nguyên |
Việc thành lập cơ quan này xuất phát từ cuộc làm việc mới đây giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo Sở Y tế TP.
Giữa tháng 5 trình Thủ tướng
Sau buổi làm việc nói trên, ngày 6.4 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề cương thành lập Trung tâm kiểm nghiệm phục vụ quản lý an toàn sức khỏe và môi trường TP.HCM.
|
Tham dự có lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, Sở Nội vụ, Sở Công thương, Sở KH-CN.
Theo thông báo của Văn phòng UBND TP, ông Nguyễn Thành Phong chấp thuận chủ trương về việc thành lập trung tâm này trên cơ sở nâng cấp quy mô hoạt động của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (thuộc Sở Y tế TP) nhằm tập trung kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và môi trường phục vụ cho đời sống của người dân (sau này nếu được Thủ tướng cho phép thành lập mới Cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP thì chuyển giao lại trung tâm cho đơn vị mới quản lý).
Các Sở liên quan thẩm định đề cương, tham mưu trình Thường trực UBND TP trước ngày 15.5.2016.
Sở Nội vụ cũng được giao chủ trì, phối hợp nghiên cứu lập đề án thành lập Cơ quan quản lý ATVSTP TP trực thuộc UBND TP, báo cáo trình Thường trực UBND TP trước ngày 15.5.2016 để hoàn chỉnh trình xin ý kiến Thủ tướng.
Theo một lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM, đảm bảo ATVSTP trên địa bàn TP là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của cả 10 triệu dân. Thời gian qua, việc quản lý giữa các sở ngành (theo quy định) còn tình trạng chồng chéo, “cắt khúc” trách nhiệm.
Do đó, dù có sự tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng chưa triệt để, vấn nạn thịt thối, thực phẩm độc hại, nhiễm hóa chất vẫn cứ tuồn vào địa bàn TP.
“Việc hình thành cơ quan quản lý như trên là hết sức cần thiết để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quan trọng này. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này đang được nghiên cứu, tính toán cụ thể trên tinh thần nơi đây là đầu mối quản lý đồng bộ, thống nhất, là chốt chặn kiểm soát chặt ATVSTP”, vị này nói.
Quản lý xuyên suốt
Theo một cán bộ của Chi cục ATVSTP (thuộc Sở Y tế TP.HCM), theo dự kiến, khi Cơ quan quản lý ATVSTP TP hình thành, Chi cục ATVSTP TP sẽ không tồn tại nữa, mà một số cán bộ của chi cục sẽ được đưa về cơ quan mới này.
“Việc quản lý ATVSTP sẽ không còn phân khúc, cắt khúc như lâu nay nữa. Khi gia súc xuất chuồng, rau quả ra khỏi trang trại... trên đường lưu thông đến người tiêu dùng - sẽ thuộc sự quản lý của Cơ quan quản lý ATVSTP TP. Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ thay cho Chi cục ATVSTP trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, tiếp nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, vị cán bộ này cho biết và nói thêm: “Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, chuyên gia, chuyên viên phải thực sự giỏi; phải có phòng thí nghiệm. Bước đầu, TP chấp nhận lấy một phần Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm để làm nơi kiểm nghiệm, giám sát, xử lý mẫu thực phẩm”.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP: “Cơ quan này độc lập, trực thuộc UBND TP, tập hợp các nhân sự chuyên ngành có đủ năng lực về ATVSTP, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu, năng lực phân tích, kiểm nghiệm...; có đủ năng lực quản lý kể cả quản lý các chợ hóa chất, các chợ có kinh doanh thực phẩm, các lò giết mổ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm soát chặt ATVSTP”.
Theo một chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực kiểm nghiệm ATVSTP tại TP, cho đến nay TP.HCM vẫn chưa có trung tâm kiểm nghiệm nào bài bản để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn sức khỏe và môi trường.
Đa số trung tâm kiểm nghiệm hiện nay do tư nhân thành lập, duy trì hoạt động và nhận kiểm nghiệm mẫu cho các khách hàng mang đến.
“Thực tế này nảy sinh một bất cập, nhà sản xuất muốn đạt chuẩn sản phẩm thì họ chọn mẫu sản phẩm tốt mang tới các trung tâm kiểm nghiệm để kiểm nghiệm cho đủ điều kiện lưu hành, nhưng rồi sau đó hàng hóa, thực phẩm bán trên thị trường lại kém an toàn mà cơ quan quản lý nhà nước không có điều kiện để tái kiểm tra, xử lý”, vị này nói và cho rằng: “Nếu lập thêm trung tâm kiểm nghiệm hoặc cơ quan mới mà hoạt động hình thức thì có cũng như không và sẽ khiến dư luận càng thêm bức xúc”.
Hà Nội tăng cường kiểm tra ATTP
Chiều 13.4, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế về kết quả thực hiện thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận và 10 phường thuộc TP.Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP (15.4 - 15.5), Hà Nội yêu cầu triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở tại 30 quận, huyện, thị xã. Tới đây, việc giám sát ATTP cũng phải có cách làm giống như mô hình 141 của Công an TP.Hà Nội.
Thúy Anh
|
Bình luận (0)