Trẻ em Việt bất ngờ khi người Pháp dạy ngoại khóa siêu thực tế

14/09/2016 12:30 GMT+7

Khi đã ra đến biển xa, thầy sẽ thả cho các trò tự mình điều khiển với con thuyền. Mỗi đứa trôi theo một hướng tuỳ thích, thầy sẽ đi vòng vòng để theo dõi và can thiệp kịp thời.

Hẳn nhiên khi con cái đến tuổi tới trường, bố mẹ nào cũng mong con mình sẽ sớm đọc thông viết thạo và tính toán như máy. Ưu tiên của các trường tiểu học ở Pháp cũng không khác gì, ở tuổi này, các cháu cần phải biết đọc và biết viết, phát triển ngôn ngữ là nhiệm vụ hàng đầu của các thầy cô.Tuy nhiên ở trường, các cháu không chỉ học mỗi đọc và viết. Thầy hiệu trưởng, hội phụ huynh cũng như ủy ban thành phố luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các cháu học thêm nhiều kĩ năng khác.
Năm học nào các cháu cũng được học bơi, để đảm bảo rằng khi tốt nghiệp cấp 1, ai cũng có thể bơi được. Lâu lâu các cháu lại đi bảo tàng, đi thư viện, đi vườn thực vật.

Nếu hội phụ huynh có khả năng gây quĩ cao cho trường, các cháu lại được ra ngoài chơi nhiều hơn, đi thăm những vườn thú lớn, đi xem phim, đi xem xiếc hoặc thậm chí là dã ngoại qua đêm, 1 – 2 đêm hoặc cả tuần tuỳ theo lứa tuổi và ngân quĩ.
Trong những hoạt động này, thông thường uỷ ban nhân dân thành phố sẽ hỗ trợ phần lớn, đôi khi bố mẹ sẽ nộp thêm một phần cực kỳ nhỏ.
Ngoài nhà trường và hội phụ huynh, uỷ ban thành phố đóng góp một phần không nhỏ trong việc làm giàu đời sống văn hoá lẫn tinh thần của các cháu học sinh. Chúng tôi sống ở một thành phố cảng biển của nước Pháp, từ nhiều năm nay, các học sinh từ lớp 4 trở lên đều được học điều khiển thuyền buồm.
Mỗi năm các cháu được học 1 tuần, cả ngày sẽ học ở trường dạy lái thuyền. Tất cả mọi thứ đều được nhà trường lo, từ trang phục cho đến việc ăn uống. Chưa kể, chương trình học này là hoàn toàn miễn phí với các cháu.
Một buổi học có khoảng 30 cháu, chia thành năm nhóm khác nhau, mỗi nhóm do một thầy giáo phụ trách. Sau khi nắm vững lý thuyết, các học sinh sẽ lần lượt được lên thuyền, mỗi đứa một chiếc, thuyền này nối vào thuyền kia và được ca-nô của thầy kéo ra xa.
Những đứa nào chưa được lên thuyền thì kiễn nhẫn ngồi đợi đến lượt, trong lúc đó, quan sát cách bạn mình điều khiển chiếc thuyền.
Khi đã ra đến biển xa, thầy sẽ thả cho các trò tự mình điều khiển với con thuyền. Mỗi đứa trôi theo một hướng tuỳ thích, thầy sẽ đi vòng vòng để theo dõi và can thiệp kịp thời.
Giữa biển khơi mênh mông, lênh đênh một mình một thuyền, tôi nghĩ, cảm giác đấy có lẽ ban đầu cũng không hẳn là thích thú đối với bọn trẻ, nhưng cũng rất gây tò mò. Đấy chính là cơ hội để nhiều đứa trẻ bước ra khỏi “vùng an toàn” để thử thách bản thân.
Những vị phụ huynh đi theo để hỗ trợ thầy cô trong việc quản lý và giúp đỡ trò cũng được cấp 1 chiếc ca-nô để ra biển xem con học. Tất cả chúng tôi chỉ biết trầm trồ xuýt xoa và cảm thấy sung sướng thay cho lũ trẻ.
Tôi để ý thấy, một điều rất hay trong việc giáo dục trẻ con của phương Tây là người lớn không làm hộ trẻ con.
Cha mẹ hay thầy cô giáo chỉ có mặt để giúp đỡ lúc thực sự cần thiết, ví dụ như con không kéo được khoá phía sau lưng khi thay trang phục, kiểm tra áo phao của con xem con đã mặc đúng cách hay chưa, hay con cần cổ vũ động viên để xuống nước (một số bạn sợ nước nên phải qua bài kiểm tra nếu muốn xuống thuyền). Còn lại, những việc khác, dù đôi khi khá nặng nhọc, bọn trẻ đều tự tay làm.
Thầy giáo phân cho 2 học sinh cùng phụ trách 1 chiếc thuyền có đánh số. Để bắt đầu buổi học, bọn trẻ phải cùng nhau đẩy thuyền ra biển, kiểm tra thuyền, học buộc dây buồm. Hết buổi học, chúng lại phải kết hợp với nhau đẩy thuyền lên xe kéo để đưa về chỗ cất. Như vậy, bọn trẻ đã học được cách làm việc theo cặp.
Lúc ở trên ca-nô với thầy, các học sinh phải tuân thủ những mệnh lệnh của thầy, ngồi đúng vị trí, để không có bất kì tai nạn nào xảy ra trên đường ra biển. Bằng cách đó, lũ trẻ học được khái niệm về nguyên tắc, và tôn trọng người chỉ huy.
Và còn rất nhiều bài học khác, cùng với những trải nghiệm tuyệt vời, mà tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều tìm thấy cho riêng mình quá những buổi học ngoại khoá này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.