TS Lê Thẩm Dương: ‘Một vạn xe máy không ai nhận bán sắt vụn là lãng phí!’

27/04/2017 09:28 GMT+7

"Những xe chở đá bị gỉ sét thì bán sắt vụn là đúng, còn những xe vẫn đang chạy tốt sao không bán đấu giá mà lại đưa hết vào bán sắt vụn, mắc cười quá”, TS Lê Thẩm Dương bày tỏ.

Mới đây, Thanh Niên đăng tải bài viết Ngỡ ngàng một vạn xe máy không ai nhận ở TP.HCM chờ bán sắt vụn. phản ánh việc CSGT TP.HCM hiện đang giữ khoảng 10.000 xe máy vi phạm luật giao thông đã quá thời gian giải quyết nhưng không ai đến nhận.
Những xe này hiện đang được lưu giữ ở kho tang vật vi phạm giao thông thuộc phòng, hàng ngày đều có cán bộ trông coi và sắp xếp. Điều đáng nói là hầu hết số xe trên đều nằm trong diện chờ bàn giao Sở Tài chính thanh lý, bán sắt vụn.
VIDEO: Cận cảnh bãi giữ xe vi phạm của CSGT TP.HCM
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, nhiều ý kiến độc giả cho rằng việc bán sắt vụn số xe trên là rất lãng phí và chưa phù hợp vì trong số xe đó, có những xe còn mới và đang chạy tốt. Trước những ý kiến trên, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP.HCM về vấn đề liệu có lãng phí này.

tin liên quan

[ẢNH] Ngỡ ngàng một vạn xe máy không ai nhận ở TP.HCM chờ bán sắt vụn
** Không có việc tráo đổi phụ tùng tại bãi giữ xe vi phạm TP.HCM hiện có khoảng 10.000 xe máy vi phạm luật giao thông quá thời gian giải quyết nhưng không có người đến nhận. Tất cả số xe trên sẽ được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt bàn giao Sở tài chính để bán 'sắt vụn'.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chủ xe bỏ luôn xe máy của mình. Ngoài việc xe gian, xe không giấy tờ bị bỏ luôn thì còn có những trường hợp do thời gian tạm giữ dài, tiền lưu kho cao hơn giá trị chiếc xe.
Quá lãng phí!
Theo TS Lê Thẩm Dương, việc bán sắt vụn những xe vi phạm luật giao thông không có người tới nhận là quá lãng phí vì trong số đó có những xe còn chạy tốt.
“Tôi có cảm giác mọi người đang nghĩ việc người vi phạm bỏ lại xe không đến nhận là do không cần xe nữa nhưng thực ra là có nhiều nguyên nhân. Tại sao cơ quan chức năng không phân loại ra, xe chở đá, chở gas gỉ sét hết rồi thì bán sắt vụn là đúng, còn những xe vẫn đang chạy tốt sao không bán đấu giá mà lại đưa hết vào bán sắt vụn, mắc cười quá”, TS Dương bày tỏ.
Xe vi phạm "dầm mưa dãi nắng" ở kho tang vật vi phạm giao thông tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương
TS Dương cho rằng thanh lý, bán sắt vụn những xe vi phạm không có người đến nhận là cách giải quyết chưa thuyết phục. Do đó, cơ quan chức năng nên tìm những giải pháp mới khiến người dân tâm phục, khẩu phục hơn.

Tôi có cảm giác mọi người đang nghĩ việc người vi phạm bỏ lại xe không đến nhận là do không cần xe nữa nhưng thực ra là có nhiều nguyên nhân. Tại sao cơ quan chức năng không phân loại ra, xe chở đá, chở gas gỉ sét hết rồi thì bán sắt vụn là đúng, còn những xe vẫn đang chạy tốt sao không bán đấu giá mà lại đưa hết vào bán sắt vụn

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương

“Công nghệ thông tin hiện nay ầm ầm nếu giả sử người ta cố tình không đến thì lúc đó cũng vẫn nên giải quyết thấu tình đạt lý chứ không nên giải quyết như vậy. Nói thẳng ra là không hẳn là vấn đề kinh tế mà là việc lấy lòng tin của người dân. Hãy nhẫn nại, kinh tế chỉ là một vế thôi, đây là những cơ hội để chứng tỏ trình độ quản trị của mình, chứng tỏ thiện chí, chứng tỏ hết lòng. Cho nên nếu làm được như thế thì đạt được nhiều thứ lắm”, TS Dương thẳng thắn nêu quan điểm.
Lập trang web riêng chuyên thông báo?
Ngoài ra, TS Dương đề xuất thêm cơ quan chức năng nên lập hẳn  trang web riêng đưa thông tin những xe đang có ở trong kho để những trường hợp người dân mất xe có thể tra thông tin xem có xe mình ở đó không để mang giấy tờ đến nhận lại.
“Thời buổi này rồi, đăng tin trên web cái là người ta tìm đến ngay, người ta già rồi thì con cái người ta xem, con cái người ta không xem thì hàng xóm xem. Cỡ nào cũng tìm được vài chủ xe từng bị mất trộm”, TS Dương phân tích.
Anh Bạch Đằng (ngụ Hà Nội) thì bày tỏ không riêng gì TP.HCM mà 63 tỉnh thành đều có xe vi phạm, số lượng xe nằm trong kho không ai nhận cả nước cộng lại sẽ là con số khổng lồ. Anh Đằng thắc mắc: “Tại sao không tổ chức bán đấu giá thu vào ngân sách, mà để cho đến hư hỏng rồi đem đi bán sắt vụn. Thật là sự lãng phí rất lớn”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện tại PC 67 Công an TP.HCM có đăng thông tin tìm kiếm chủ xe trong những vụ việc, số lượng đăng 2 lần và cách nhau mỗi lần 1 tháng. Ngoài ra, theo Đội trưởng Đội hậu cần kỹ thuật trên website: http://csgthcm.vn có mục Tìm chủ sở hữu xe, có thông tin để tìm chủ sở hữu (xe bị mất trộm, xe vi phạm quá thời gian giải quyết nhưng chưa có người đến nhận) nhưng đây chỉ là một chuyên mục con trên trang website của lực lượng CSGT. Ngoài ra trên website của Công an TP.HCM cũng có một chuyên mục Tìm chủ sở hữu tương tự.
Đồng quan điểm với TS Dương, nhiều độc giả cũng cho rằng CSGT cần thông báo đến chủ xe để phòng trường hợp xe bị trộm cướp.
Bạn đọc tên Minh ngụ TP.HCM bình luận: “Có thể xe bị mất trộm, chủ xe không biết nó đang ở đây. Công an có thể truy theo số máy số khung tìm ra chủ xe, thông báo cho chủ xe, nếu quá hạn không tới nhận thì thanh lý. Việc làm này sẽ nhận được ủng hộ của người dân”.
Những xe đã chuyển về kho này hiếm lắm mới có người tới nhận lại Ảnh: Ngọc Dương
Anh Trần Quang Anh (ngụ TP.HCM) thì thật thà đặt câu hỏi: “Trong đó không biết có xe của mình không. Năm 2013, mình bị mất trộm cái xe mua 43 triệu, tiếc đứt ruột, không biết có cho mình vào tìm xe được không?”
Trả lời những thắc mắc trên, một cán bộ Đội Hậu cần kỹ thuật, thuộc PC 67 cho biết: các xe vi phạm khi quá thời gian giải quyết không có người đến nhận sẽ được kiểm tra thông tin số khung, số máy đối chiếu với các hồ sơ báo mất xe, nếu trùng CSGT sẽ liên hệ chủ xe đến nhận lại. Trên thực tế, nhiều trường hợp cũng tìm lại được xe bị mất trộm qua các thông báo này".
Ngổn ngang xe máy ám bụi trong nhà kho chứa xe vi phạm Ảnh: Ngọc Dương
Độc giả tên Quang Vượng cũng góp ý rằng nhiều xe bị trộm và tên trộm vi phạm bị bắt xe vào đây nên chúng bỏ luôn, mà "chính chủ" thì lại không biết. Do vậy, CSGT nên lập một trang web để người mất xe có thể vào trang này tìm xe của mình bị mất.
Có thể thấy, một vạn xe máy vi phạm không ai nhận ở TP.HCM đang chờ bán sắt vụn mà không sớm được phân loại, hay tính toán thời gian xử lý sớm được nhiều người đánh giá rằng lãng phí vì nhiều lý do khác nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.