Vi phạm giao thông còn xưng anh em trong ngành: Cần thượng tôn pháp luật

24/03/2016 10:01 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Vi phạm giao thông còn xưng “anh em trong ngành” trên Thanh Niên số phát hành ngày 23.3.

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Vi phạm giao thông còn xưng “anh em trong ngành” trên Thanh Niên số phát hành ngày 23.3.

CSGT lập biên bản vụ việc - Ảnh: Mai TrâmCSGT lập biên bản vụ việc - Ảnh: Mai Trâm
Nhất thân, nhì thế
Phải thừa nhận một thực tế là người Việt luôn hành xử kiểu “nhất thân, nhì thế”. Chính từ thực tế này mới dẫn đến chuyện thanh niên này đã vi phạm giao thông còn xưng “anh em trong ngành” hòng để được tha. Đã đến lúc phải thay đổi thói quen hành xử này nhất là trong thực thi pháp luật. Ai vi phạm đều bị xử lý như nhau. Được vậy thì những chuyện tương tự chuyện “anh em trong ngành” sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Đỗ Thị Bích Đào (P.3, Q.6, TP.HCM)
Nhiều người ra oai quá
Có nhiều xe ô tô để nón bộ đội, nón công an, quân phục, logo của đơn vị này đơn vị kia… trong xe để ra oai, hy vọng không bị CSGT thổi phạt… Những hình ảnh ấy rất phản cảm. Người dân nhìn vào dù không biết đó là thật hay giả nhưng thấy rất phản cảm. Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan công an, quân đội, truyền hình... nên có quy định không được “trưng” những gì là dấu hiệu của đơn vị mình trên xe (ngoài mục đích quảng cáo).
Đào Đức Nhật Long (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM)
Thượng tôn pháp luật
Nước ta là nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều tuân thủ theo luật pháp. Ai vi phạm các quy định của pháp luật đều bị xử lý ngang nhau, không kể đó là người trong ngành hay ngoài ngành, thân quen đến đâu. Phải thực hiện như thế thì luật pháp mới thực sự đi vào cuộc sống. Nếu người áp dụng pháp luật vì vị nể, quen biết mà làm nhẹ đi hoặc không xử phạt vi phạm thì dễ dẫn đến thói quen dựa dẫm vào sự quen biết, từ đó sinh ra “lờn” pháp luật khi có quyền, có chức vụ…
Nguyễn Huỳnh Long (huynhlongtt@gmail.com)
Vi phạm hành chính thôi mà
Tôi thấy chuyện bị xử phạt khi vi phạm giao thông đâu có gì là khủng khiếp, sẽ chỉ bị phạt hành chính chứ có bắt bỏ tù, bêu xấu trong lý lịch hay gì ghê gớm đâu mà phải xin xỏ CSGT hay ra oai để được “tha”?
Trần Đình Thuận (Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM)
Thích chứng tỏ ta đây quan trọng
Bạn bè tôi có rất nhiều người tỏ ra tự đắc khi mình là “anh em trong ngành”, “anh em gần ngành”… nên chẳng bao giờ bị xử phạt vi phạm giao thông dù vi phạm, xin cái là “mấy ảnh” cho đi. Tôi thấy buồn cười cho điều này. Nếu tham gia giao thông đúng quy định, không bao giờ vi phạm thì có ai xử phạt được? Một khi lỡ vi phạm thì cứ móc tiền ra đóng phạt. Một công chức, viên chức ở đất nước này không ai nghèo đến độ không có một hay hai trăm ngàn đồng để đóng phạt vi phạm giao thông. Vậy mà họ không muốn thế, họ muốn được CSGT tha, bỏ qua… để chứng tỏ mình là người có quyền lực.
Ngô Trường Thành (Bến Cát, Bình Dương)
       
Người này chẳng những có hành vi vi phạm an toàn giao thông mà còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Vi phạm này phải xử lý thật nghiêm, thật triệt để. Nếu đúng người đàn ông này đang làm trong ngành công an thì cơ quan nơi anh ta làm việc cần phải xử lý kỷ luật vì lạm dụng chức vụ, quyền hạn...   
 Nguyễn Thị Ngọc Giao (An Khê, Gia Lai)
       
Nếu là “anh em trong ngành” thì càng phải tuân thủ pháp luật một cách chuẩn mực, nghiêm túc hơn chứ không có kiểu xem thường pháp luật, xem thường “anh em trong ngành” như vậy. Nên xử lý người này thêm tội mạo nhận, làm xấu hình ảnh ngành công an trong mắt người dân.  
 Huỳnh Minh Đạt (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.