Việt-Lào-Thái ký sự - Kỳ 3: Thăng trầm người Việt ở Mục

12/04/2007 23:38 GMT+7

Chợ Đông Dương tọa lạc cạnh dòng Mê Kông với kiến trúc Pháp và không ít chủ tiệm là người Việt. Trải bao thăng trầm, từ vị trí làm thuê, nay khá nhiều người đã bước lên làm chủ. Hầu hết bố mẹ họ đến Thái thời chạy giặc Pháp từ Lào, khoảng năm 1946, sau sự kiện Nhật đảo chính, bằng cách bơi bộ từ Savanakhet/Savản sang Mukdahan/Mục Đa Hãn, được thuyền của các nhà sư Thái tiếp sức giữa dòng.

Một số người thời ấy vẫn còn, đã là những ông cụ tuổi trên thất thập. Con cái các cụ giờ đã nên gia thất, ra riêng và thế hệ cháu chắt hiện nay, không ít người vào đại học hoặc trở thành những ông bà chủ trẻ nối nghiệp gia đình.

Các đoàn khách Việt khi sang Mukdahan thường được các hướng dẫn viên đưa đến đây. Ông Phùng Cư cũng nói trong tương lai gần, đây sẽ là một trong những điểm đến của những đoàn caravan Việt - Lào - Thái. Được chuyện trò, cầm tay đồng hương trên xứ người là hạnh phúc không phải ai cũng có. Tôi đã may mắn cảm nhận điều ấy một sớm mùa hè. Ông Trần Văn Sinh, sinh năm 1949 tại Mục, hiện là chủ tiệm hàng gia dụng loại lớn, chuyên kinh doanh hàng nhôm, sành sứ từ Đà Nẵng, Sài Gòn, Bình Dương, Tây Ninh theo  đường bộ sang.

Vợ chồng ông sinh được 3 gái 1 trai, nay đã lớn. Con trai đầu của ông đã có cửa tiệm riêng. Con gái út Money Nuk (tên Việt là Hào), 26 tuổi, bỏ dở Đại học Xoxa Nukun/Xô Xa Nút Kun ở Khon Khen/Khỏn Kèn (cách Bangkok 450 km phía đông bắc), về phụ giúp cho ông. Thật tiếc, Money Nuk nói chưa thạo tiếng Việt và không viết được chữ Việt nào! Chẳng rõ vì sao, từ ấy đến nay, đại gia đình ông chưa lần nào về thăm Hà Tĩnh quê cha và quê mẹ ở Huế. Gặng hỏi, ông Sinh bảo: "Do mải làm ăn, buôn bán. Bỏ đi một ngày không được". Có lẽ do vậy, Money Nuk không biết biển là gì!

Vợ chồng anh Phạm Văn Hòa ở chợ Đông Dương

Khác với ông Sinh, anh Phạm Văn Hòa, chủ tiệm điện máy đồ sộ bên cạnh, khá xúc động khi nói hai từ VN. Mở truyền hình chảo, kênh VTV, anh nói to giữa tiệm: "Không có Bác Hồ, chúng tôi không có được ngày nay". Anh đưa chúng tôi lên gác, tại bàn thờ Đức vua Rama V, một trong các vị vua vĩ đại của Thái, khoe tấm ảnh Bác Hồ mà anh nâng niu, thờ phụng lâu nay. Anh tự hào là người gốc Việt và cũng tự hào về 2 con đang theo học đại học ở Philippines, Đài Loan. Cha mẹ anh quê Quảng Ngãi và Quảng Bình. Người cha từng là nhạc công trompet, tham gia đoàn xiếc ủng hộ Việt Minh trên đất Thái. Nay đã 87 tuổi, ông vẫn vô địch giải chạy bộ 7 km phối hợp 20 km xe đạp, Cúp châu Á 2007 tại Mukdahan hôm 26.3.

Một người nữa chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Quỳ, sinh năm 1947, được nhận quốc tịch Thái hôm 25.4.2006 với tên Thavorn Nguyen Van, 3 tháng sau khi anh trực tiếp gửi thư cho cựu Thủ tướng Thaksin. Sở dĩ tôi gọi bằng anh vì so với tuổi 60, anh Quỳ quá trẻ. Trên xe đưa chúng tôi đến thăm nhà, anh say sưa hát những bài ca cách mạng mà giờ đây ở trong nước ít khi nghe. Anh từng soạn lời Thái cho bài Giải phóng quân của Phan Huỳnh Điểu với nội dung đoàn kết Việt - Thái - Lào.

Có học thức, anh Quỳ hiện là Giám đốc Thai - Viet Tour, là đại diện DMZ Tour Quảng Trị tại Mukdahan. Bà xã anh 51 tuổi, cũng sinh ở Thái, người gốc Làng Mai - Huế, hiện làm chủ tiệm cơm trong chợ Mục. Anh chị có với nhau 3 cháu, đều đã tốt nghiệp đại học. Cháu Nguyễn Văn Hào, 30 tuổi trông chỉ mới 20, tốt nghiệp Đại học Khoa học chính trị, hiện là trợ lý đắc lực cho anh. So với nhiều người Việt ở Mục, anh Thavorn Nguyen Van sử dụng tiếng Việt khá trôi chảy do một thời anh ngày đêm ngấu nghiến toàn bộ khối Báo Thanh Niên cũ do ông Phùng Cư từ VN mang sang tặng.

Anh rất tự hào về người cha kính yêu: ông Nguyễn Hoằng, 94 tuổi, người gốc làng Thợ Rèn (xã Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 1945, cha mẹ anh đi bộ 3 tháng ròng từ Quảng Trị sang Savanakhet. Ngày 15.3.1946, được tin Pháp tấn công Lào, hôm sau khoảng 20.000 người Việt từ Savản bơi bộ qua dòng Mê Kông mênh mông trong khi máy bay Pháp xả đạn trên đầu. Đến giữa sông, cha mẹ anh được các nhà sư người Thái vớt lên thuyền đưa sang Mục. Họ cho 50 kg gạo và nơi tạm trú. Hai năm sau, anh chào đời trên đất Thái. Làm ăn phát đạt, cha anh tham gia tổ chức mật của Việt Minh.

"Nhớ quê, cha đặt tên tôi là Nguyễn Văn Huế. Một lần, do tôi không thuộc một bài thơ dài của Tố Hữu, ông buộc tôi quỳ xơ mít và đổi tên thành Nguyễn Văn Quỳ, coi như bài học suốt đời" -Anh Quỳ tâm sự - "Cha tôi hồi đó là người Việt giàu nhất Mục. Ông ủng hộ hết mình cho cách mạng. Tiếc là dịp Quốc khánh 2.9 năm rồi, ông không còn khỏe để về thăm Hà Nội, thăm Bác Hồ. Riêng tôi đã về quê cha, thắp hương tưởng niệm. Nay tôi cố làm ăn, đủ tiền sẽ về làng Thợ Rèn xây nhà thờ họ cho cha thỏa lòng...". Anh cho tôi địa chỉ e- mail và hứa sẽ liên lạc thường xuyên. Hẹn ngày gần, có đoàn của Thai - Viet Tour sang miền Trung, anh và tôi sẽ gặp nhau ở Đà Nẵng.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.