Vùng đất huyền thoại giữa New York

19/02/2018 13:02 GMT+7

Nếu quảng trường Thời đại, tượng Nữ thần Tự Do, cầu Brooklyn... là các địa điểm làm “phông nền” để nhận diện New York (Mỹ), thì Hell’s Kitchen, cũng ở thành phố này, lại là nguồn cảm hứng cho vô số phim ảnh.

Những chiếc xe đạp kéo, xe buýt 2 tầng thay nhau trả và nhận du khách ngay trước khách sạn Row nằm ở ngã tư giao nhau giữa đại lộ số 8 và đường số 45 tại vùng Manhattan, New York. Một không khí ồn ào náo nhiệt bởi dòng người cuồn cuộn tại đây - cửa ngõ quan trọng của quảng trường Thời đại nằm ở đại lộ số 7 chỉ cách một dãy phố dài hơn trăm mét. Thế nhưng, dường như không nhiều du khách đi trên đại lộ số 8 tỏ ý quan tâm khu vực bên kia đường là ranh giới để đi vào khu vực Hell’s Kitchen - nơi được mệnh danh như “bếp nhà” của New York, đồng thời gắn liền rất nhiều huyền thoại cả trên phim lẫn đời thực.
Ngay từ tên gọi Hell’s Kitchen cũng có thể xem là huyền thoại. Dù được biết đến rộng rãi từ nửa cuối thế kỷ 19 chứ không quá xa xưa, nhưng đến nay chưa có một kiến giải nào được công nhận là trả lời chính xác về nguồn gốc của tên gọi này. Tuy nhiên, dù là cách nào thì cũng đều xoay quanh 2 yếu tố trong tên gọi: Hell có nghĩa là địa ngục, và kitchen là bếp ăn.
Nơi trưởng thành của “người sáng lập” Las Vegas
Suốt nhiều năm qua, nhân vật Người Dơi (Batman) của Hãng DC xuất hiện trong truyện tranh lẫn trên màn ảnh đã khiến không ít người trên khắp thế giới phải chết mê. Trong đó, thành phố “tội lỗi” Gotham, mà Batman luôn phải ra sức cứu rỗi, thỉnh thoảng vẫn được hé lộ là một địa điểm tại Mỹ. Thế nhưng, Gotham lại không có tên trên bản đồ của xứ sở cờ hoa. Chính vì thế, không ít người mê phim đã cố gắng giải mã Gotham được phóng tác từ thành phố nào trên nước Mỹ. Ban đầu, và sau nhiều năm, Hell’s Kitchen được cho là “cội nguồn” chính xác nhất, phù hợp nhất với những gì Gotham thể hiện.
Nằm trong khu vực giữa sông Hudson và đại lộ số 8, hai phía còn lại được giới hạn bởi đường số 34 và đường số 59, Hell’s Kitchen thuộc vùng Manhattan sầm uất của thành phố lớn nhất nước Mỹ. Nên về diện tích Hell’s Kitchen khó có thể so sánh với quy mô mà Gotham thể hiện trên phim. Thế nhưng, về “lý lịch đen tối” thì Hell’s Kitchen không hề thua kém Gotham.
Trong suốt giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, Hell’s Kitchen là khu vực nguy hiểm, nơi tập trung nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức ở New York, đặc biệt là những băng nhóm gốc Ireland. Đây còn là nơi trưởng thành của Ben Siegel - người được xem như đã đặt nền móng hình thành nên đế chế cờ bạc Las Vegas (Nevada, Mỹ). Lớn lên tại Hell’s Kitchen khi tham gia các băng nhóm Ireland, Siegel gốc là người Do Thái và về sau tham gia vào băng nhóm của Charles Luciano - trùm của các ông trùm trong giới mafia gốc Ý tại Mỹ. Khi băng nhóm do Luciano gặp khó khăn do việc trấn áp cờ bạc ở Mỹ kể từ đầu những năm 1940, Siegel nhìn thấy tiềm năng của Las Vegas bởi khi đó luật ở bang Nevada không cấm cờ bạc, nên thuyết phục tổ chức tội phạm thuộc Luciano đầu tư khách sạn - sòng bạc Flamingo (Chim Hồng Hạc). Từ sự thu hút của sòng bạc Chim Hồng Hạc, giới cờ bạc khắp nước Mỹ tấp nập kéo về Las Vegas, nhờ đó thành phố này nhanh chóng trở thành “kinh đô cờ bạc”.
Một câu lạc bộ nhảy thoát y ở Hell’s Kitchen Ảnh: Ngô Minh Trí
Cảm hứng của phim ảnh
Còn hàng loạt tên tuổi khác từng gieo rắc nỗi sợ hãi trên khắp nước Mỹ cũng lớn lên từ Hell’s Kitchen. Chính vì thế, từ đầu thế kỷ 20, khu vực này không chỉ xuất hiện trên báo mà còn trên phim ảnh Mỹ. Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (1911 - 2004) từng có một vai diễn trong bộ phim mang tên Hell’s Kitchen hồi năm 1939 nói về “thế giới tội phạm” ở đây. Một bộ phim khác cũng mang tên Hell’s Kitchen ra mắt năm 1998 với sự tham gia của nữ minh tinh Angelina Jolie cũng nói đến nỗi ám ảnh nguy hiểm ở khu vực này. Đó là chưa kể hàng loạt bộ phim khác.
Nếu Gotham chỉ là sự suy tưởng của Hãng DC về Hell’s Kitchen, thì Hãng Marvel lại mang hẳn Hell’s Kitchen vào trong nhiều tập phim và tập truyện về giới siêu anh hùng. Siêu anh hùng Dare Devil (Hiệp Sĩ Mù) của Marvel từng được mệnh danh là “con quỷ của Hell’s Kitchen”, “người hộ vệ cho Hell’s Kitchen” bởi trên phim và truyện, nhân vật này đã hành hiệp trượng nghĩa khiến bao băng nhóm tại “bếp ăn của địa ngục” phải khiếp sợ. Trong năm 2017, một bộ phim truyền hình 8 tập do Marvel hợp tác cùng ABC Studios, cũng đưa khu vực này trở thành nơi diễn ra nhiều cuộc giao đấu sống còn giữa nhóm siêu anh hùng Defender với băng nhóm The Hand tàn độc.
Du khách nô nức ở đại lộ số 8 - “biên giới” của khu Hell’s Kitchen Ảnh: Ngô Minh Trí
Và nơi ẩm thực hội tụ
Tuy nhiên, những câu chuyện băng nhóm tội phạm ở Hell’s Kitchen nay đã lùi vào dĩ vãng và chỉ còn trên phim ảnh, truyện tranh. Những nỗ lực giành lại trị an của chính quyền từ cuối thập niên 1970 và đặc biệt là trong thập niên 1990 đã có hiệu quả. Phần “Hell” (địa ngục) đã biến mất, ngày nay khu vực này chỉ còn phần “kitchen” (bếp ăn) vốn rất nổi tiếng từ hơn 1 thế kỷ qua.
Giờ đây, trên khắp những đại lộ, con đường ở Hell’s Kitchen chỉ còn sự hiện diện khá dày đặc những nhà hàng với đủ loại ẩm thực. Chỉ một đoạn ngắn trên đại lộ số 9 gần ngã tư giao nhau với đường số 45, các nhà hàng hội tụ ẩm thực từ khắp thế giới như Việt Nam, Cuba, Mexico, Trung Hoa, Ý… Lúc 12 giờ đêm, bước ra khỏi một quán rượu trên đường số 45 để về căn hộ trên đại lộ số 9 mà tôi thuê cho những ngày tá túc tại New York, không khí náo nhiệt không hề giảm đi. Vô số người vẫn lui tới Hell’s Kitchen để giải trí mà không hề có chút ái ngại hay lo sợ về việc bước chân vào vùng đất từng nổi tiếng nguy hiểm. Người dân khắp New York tìm đến đây để ăn uống, giải trí trong một số bar rượu khá lành mạnh. Từ chạng vạng đến nửa đêm, lúc nào cũng đông đúc người ra kẻ vào. Nếu có chút “hư đốn” thì chỉ còn hiện diện ở một số câu lạc bộ nhảy thoát y.
Hell’s Kitchen còn trở thành tên của một chương trình truyền hình thực tế chuyên về nấu ăn đang thu hút hàng triệu người xem ở Mỹ suốt gần 10 năm qua. Không những vậy, chính nhờ vị trí thuận lợi mà Hell’s Kitchen còn đang trở thành khu vực phát triển mạnh mẽ ở New York, với hàng loạt dự án căn hộ, nhà ở cao cấp. Theo một bài viết trên tờ The New York Times, thì giá cả bất động sản ở khu vực này dần lọt vào nhóm đầu về đắt đỏ tại New York. Những căn hộ có giá gần 100 triệu USD cũng đã được mua bán tại Hell’s Kitchen hay “rẻ rẻ” cho một căn hộ 1 phòng ngủ trong các dự án mới ở đây cũng trên 300.000 USD (khoảng 7 tỉ đồng).
Tất cả đánh dấu một cuộc thay đổi, hồi sinh khó tin như nhiều khu vực khác ở New York.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.