Ô tô, xe máy 'cát cứ' vỉa hè vì thiếu bãi đậu

19/07/2023 16:34 GMT+7

Hơn 30 năm trước, TP.HCM đã tính toán chỗ đậu xe. Thế nhưng trong khi công trình nhà ở, thương mại, khách sạn, trường học... được cấp phép khắp nơi thì bãi đậu xe lại rất hiếm hoi. Ngay cả các dự án mới hiện nay thì chỗ đậu xe cũng vẫn... mặc kệ.

Từ trước 2006, TP.HCM đã lên kế hoạch xây dựng hơn 10 bãi đậu xe công cộng. Sau 15 năm, số vị trí được quy hoạch "rơi rụng" dần chỉ còn 4 bãi đậu xe ngầm nhưng cũng chưa dự án nào được triển khai. Việc thiếu nghiêm trọng các bãi giữ xe gắn máy, ô tô không chỉ khiến người dân khó khăn và bức xúc mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy. 

Vì sao TP.HCM hơn 15 năm bế tắc với bãi đậu xe công cộng? - Ảnh 1.

Xe ô tô đậu trái phép đường Alexandre de Rhodes (Q.1, TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

Chỗ đậu xe... mặc kệ

Sống tại phường Bến Nghé (Q.1), ngày nào ông Phan Ngọc Mai cũng đi bộ tập thể dục từ nhà tới đường Nguyễn Huệ (Q.1). Mặc dù ở TP.HCM đã quá nửa đời người, không còn xa lạ gì với tình trạng lấn chiếm vỉa hè nhưng ông Mai vẫn không kìm nén nổi cảm giác bức xúc khi giữa trung tâm thành phố, tại khu vực mới được đầu tư khang trang, sạch sẽ nhưng không có tuyến vỉa hè nào có thể đi bộ xuyên suốt. 

Ngay cả công viên Bạch Đằng (Q.1), nơi trở thành điểm vui chơi hấp dẫn mới của người dân thành phố sau khi được cải tạo nhưng không bố trí bãi xe, phát sinh tình trạng người dân dừng, đỗ xe trái phép dưới lòng đường, gây thêm ách tắc các tuyến đường lân cận.

"Phần đường dành cho người khuyết tật được bố trí rất đẹp nhưng gần như không ai sử dụng được, do vỉa hè, lòng lề đường đều bị lấn chiếm, hình thành những bãi giữ xe nhỏ tự phát. Cùng với đó, trên địa bàn thành phố có rất nhiều tuyến đường được các nhà xe lợi dụng để đón/trả khách sai quy định. Xe dù, bến cóc hoành hành. Những sai lầm cũ khó sửa đã đành, đằng này rất nhiều chỗ mới xây hoặc cải tạo, chỉnh trang nhưng cũng không tính toán chỗ đậu, đỗ xe cho người dân. Nhiều khi người ta không muốn làm bậy nhưng không có bãi đậu, đành đậu lụi chứ sao" - ông Mai nói.

Theo số liệu từ Sở GTVT TP.HCM, so với chỉ tiêu quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, hiện nay, hệ thống bến bãi của thành phố mới đạt khoảng 250 ha, tương đương 22% so với tổng diện tích quy hoạch phần bến bãi giao thông tĩnh là 1.146 ha, đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu. 

Đó là tính tổng hết tất cả các loại bến bãi cho nhiều loại hình phương tiện, bao gồm cả bến xe buýt, xe khách, xe container... Nếu phân loại cụ thể bãi đậu xe dành cho xe ô tô, xe gắn máy phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân thành phố, tỷ lệ còn thấp hơn nhiều.

Lý giải tình trạng thiếu trầm trọng bãi đậu xe, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết: Quy hoạch và chủ trương đã có, song thời gian thực hiện các dự án chậm. Một phần do nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế. Ngay cả những dự án đã được bố trí vốn cũng không đạt như kỳ vọng. Đơn cử như bến xe tại Hóc Môn, Củ Chi được HĐND TP bố trí vốn từ 2015 - 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, do quá trình triển khai chậm, nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đối tác công - tư thời gian qua không thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt là các bãi xe ngầm lớn, dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm đã ký hợp đồng nhưng sau khi nghiên cứu vốn để đầu tư thì gặp rất nhiều khó khăn.

Vì sao TP.HCM hơn 15 năm bế tắc với bãi đậu xe công cộng? - Ảnh 2.

Nhu cầu đỗ, giữ xe ngày càng bức bách, đặc biệt ở khu trung tâm thành phố

ĐỘC LẬP

Bãi xe ngầm đắt đỏ, chuyển sang làm bãi đậu nổi?

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, hiện có 5 bến xe tại Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn… đã được HĐND TP bố trí vốn gần 1.000 tỉ đồng để đầu tư hoàn chỉnh. Từ nay đến 2030, thành phố dự kiến sẽ đầu tư thêm 4 bến xe, giúp hệ thống bến phục vụ hạ tầng giao thông công cộng cơ bản đầy đủ so với quy hoạch. 

Với các bãi đậu xe cá nhân, sắp tới, Sở sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống bến bãi, đặc biệt là lồng ghép chỉ tiêu cụ thể tại các dự án phát triển khu đô thị. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư các bến xe mang tính khả thi như thay vì bến xe ngầm thì đầu tư bến xe nổi hoặc bãi đậu xe lắp ghép thông minh. Thực tế, việc xây dựng công trình ngầm, nhất là dưới các công viên, công trình phải sâu hơn rễ cây, mạch nước ngầm để đảm bảo cây sinh trưởng. Điều này làm chi phí đội lên rất lớn, bởi chi phí tầng hầm gấp 3 lần tầng nổi.

Ngoài ra, tại khu vực trung tâm, thời gian qua, thành phố cũng đã triển khai hệ thống hơn 500 xe đạp công cộng, bố trí khu vực cho người dân để xe gắn máy tại các trạm dừng, nhà chờ xe buýt. Tại nhiều tuyến đường Q.1, Q.3, Q.5, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết cho đậu xe lòng đường. 

"Mới đây, Nghị quyết 98 cũng cho phép thành phố được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng bao gồm nhà, sân bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do Nhà nước quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai thí điểm các bãi đậu xe lắp ghép gọn gàng, hiệu quả. Rất nhiều giải pháp hỗ trợ đang đồng loạt được triển khai nhằm giải quyết tình trạng đậu, đỗ xe trái phép, thiết lập lại an ninh, trật tự giao thông cho thành phố”, cơ quan quản lý ngành giao thông TP.HCM nhấn mạnh.

Chuyên gia giao thông Vũ Đức Thắng cho rằng, thực tế bãi đậu xe nổi hay ngầm chỉ là phương thức, không phải mấu chốt của bài toán "phủ" bãi đậu xe của TP.HCM. Ông đánh giá đây là tồn tại, bế tắc cực quan trọng, nguy hiểm không kém gì "vấn nạn" kẹt xe và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề đối với các nhà quản lý.

Theo ông Vũ Đức Thắng, vấn đề làm bãi đậu xe đã được TP.HCM đặt ra từ năm 1992, trải qua rất nhiều đề án nghiên cứu nhưng vẫn không triển khai được. Vì bế tắc nên vấn đề này trở thành "chỗ bị khoanh vùng", cứ để đó, lâu lâu lại giở ra, khơi lên rồi cuối cùng vẫn không giải quyết được. Nguyên nhân chính do các quy hoạch, đề án bãi đậu xe không phù hợp với nhu cầu của người dân đô thị và sai lầm từ buông lỏng quản lý.

Cụ thể, người dân thành phố có nhu cầu đỗ xe tại điểm họ muốn tới, không phải tìm kiếm điểm đỗ tập trung. Nhu cầu phân tán trong khi quy hoạch các bãi đậu xe lại là bãi tập trung, chỉ phân bổ ở một vài điểm. Đơn cử, làm bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám thì chỉ những người có nhu cầu đi lại ở một số khu vực trên đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng hay Phùng Khắc Khoan mới tới gửi. Sẽ không ai tới gửi xe ở đây để đi bộ ra tận hồ Con Rùa hoặc Nhà thờ Đức Bà hay chợ Bến Thành. Cũng vì giới hạn đối tượng như vậy nên lượng khách sẽ ít, không đủ chi phí hoạt động, các nhà đầu tư không mặn mà.

"Cả thành phố hiện chỉ có bãi đậu xe trong sân bay là thành công nhất, "ngon ăn" nhất là bởi người dân ai cũng có nhu cầu tới đậu xe để vào sân bay. Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của việc xác định nhu cầu để đưa ra nguồn cung phù hợp. Các đề án bãi đậu xe thất bại là do không phù hợp với thực tế" - chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, thành phố nêu nguyên nhân không đủ diện tích đất để làm bãi đậu xe. Từ những năm đầu thập niên 1990, thành phố đã có chủ trương sử dụng toàn bộ đất kho bãi để làm bãi đậu xe; đồng thời yêu cầu quản lý mỗi cơ sở kinh doanh, mỗi trung tâm thương mại phải đảm bảo chỗ đậu xe cho khách. Đây là điều kiện tiên quyết để cấp phép kinh doanh.

"Chủ trương là vậy nhưng thực tế thì sao? Đất kho bãi không giữ được, dần được đưa vào xây dựng nhà cửa, chuyển đổi mục đích; các trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người như khách sạn, nhà hàng, trung tâm giáo dục… được cấp phép tràn lan mà không cần lo tới diện tích bãi đậu xe. Việc buông lỏng quản lý trong thời gian quá dài khiến vòng luẩn quẩn xe tăng, bãi đậu xe thiếu ngày càng phức tạp. Thành phố cần nghiêm túc đặt ra vấn đề này, làm lại quy hoạch một cách bài bản để có được phương án tổ chức phù hợp với người dân đô thị" - chuyên gia giao thông Vũ Đức Thắng nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.