EVNHANOI giải thích vì sao hóa đơn tiền điện tăng cao

08/03/2024 20:29 GMT+7

Hóa đơn tiền điện sinh hoạt của nhiều gia đình ở Hà Nội tháng 2 tăng cao hơn tháng trước là tương ứng với số ngày sử dụng điện thực tế và định mức của mỗi bậc thang cũng được điều chỉnh tương ứng chứ không bị dồn vào bậc thang ở mức cao.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến chủ đề: Làm rõ cách tính hóa đơn tiền điện, do Báo điện tử Vietnamnet tổ chức chiều 8.3, bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), đã giải thích về quy định, cách tính hóa đơn tiền điện trong tháng 2 khi có nhiều ý kiến khách hàng về việc tiền điện tăng vọt.

EVNHANOI giải thích vì sao hóa đơn tiền điện tăng cao- Ảnh 1.

Công tơ điện tử sẽ giúp khách hàng của EVNHANOI theo dõi mức tiêu thụ điện theo từng ngày, từng tháng

EVNHANOI

Chương trình có sự tham gia của ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh; chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình ở Hà Nội bất ngờ tăng cao, thậm chí gấp 3 - 4 lần so với tháng bình thường. Vì sao EVNHANOI không tách thành 2 hóa đơn tiền điện mà gộp một hóa đơn khiến người sử dụng điện chịu thiệt khi bị dồn vào giá điện bậc thang mức cao.

Giải đáp những thắc mắc nêu trên, bà Tô Lan Phương khẳng định, EVNHANOI đã tuân thủ đúng quy định về số lần ghi chỉ số công tơ trong tháng tại điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP chỉ ghi chỉ số một lần đối với khách hàng sinh hoạt. Theo đó, doanh nghiệp này không thể tách thành 2 hóa đơn để phát hành và thu tiền như ý kiến của nhiều khách hàng.

Cũng theo quy định tại khoản 5 điều 1 Thông tư 09/2023 của Bộ Công thương, mức sử dụng điện của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ đó. Trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số, hóa đơn tiền điện được lập trên cơ sở điện năng tiêu thụ của khách hàng trong kỳ ghi chỉ số theo công thức tính toán quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng theo bà Phương, khi chốt lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng áp dụng từ 29.2 thì số ngày sử dụng điện thực tế được kéo dài lên từ 38 - 57 ngày mới trả tiền điện tùy theo thời điểm cuối cùng của kỳ ghi chỉ số tháng trước. Theo đó, hóa đơn tiền điện trong tháng 2 có tăng cao là tương ứng với số ngày sử dụng điện thực tế và định mức của mỗi bậc thang đã được điều chỉnh tương ứng chứ không bị dồn vào ở bậc thang ở mức cao.

Dẫn chứng câu chuyện cá nhân đã truy cập vào website của EVNHANOI trực tiếp kiểm tra trên công tơ điện tử từ ngày 7.1 - 29.2 để xem mức sử dụng điện của gia đình, ông Sơn khẳng định, đây là công cụ rà soát chính xác mức tiêu dùng điện năng theo từng ngày. Trong tháng giêng vừa qua, có những tiêu dùng đột biến xảy ra. Cụ thể, trời rét, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao..., các gia đình đều có xu hướng chung sử dụng nhiều thiết bị điện hơn như: điều hòa không khí, máy sưởi, thiết bị hút ẩm.

Theo đó, trong tháng 2, người dân phải chi trả tiền điện nhiều hơn không phải do kéo giãn ngày ghi chỉ số công tơ điện mà trong giai đoạn cận tết, tháng giêng đều có xu hướng dùng điện nhiều hơn, dẫn đến tăng tiền điện.

"Tôi đã so sánh giữa tiêu dùng của năm 2023 với 2024, trong trường hợp này tiêu dùng điện năng tính tổng của gia đình tăng hơn gấp 2 lần. Nếu chúng ta nhìn lại toàn bộ cách phân bổ tiêu thụ điện năng thì tầm 70% các tiêu thụ điện diễn ra trong 31 ngày đầu tiên, tức là trong chu kỳ hóa đơn đầu tiên chứ không phải giai đoạn sau, có nghĩa là việc có kéo giãn tới ngày 29.2 không ảnh hưởng tới mức áp giá điện", ông Sơn chia sẻ.

Chốt công tơ điện ngày cuối tháng giúp minh bạch tiền điện

Cũng theo ông Hà Đăng Sơn, nhiều người đặt câu hỏi tại sao áp dụng tính giá điện bậc thang gây ảnh hưởng đến khách hàng nhưng đây không phải là quy định của EVNHANOI, đó là quy định của Chính phủ, đưa ra tính giá điện bậc thang để giải quyết bài toán điện năng là tài nguyên. Bởi, mỗi kWh điện tăng lên đòi hỏi sử dụng những nguồn điện với chi phí cao hơn, tốn tiền hơn. Giá điện bậc thang được thiết kế là để khuyến khích người dân tiết kiệm điện.

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, trước EVNHANOI thì TP.HCM đã lắp đặt công tơ điện tử. Hiện nay, EVNHANOI đã lắp công tơ điện tử cho toàn bộ khách hàng, đã đến lúc không chỉ doanh nghiệp này xem được công tơ của khách hàng mà mỗi khách hàng có thể xem được công tơ của chính gia đình mình và đây là bước tiến rất lớn về tự động hóa.

"Với cách tính gọn tiền điện theo hàng tháng, từ ngày 1 đến ngày 30, 31 hàng tháng sẽ minh bạch tài chính', ông Đình nói.

Bà Tô Lan Phương khẳng định, EVNHANOI chốt lịch ghi công tơ về ngày cuối tháng không chỉ thuận tiện về quản lý đối với doanh nghiệp mà còn đảm bảo lợi ích khách hàng. Cụ thể, khách hàng dễ ghi nhớ số công tơ, dễ dàng giám sát, kiểm tra chỉ số, mức tiêu thụ điện từng ngày, từng tháng. Ngoài ra, khi nhận hóa đơn tiền điện, khách hàng biết chắc chắn lượng điện sử dụng là từ ngày 1 hằng tháng đến ngày cuối tháng để chủ động giám sát, theo dõi mức sử dụng điện hằng ngày theo đúng số ngày của tháng.

"Đối với khách hàng có phản ánh hóa đơn tiền điện tăng nhiều lần, EVNHANOI sẽ kiểm tra lịch sử dùng điện, sản lượng điện từng ngày của tháng hóa đơn, chỉ số phát hành hóa đơn. EVNHANOI liên hệ với khách hàng để làm việc và giải thích phương pháp tính hóa đơn tuân thủ đúng các quy định. Các hộ sử dụng điện có thể truy cập vào website: https://evnhanoi.vn/cskh/cong-cu-tinh-hd-tien-dien để kiểm tra, tính toán hóa đơn tiền điện của gia đình", bà Phương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.