Giá bỏ thầu vàng sẽ quanh mức 81,5 triệu đồng/lượng?

22/04/2024 17:10 GMT+7

Sau khi giá tham chiếu để đặt cọc hạ xuống 80,7 triệu đồng/lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh dự báo, phiên đấu thầu vàng ngày mai 23.4, giá bỏ thầu sẽ dao động khoảng 81 - 81,5 triệu đồng/lượng.

Sáng nay 22.4, Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy đợt đấu thầu vàng vào 10 giờ cùng ngày do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.

Để tiếp tục thực hiện giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào 9 giờ ngày 23.4 và đã thông báo rộng rãi đến các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện để đăng ký dự thầu, đặt cọc ngay trong hôm nay.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đấu thầu thành công 16.800 lượng vàng miếng SJC chắc chắn sẽ khiến giá vàng giảm

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đấu thầu thành công 16.800 lượng vàng miếng SJC chắc chắn sẽ khiến giá vàng giảm

ĐT

Theo đó, khối lượng đấu thầu vẫn là 16.800 lượng vàng miếng SJC. Khối lượng đặt thầu tối thiểu 14 lô (tương đương 1.400 lượng) và tối đa 20 lô (2.000 lượng). Tỷ lệ đặt cọc là 10%.

Thay đổi đáng chú ý nhất so với thông báo đấu thầu vàng ngày 19.4 là giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc chỉ 80,7 triệu đồng/lượng (giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với mức giá công bố trước đó).

Giá bỏ thầu vàng sẽ quanh mức 81,5 triệu đồng:lượng?

Trao đổi với Thanh Niên chiều nay 22.4, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã hạ giá tham chiếu để phù hợp với đà giảm của giá vàng quốc tế.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng lần này là thành viên Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

"Theo tôi biết, đa số 15 doanh nghiệp và ngân hàng sẽ đặt cọc, tham gia đấu thầu vì hôm nay đã có đủ thời gian cân nhắc nhu cầu để đăng ký tham gia và đặt cọc", ông Khánh nói.

Xuất phát từ mức giá tham chiếu hạ xuống 80,7 triệu đồng/lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam dự đoán: "Giá bỏ thầu có thể sẽ dao động từ 81 - 81,5 triệu đồng/lượng".

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, giá đấu thầu chắc chắn sẽ cao hơn mức giá tham chiếu. Quy tắc của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng là chỉ mua cân đối phần vàng đã bán ra trước đó và mua thêm một phần nhỏ để bán. Các doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng không đầu cơ vàng.

"Doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng chắc chắn bỏ giá hợp lý để được trúng thầu, tất nhiên giá đó phải phù hợp giá thị trường. Vì nếu để giá cao hơn thị trường thì họ sẽ tìm mua ngoài thị trường hơn là mua ở đấu thầu", ông Phương nói.

Giải bớt cơn "khát" vàng

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, đấu thầu thành công 16.800 lượng vàng miếng SJC chắc chắn sẽ khiến giá vàng giảm. Tuy nhiên, nếu muốn giá vàng giảm sâu hơn, kéo gần thêm khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới thì cần thêm nhiều phiên đấu thầu chứ không chỉ một phiên ngày mai.

Để ổn định thị trường vàng cần tiến hành đồng bộ giải pháp, không chỉ dừng ở đấu thầu vàng

Để ổn định thị trường vàng cần tiến hành đồng bộ giải pháp, không chỉ dừng ở đấu thầu vàng

ĐT

Ông Hiếu phân tích, nhu cầu vàng đang rất cao cả ở trong nước và trên thị trường thế giới do biến động địa chính trị, chiến tranh tại khu vực Trung Đông; các ngân hàng T.Ư trên thế giới cũng đang mua vào rất nhiều. Cạnh đó, kinh tế thế giới chưa ổn định. Tâm lý các nhà kinh doanh, đầu tư thì vàng luôn là nơi an toàn nhất.

Trong khi đó, giá vàng Việt Nam bị tác động bởi giá vàng thế giới và cả bởi tình trạng đầu cơ vàng. "So với tất cả kênh đầu tư hiện tại, vàng vẫn là nơi hấp dẫn nhất khi chứng khoán rớt điểm, bất động sản lình xình…", ông Hiếu nói.

Khẳng định đấu thầu vàng vẫn chỉ giải cơn "khát" vàng phần nào, đánh vào tâm lý Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp vào thị trường vàng, theo vị chuyên gia tài chính - ngân hàng, ngoài đấu thầu vàng, cần sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

"Cần xóa độc quyền vàng miếng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc này. Cạnh đó, cần thành lập sàn vàng và làm sao kéo được số vàng còn nằm trong dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng.

Thực hiện đồng bộ giải pháp mới giúp thị trường vàng ổn định, nếu không thị trường vẫn sẽ còn biến động", ông Hiếu nhấn mạnh.

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28.3.2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là hơn 1,8 triệu lượng trên tổng số hơn 1,9 triệu lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.