Giả mạo nhà sư sẽ bị xử lý thế nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
29/07/2023 10:59 GMT+7

Theo luật sư, nếu có căn cứ cho thấy người nào sử dụng giấy tờ giả để giả mạo nhà sư Phật giáo thì tùy theo mức độ có thể xử lý hành chính hoặc khởi tố hình sự.

Như Thanh Niên thông tin, liên quan đến vụ ông Nguyễn Minh Phúc (40 tuổi) có nhiều phát ngôn trên mạng xã hội trong thời gian qua, ngày 28.7, lãnh đạo UBND H.Củ Chi, TP.HCM cho biết, ông này đã giả mạo tu sĩ Phật giáo, tự xưng pháp danh là Thích Tâm Phúc.

Tên "Chùa Hoằng Pháp Trung ương" chỉ là bảng hiệu do ông Phúc tự ý gắn tại nhà, chính quyền địa phương đã đề nghị ông Phúc tháo dỡ bảng hiệu này.

Từ vụ ông Nguyễn Minh Phúc tự xưng 'đại đức Thích Tâm Phúc': Giả mạo nhà sư bị xử lý thế nào?

Theo UBND H.Củ Chi, từ năm 2015 đến nay, ông Phúc thành lập 6 công ty nhằm lợi dụng danh nghĩa để tổ chức các sự kiện vận động, quyên góp gây quỹ không đúng mục đích và tụ tập đông người tại nhà riêng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Hiện 6 công ty này đã bị khóa mã số thuế.

Qua xác minh của UBND H.Củ Chi và Ban Thi đua - Khen thưởng TP.HCM, các trường hợp tập thể, cá nhân khen thưởng cấp nhà nước do ông Phúc tự khai không có tên trong hồ sơ lưu trữ tại Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Thi đua - Khen thưởng TP.HCM.

Hồi tháng 1.2022, ông Phúc từng bị UBND xã ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi "khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác" với số tiền 2,5 triệu đồng.

Vụ giả mạo nhà sư, bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Theo UBND H.Củ Chi, ông Nguyễn Minh Phúc đã giả mạo tu sĩ

CHỤP MÀN HÌNH

Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, căn cứ theo điều 101 Nghị định 15 năm 2020 được sửa đổi bởi Nghị định 14 năm 2022, nếu một người khiêu khích, hay nói sai sự thật về người khác, hoặc đưa tin sai sự thật, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống (theo điều 155 và điều 156 bộ luật Hình sự).

Dù trong cấu thành tội phạm của 2 tội danh này, yếu tố sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm, không phải là căn cứ định khung theo điều luật, nhưng nó là cơ sở để đánh giá về lỗi cố ý của hành vi cũng như xem xét đến mức độ xúc phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, nếu có đủ căn cứ chứng minh, việc một người nào đó lập công ty nhằm tổ chức các sự kiện vận động, quyên góp gây quỹ không đúng mục đích, thì có thể bị xử lý hành chính.

Cụ thể, nếu hành vi vi phạm được xác định diễn ra trong thời vòng một năm trở lại đây thì có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng (điều 10 Nghị định 130 năm 2021). Nếu hành vi diễn ra quá thời hạn một năm, thì hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (điều 6 luật Xử lý vi phạm hành chính). Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra xác minh có dấu hiệu lừa đảo, thì người vi phạm có thể bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật Hình sự.

Cũng theo luật sư Phát, người nào làm giả giấy tờ để giả mạo tu sĩ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144 năm 2021 (hoặc nghị định khác tùy thuộc vào loại giấy tờ làm giả), hoặc khởi tố vụ án hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo điều 341 bộ luật Hình sự.

Xem nhanh 12h ngày 29.7: Bản tin thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.