Beethoven bắt đầu mất đi thính lực trong độ tuổi 20, và mắc các vấn đề về đường tiêu hóa cho đến khi qua đời vào năm 1827, thọ 56 tuổi. Bí ẩn đằng sau tình trạng bệnh tật của nhà soạn nhạc thiên tài luôn là đề tài phân tích của các thế hệ sau, với đủ loại giả thuyết được đưa ra.
Sau 200 năm, kết quả phân tích mẫu tóc của nhà soạn nhạc người Đức quá cố cung cấp manh mối về chuyện gì đã xảy ra cho sức khỏe của ông, cụ thể là chuyện ông bị điếc.
Đội ngũ chuyên gia của trung tâm học thuật y tế Mayo Clinic (trụ sở Minnesota, Mỹ) đã phân tích mẫu tóc được lấy từ giường bệnh của Beethoven, theo tờ The New York Times.
Giám đốc phòng thí nghiệm Paul Jannetto thuộc Mayo Clinic cho biết họ phát hiện một mẩu tóc của Beethoven chứa chì ở hàm lượng 258g trên mỗi gram tóc, và số liệu thu được ở mẩu tóc khác là 380 mg.
Hàm lượng bình thường ở tóc người chưa đến 4 mg/gram tóc.
Vậy thì hàm lượng chì cao vượt trội ở tóc Beethoven đến từ đâu? Không ai cho rằng nhà soạn nhạc từng bị đầu độc. Thay vào đó, tiến sĩ Jerome Nriagu, chuyên gia về nhiễm độc chì trong lịch sử và giáo sư danh dự của Đại học Michigan (Mỹ), cho rằng chì thường được dùng trong rượu và thực phẩm thời châu Âu thế kỷ 19, cũng như thuốc men và thuốc mỡ.
Vào thời của Beethoven, chì được cho vào rượu rẻ tiền để làm vị rượu ngon hơn. Rượu cũng được lên men trong những ấm được hàn bằng chì, dẫn đến rò rỉ chì khi rượu để lâu. Nút chai rượu vang đồng thời được ngâm trong muối chì để cải thiện độ kín của nút đậy.
Khi còn sống, Beethoven uống rất nhiều rượu, mỗi ngày khoảng một chai và khi lớn tuổi càng uống nhiều hơn thế vì cho rằng rượu tốt cho sức khỏe bản thân. Hậu quả là ông nghiện rượu.
Vài ngày cuối cùng trước khi qua đời năm 1827, ông vẫn uống rượu.
Bình luận (0)