Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo

Mai Phương
Mai Phương
23/11/2023 04:20 GMT+7

Chỉ còn đúng 1 tuần nữa, các ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản, xổ số... đều phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước những giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên.

Tăng từ 300 triệu lên 400 triệu

Từ ngày 1.12, các giao dịch có giá trị lớn từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan được quy định tại khoản 1, 2 điều 4 luật Phòng, Chống rửa tiền 2022. Quyết định 11/2023 thay thế cho Quyết định 20/2013 đã áp dụng hơn 10 năm. Như vậy, giá trị giao dịch phải báo cáo từ 300 triệu đồng của quy định hiện hành được tăng lên mức 400 triệu đồng.

Giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo - Ảnh 1.

Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải được báo cáo Ngân hàng Nhà nước

NGỌC THẮNG

Theo luật Phòng, Chống rửa tiền 2022, các tổ chức tài chính phải báo cáo là những đơn vị đã được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động như nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; môi giới chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền. Hay hiểu chung đó là các ngân hàng (NH), dịch vụ trung gian thanh toán như đơn vị cung cấp ví điện tử, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Giao dịch bất động sản, đổi tiền từ 400 triệu đồng phải báo cáo

Các giao dịch giá trị lớn khi thực hiện chuyển khoản qua NH thì dễ giám sát. Riêng đối với giao dịch tiền mặt thì VN chưa có quy định nên đây chính là kẽ hở.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính cũng thuộc đối tượng phải báo cáo gồm: Kinh doanh trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, internet; xổ số; đặt cược; kinh doanh bất động sản trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp (DN)…

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng việc nâng giá trị giao dịch số tiền phải báo cáo là phù hợp theo thu nhập của người dân. Bản thân các NH, công ty chứng khoán… cũng không gặp vấn đề gì khó khăn vì đã thực hiện báo cáo tự động. Riêng các công ty, cá nhân kinh doanh những dịch vụ phi tài chính liên quan có thể thời gian qua chưa thực hiện thì cần phải lưu ý bởi quy định cũng sẽ có hình thức xử phạt. Trên thực tế, các DN đã có quy định giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải thông qua NH. Nếu giao dịch tiền mặt sẽ bị cơ quan thuế không chấp nhận hạch toán vào chi phí hoạt động. Riêng đối với người dân khi giao dịch giá trị lớn cũng nên thông qua NH để an toàn, giảm rủi ro cho chính mình. 

"Ở các nước phát triển, giao dịch tiền mặt cũng diễn ra nhưng tỷ lệ ít với giá trị nhỏ. Bởi chính phủ các nước đã có những quy định liên quan như người dân phải chứng minh tài chính khi muốn sở hữu bất động sản hay đầu tư. Vì vậy hầu hết số tiền họ có đều phải để ở NH và giao dịch gì cũng thông qua NH", ông Hiển nói.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 1 triệu tỉ đồng rút từ SCB đã đi đâu?

Giao dịch tiền mặt tăng nguy cơ rửa tiền, hối lộ

Trên thực tế, dù đã có nhiều quy định về hạn chế giao dịch tiền mặt của các tổ chức kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực NH có rất nhiều quy định liên quan trong hoạt động cho vay, giải ngân, thế nhưng vẫn có những cá nhân, tổ chức rút được hàng trăm tỉ đồng tiền mặt để giao dịch bên ngoài. Vụ bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về ba tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ là ví dụ điển hình. Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan sử dụng NH TMCP Sài Gòn (SCB) như một "công cụ tài chính" để huy động tiền gửi, sau đó cấp vốn cho hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

Trường hợp cần tiền mặt, bà Lan gài pháp nhân "ma" vào hồ sơ vay vốn để hợp thức hóa. Thay vì chuyển khoản, bà chỉ đạo nhân viên rút trực tiếp tiền mặt. Tổng số tiền mặt được rút khỏi SCB để Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) chở về nhà riêng hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ tháng 2.2019 đến khoảng tháng 9.2022 ước tính khoảng 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỉ đồng). Bà Lan dùng số lượng lớn tiền mặt được rút dễ dàng từ NH để chi vào nhiều mục đích cá nhân, bao gồm đưa hối lộ.

Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, các NH đều có quy định về hoạt động cho vay, giải ngân đúng mục đích vay. Ví dụ nếu người vay để mua nhà thì NH sẽ chuyển tiền cho bên bán nhà; mua xe thì chuyển tiền cho bên bán xe hay các DN có giao dịch thì sẽ chuyển vào tài khoản của bên thụ hưởng. Quy định này nhằm để hoạt động cho vay đúng mục đích và cũng góp phần hạn chế giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế. Thế nhưng do các cán bộ, nhân viên NH cố tình làm sai quy định thì mới cho phép giải ngân người vay rút tiền mặt có giá trị lớn.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định hầu hết các quy định liên quan về giao dịch, thanh toán tiền mặt của các DN, tổ chức đã có. Bản thân quy định của từng NH cũng như kiểm soát, kiểm toán nội bộ đều có đủ liên quan đến việc giải ngân cho vay. Vấn đề cốt lõi là tính tuân thủ quy định không được đảm bảo, nhiều cá nhân và tổ chức cố tình vi phạm. Trong đó, nhằm thực hiện các hoạt động phi pháp thì sử dụng tiền mặt là lựa chọn đầu tiên để tránh bị truy vết, giám sát từ cơ quan quản lý nhà nước.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh: hệ thống giám sát, kiểm soát của NHNN cũng có nhưng trong trường hợp của SCB là không báo cáo, báo cáo sai để che giấu hành vi vi phạm. Tương tự, đối với quy định các NH phải báo cáo giao dịch có giá trị lớn trước đây từ 300 triệu đồng trở lên và sắp tới từ 400 triệu đồng trở lên thì hệ thống công nghệ sẽ lọc theo tiêu chí này và báo cáo tự động. Tuy nhiên, nếu có sự can thiệp của con người thì sẽ cho ra kết quả khác. Hơn nữa, lý do khiến thanh toán tiền mặt của VN vẫn còn cao là do chưa có quy định nào để hạn chế giao dịch cá nhân với cá nhân khi sử dụng tiền mặt nên rất khó để quản lý, giám sát. 

"Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại VN được đánh giá là tăng nhanh trong thời gian gần đây và ở mức trên trung bình của thế giới. Nhưng để giảm mạnh hơn việc sử dụng tiền mặt thì phải áp dụng thêm nhiều giải pháp đồng bộ", PGS-TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất.

'Nhận hối lộ 5,2 triệu USD trong vụ Vạn Thịnh Phát là lớn nhất từ trước nay'

Tăng cường giám sát chặt hơn

Quy định các NH, công ty chứng khoán hay đơn vị kinh doanh bất động sản, dịch vụ trò chơi có thưởng… phải báo cáo giá trị giao dịch lớn từ 400 triệu đồng trở lên được đánh giá là phù hợp theo thông lệ quốc tế nhằm phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, để quy định thực sự phát huy hiệu quả thì cần tăng cường tuyên truyền cũng như giám sát, xử lý. 

Theo luật sư Trần Xoa, qua thực tế trao đổi thì ngoài NH nắm rõ quy định, còn rất nhiều tổ chức kinh doanh bất động sản, kinh doanh kim loại - đá quý hay cả các công ty hành nghề luật sư, tư vấn pháp lý… không biết về quy định nêu trên. Do vậy trước hết NHNN phải đẩy mạnh truyền thông về quy định khi chính thức có hiệu lực. 

Song song đó, phải gia tăng giám sát, kiểm tra các đơn vị có thực hiện báo cáo hay không. Có thể xử phạt một vài tổ chức để làm nghiêm, mang tính răn đe. Chẳng hạn, một số công ty kinh doanh dịch vụ kế toán, luật sư khi thu phí tư vấn cho một giao dịch chỉ vài triệu hay vài chục triệu đồng nhưng mức xử phạt cho hành vi không báo cáo giao dịch có giá trị lớn từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng thì họ sẽ tuân thủ quy định. Đồng thời, việc xử phạt phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng mới có thể mang tính răn đe mạnh hơn. 

Luật sư Trần Xoa phân tích: "Các giao dịch giá trị lớn khi thực hiện chuyển khoản qua NH thì dễ giám sát. Riêng đối với giao dịch tiền mặt thì VN chưa có quy định nên đây chính là kẽ hở." "Hiện nay, nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt đã phát triển và người dân tự thấy tiện ích thì sẽ chuyển sang sử dụng ngay. Tôi đi ra quán phở, uống cà phê đều thấy nhiều bạn trẻ đã quét mã QR hay dùng ví điện tử để thanh toán, thậm chí là chuyển khoản. Nhiều người đã biết được lợi ích khi thanh toán bằng các hình thức trên là không cần phải đi rút tiền, không cần phải ôm tiền lẻ trong người hoặc giữ tiền nhiều trong ví cũng gặp rủi ro mất mát, cướp giật. Chính vì vậy vấn đề truyền thông quy định cũng như tạo điều kiện, khuyến khích các hình thức thanh toán thay thế tiền mặt là giải pháp hiệu quả, nhanh chóng để giảm tiền mặt trong nền kinh tế", ông Xoa nói thêm.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, thực tế quy định báo cáo giao dịch lớn trong 10 năm qua vẫn còn ít công ty thực hiện, ngoại trừ các NH, công ty chứng khoán là áp dụng báo cáo tự động. Với bản thân DN nói chung giao dịch tiền mặt vẫn là hợp pháp nhưng do bị "chặn" bởi quy định về thuế thu nhập DN nên mới tuân thủ giao dịch từ 20 triệu đồng phải thông qua NH. Như vậy rõ ràng quy định này đối với các công ty phi tài chính sẽ khó thực hiện nên cần có hướng dẫn cũng như giám sát chặt hơn. 

Trong đó, không phải chỉ giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên mới báo cáo mà theo quy định về phòng, chống rửa tiền, các tổ chức cũng phải báo cáo các giao dịch giá trị nhỏ hơn số tiền này nhưng có dấu hiệu bất thường. Ví dụ là số tiền nhỏ nhưng trong cùng một ngày hay một thời gian rất ngắn chuyển liên tục cho một tài khoản hay có nghi ngờ về mục đích giao dịch… Hơn nữa, hiện tại không có quy định nào về việc sử dụng tiền mặt đối với giao dịch cá nhân. 

Vì vậy NHNN có thể xem xét để xây dựng luật Thanh toán, trong đó quy định rõ về việc sử dụng tiền mặt như thế nào? Sử dụng ngoại tệ ra sao? Thanh toán với giá trị bao nhiêu… áp dụng cho cá nhân lẫn pháp nhân. Bởi hiện nay liên quan về ngoại hối cũng chỉ có pháp lệnh mà chưa xây dựng thành luật. Trong khi đó các hoạt động giao dịch, thanh toán là ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả người dân nên cần phải được thể hiện bằng luật do Quốc hội thông qua. Từ đó các quy định thực hiện và xử phạt cũng sẽ rõ ràng hơn. 

Giám sát, thực hiện đồng bộ nhiều chính sách liên quan

Ở nhiều nước vẫn có những giao dịch tiền mặt, giao dịch phi pháp. Vì vậy các nước đều có quy định về báo cáo giá trị giao dịch lớn để phòng chống hoạt động rửa tiền. Nhưng để quy định này được thực thi hiệu quả thì cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ để phát hiện các giao dịch lớn cũng như có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, phải truyền thông rõ những rủi ro có thể bị xử phạt khi phát hiện. Quan trọng hơn là phải áp dụng song song với các quy định khác. Chẳng hạn như quy định về thuế liên quan đến hạch toán chi phí hoạt động của DN. Vì quy định chỉ chấp nhận cho DN hạch toán vào chi phí trước khi tính thuế thu nhập DN khi thông qua ngân hàng giá trị giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên nên các công ty sẽ tuân thủ ngay. Tương tự, nếu cho phép cá nhân khi giao dịch qua ngân hàng, có hóa đơn sẽ được khấu trừ chi phí trước khi tính thuế thu nhập cá nhân thì sẽ khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển

Đẩy mạnh hình thức thanh toán không tiền mặt

Thời gian qua các hình thức thanh toán điện tử đã phát triển mạnh cũng giúp tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại VN tăng nhanh. Ngoài việc quét mã QR Code, ví điện tử thì các NH điện tử, chuyển khoản 24/7 cũng tạo sự thuận tiện khá nhiều. Từ đó người dân đã tự động chuyển sang các hình thức này trong đời sống thay cho tiền mặt, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM. Chính vì vậy cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng là NHNN cần tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt. Song song đó, cơ quan này cũng đang nghiên cứu về việc phát hành tiền số. Nếu làm được thì đó sẽ là một bước tiến lớn để giảm lượng tiền mặt trong nền kinh tế. Đồng thời có thể kiểm soát được mọi giao dịch vì tiền số là phải được giao dịch thông qua các tổ chức có phép như NH, và "sổ cái" nằm ngay tại NHNN…

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Không báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử… sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, bị phạt 80 triệu đến 120 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố. Bị phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; Không báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; Không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử…

Nghị định số 143/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.