Ám ảnh nhà vệ sinh trường học

08/09/2016 14:01 GMT+7

Năm học này, UBND TP. Hà Nội tuyên bố sẽ chỉ đạo quyết liệt để cải tạo nhà vệ sinh (NVS) trường học, giải tỏa nỗi ám ảnh của học trò mỗi khi đi vệ sinh.

Càng trường “điểm” càng… bẩn
Một nữ học sinh trường THCS nổi tiếng ở ngay trung tâm Q.Hoàn Kiếm cho biết: “Con sợ nhất là mỗi lần vào NVS trong trường học, nhiều hôm không có nước xả, nước rửa tay, giấy vệ sinh và xà phòng thì hầu như không thấy đâu. Mỗi lần vào con phải nhịn thở và thật nhanh để đi ra”. Nhiều phụ huynh lo lắng, bất an khi con học bán trú cả ngày ở trường nhưng NVS không đảm bảo, nhiều con chọn cách hạn chế tối đa uống nước để đỡ phải đi vệ sinh. Điều này kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe của các con. Càng những trường “điểm” thì NVS càng bị quá tải vì quy mô học sinh vượt quá xa so với cơ sở mà trường hiện có.
Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.Hà Nội đánh giá, việc đầu tư quyết liệt để cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học là việc làm hết sức thiết thực đối với cả triệu học sinh. Tuy nhiên, việc đầu tư “ra tấm ra món” nhưng phải đúng địa chỉ, có giám sát đúng tiêu chuẩn, số tiền hàng trăm tỉ đồng này mới phát huy hiệu quả.

Theo ghi nhận, với quy mô phổ biến trên dưới 1.000 học sinh, thậm chí có trường lên tới con số trên vài nghìn học sinh, khu vệ sinh ở các trường học tại Hà Nội chưa bao giờ đủ đáp ứng chuẩn tối thiểu. Vào giờ ra chơi, với khoảng 1.000 học sinh có mặt ở trường, mỗi lớp trung bình có vài học sinh đi vệ sinh thôi cũng đủ khiến NVS phải tải khoảng vài trăm lượt sử dụng. Trong khi đó, phần lớn trường học của Hà Nội đều xây dựng lâu năm, điều kiện điện, nước lại thường xuyên thiếu thốn, bất tiện. Theo quy định của Bộ Y tế về vệ sinh trường học, bình quân từ 100 - 200 học sinh trong 1 ca học phải có 1 NVS. Với các trường tổ chức bán trú, nội trú đảm bảo bình quân 25 học sinh có 1 NVS.
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, Hà Nội chia sẻ: “Với thiết kế cũ, còn nhiều hạn chế, tình trạng ngấm nước, tắc, vòi hỏng, thiết bị xuống cấp… thường xuyên xảy ra, nên năm nào nhà trường cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc sửa chữa khu vệ sinh. Một gia đình chỉ có 5 - 7 người, nếu không cọ rửa thường xuyên đã thấy ngay vấn đề, trong khi trường học trên 1.000 học sinh thì tình trạng bốc mùi, hỏng hóc là khó tránh khỏi”.

Hàng trăm tỉ đồng để nâng cấp NVS
Thống kê của UBND TP.Hà Nội cho thấy, toàn TP có khoảng 2,6 nghìn nhà vệ sinh trường học công lập cần cải tạo hoặc xây mới và số tiền để cải tạo sẽ phải lên tới hàng trăm tỉ đồng. Nếu như những năm qua Hà Nội cải tạo, xây mới khu vệ sinh ở nhiều trường công lập bằng ngân sách thì lần này, Hà Nội chủ trương xã hội hoá, huy động thêm các nguồn lực từ doanh nghiệp, phụ huynh. Chủ trương này sẽ được thực hiện đồng bộ trên 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Tháng 6.2016 vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn. Cụ thể, với chương trình hỗ trợ lĩnh vực giáo dục, chính quyền TP, doanh nghiệp và cha mẹ học sinh cùng chung tay cải tạo, nâng cấp, xây mới khu vệ sinh của toàn bộ các trường học công lập; riêng một doanh nghiệp đã quyết định hỗ trợ 40 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây mới khu vệ sinh của một số trường học của Thủ đô. Toàn bộ NVS trong trường học công lập sẽ được cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới...

tin liên quan

Học sinh không dám đi... vệ sinh
Có đến 33,7% phụ huynh cho biết con họ không dám đi vệ sinh trong trường học vì quá bẩn. Đây là kết quả khảo sát phụ huynh của 20 trường tiểu học, THCS và THPT ở 9 quận, huyện tại TP.HCM trong tháng 10 năm nay do PV Báo Thanh Niên thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 của ngành GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, dự án cải tạo hệ thống NVS trường học đã được khởi động với việc thành phố đặt hàng hệ thống riêng cho học sinh. Cùng với đó, hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư nhằm đảm bảo đủ nước uống hàng ngày cho học sinh. “Thời gian tới, dứt khoát trường học của Hà Nội phải có nước sạch, có khu vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho học sinh”, ông Chung nói.
Phụ huynh, học sinh và các nhà trường đang rất mong chờ dự án này trở thành hiện thực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, việc cải tạo NVS chỉ là bước đầu, để giữ gìn lâu dài thì đòi hỏi sự quan tâm của mỗi nhà trường, ý thức của mỗi học sinh khi sử dụng NVS công cộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.