Tổng cục Chính trị công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết lãnh đạo bộ đã có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT cho phép các trường công an nhân dân được rút bài thi của thí sinh trúng tuyển vào trường mình để hậu kiểm, nhằm phát hiện các trường hợp thi hộ, thi kèm.
Bộ Công an đề nghị được hậu kiểm bài thi của thí sinh dự thi THPT quốc gia trúng tuyển vào các trường khối ngành này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
E ngại các hội đồng thi lỏng lẻo
Tại hội nghị tuyển sinh do Bộ Công an tổ chức mới đây, đại diện một số đơn vị đào tạo thuộc bộ này bày tỏ băn khoăn về mức độ nghiêm túc khác nhau giữa các hội đồng thi. Một đại diện Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết năm vừa rồi số lượng thí sinh (TS) các địa phương trúng tuyển vào học viện này có sự khác biệt so với quy luật những năm trước, điều này có thể liên quan tới đổi mới tuyển sinh - lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Chẳng hạn, có những địa phương, TS trúng tuyển rất cao như: Thanh Hóa (98 TS), Nghệ An (74)... trong khi một số nơi kết quả rất thấp như: Lai Châu, Hà Giang - mỗi nơi chỉ 6 TS. Đặc biệt, so với năm 2014 thì năm 2015, số TS của các thành phố lớn trúng tuyển giảm rõ rệt. Ví dụ Hà Nội chỉ có 68 TS trúng tuyển (giảm 8), TP.HCM chỉ có 5 (giảm 5), Hải Phòng 15 (giảm 14).
Theo vị đại diện này, dù cho đến nay các cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp tiêu cực nào trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng dư luận xã hội cũng đã bàn tán nhiều về mức độ nghiêm túc khác nhau giữa các cụm thi. “Dự đoán kỳ thi năm nay nếu chúng ta không tổ chức, quản lý chặt thì có thể phức tạp hơn. Mong lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị địa phương với chức năng nhiệm vụ của mình tăng cường bảo vệ kỳ thi, nhất là ở các địa phương có cụm thi ĐH, tránh các sai sót, các hiện tượng tiêu cực”, vị đại diện này đề nghị.
Thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát, Phó giám đốc Học viện An ninh, cũng cho biết tuy các cơ quan chức năng chưa có những chứng cứ về hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, nhưng con số thống kê ở học viện này cho thấy có một số biểu hiện “bất thường”. Theo ông Khoát, về lâu dài Bộ Công an cần tính đến những phương án có thể giúp bộ này đảm bảo chủ động hơn nữa trong tuyển sinh, như đưa ra những tiêu chí khác ngoài kết quả kỳ thi THPT quốc gia. “Khi đó điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia là điều kiện cần thôi chứ chưa phải là điều kiện đủ”, ông Khoát đề xuất.
Thượng tướng Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an, cũng đồng tình với đề nghị này và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu tìm phương án tuyển sinh tốt nhất vào các trường công an nhân dân (CAND) để áp dụng về lâu dài.
Trúng tuyển nhờ… tiêu cực
Cũng theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý đào tạo Bộ Công an, hiện tượng thi hộ, thi kèm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây và kỳ thi THPT quốc gia hiện nay là một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt đối với các trường công an. “Các đường dây thi hộ thi kèm họ không nhằm vào các trường đó mà chủ yếu nhằm vào các trường công an, quân đội. Vừa rồi tòa án đã xử một đường dây, đối tượng cao nhất chịu 4 năm tù giam, một số cán bộ, trong đó có cán bộ công an vi phạm. Năm ngoái phát hiện một trường hợp, chúng tôi đã chuyển cho Công an Hà Nội nhưng Công an Hà Nội chưa điều tra xong. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của đất nước. Nếu xảy ra trót lọt, các cán bộ công an trúng tuyển nhờ tiêu cực sẽ trở thành “con tin” của các đối tượng xấu, tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng khi họ được học ngành tình báo”, thiếu tướng Nguyễn Quý Khoát cảnh báo.
Theo thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, phát hiện những TS thi hộ, thi kèm ở các cụm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề nghị rút tất cả bài thi của những TS đã trúng tuyển vào các học viện, trường ĐH, CĐ, trung cấp CAND và giao cho các đơn vị này thực hiện hậu kiểm. Công việc này sẽ được tiến hành sau khi các TS đã trúng tuyển, đã được nhập học tại các trường CAND. “Với chủ trương này, tôi đề nghị năm nay công an các địa phương khi làm công tác sơ tuyển thì thông báo công khai, rộng rãi cho TS khi đăng ký xét tuyển, để các em biết mà phòng ngừa, tránh bị kẻ xấu lợi dụng xúi giục hoặc lừa gạt”, ông Cẩn khuyến cáo.
Còn trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, thì đề nghị lãnh đạo các học viện, các trường CAND theo dõi thật sát quá trình học tập của các TS đã trúng tuyển, trường hợp nào thi kết quả cao nhưng vào học đạt kết quả kém thì có biện pháp xác minh để phát hiện có hay không việc đạt điểm cao là nhờ thi hộ, thi kèm. Cũng theo ông Thiều, cho dù năm nay Bộ GD-ĐT có đồng ý cho Bộ Công an rút bài làm của những TS đã trúng tuyển về để các trường công an hậu kiểm hay không thì các đơn vị đào tạo của Bộ cũng sẽ có nhiều giải pháp để tiếp tục theo dõi phát hiện tiêu cực xảy ra từ trước nếu có. “Thi hộ, thi kèm dẫu có lọt lưới độ dăm bảy trường hợp thì sớm muộn cũng sẽ lộ”, ông Thiều khẳng định.
Bình luận (0)