Cần phải xem lại tính pháp lý của việc công bố bảng xếp hạng đại học

09/09/2017 16:08 GMT+7

PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết không quan tâm Trường được xếp vào thứ hạng nào trong bảng xếp hạng đại học Việt Nam của một nhóm nhà nghiên cứu độc lập vừa công bố.

PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng ông và nhiều cán bộ, giảng viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội không đồng tình với báo cáo xếp hạng đại học trong nước của nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam, không phải vì trong đó Trường đại học Bách khoa được xếp ở vị trí nào. Ông Điền chia sẻ: “Tôi không quan tâm Bách khoa ở thứ hạng bao nhiêu, trong bảng xếp hạng đó. Bởi điều quan trọng nhất là trường phải hoàn thành sứ mạng phục vụ xã hội, chứ không phải phấn đấu để lên thứ 1, thứ 2 trong một bảng xếp hạng nào đó”.
Ông Điền cho rằng việc xếp hạng đại học là một hoạt động nghiên cứu khoa học, và rất cần được khuyến khích thực hiện. Bởi việc này nếu được làm tốt thì sẽ cung cấp thông tin hữu ích để các trường phát huy hoặc khắc phục những hạn chế. “Vì đây là một công trình khoa học, nên có hai vấn đề cần phải bàn, thứ nhất là cách tiếp cận vấn đề, thứ hai là chất lượng dữ liệu. Nếu như kết quả được chấp nhận (nghĩa là kết quả tốt) thì phương pháp tốt và dữ liệu chính xác”, ông Điền nói.

tin liên quan

Không dễ có bảng xếp hạng đáng tin cậy!
Các chuyên gia có chung nhận định, để có một bảng xếp hạng khả tín thì ngoài yếu tố kỹ thuật chuyên môn và dữ liệu đáng tin cậy, cần có nguồn lực đủ lớn về con người cũng như tài chính.
Theo ông Điền, cách tiếp cận thể hiện qua việc chọn ra những tiêu chí nào để “đo” và xếp hạng các trường đại học. Với các trường đại học Việt Nam, rõ ràng là không thể bê nguyên tiêu chí xếp hạng của các tổ chức xếp hạng nổi tiếng thế giới. Rồi các tiêu chí cũng không thể là những gạch đầu dòng chung chung, mà phải có những tiêu chuẩn, trong tiêu chuẩn có nhiều tiêu chí và các tiêu chí phải cân đong đo đếm được. “Việc đưa ra các tiêu chí cũng là một hoạt động khoa học, cần thiết thì phải đối thoại với các trường, đối thoại với các nhà khoa học để tìm ra một bộ tiêu chí phù hợp. Thế giới làm lâu rồi, mà các tổ chức xếp hạng thế giới vẫn bị thiên hạ hoài nghi là vì sao thế này, vì sao không thế khác”, ông Điền chia sẻ.
Dữ liệu thì phải chính xác, trong khi đó dữ liệu mà nhóm xếp hạng Việt Nam lại tỏ ra không đảm bảo được yêu cầu này. Ông Điền nhận xét: “Nếu dữ liệu của anh được thu thập theo cách ngồi nhà tra mạng tìm những báo cáo kiểu như 3 công khai, báo cáo của Bộ GD-ĐT, của Ngân hàng thế giới… rồi phán thì tôi thấy hơi bị hồ đồ”.  Ông Điền khẳng định: “Đến giờ phút này thì Trường đại học Bách khoa chưa hề nhận được bất kỳ đề nghị nào của nhóm nghiên cứu thực hiện việc xếp hạng đại học Việt Nam vừa qua cung cấp thông tin, hay đề nghị kiểm chứng thông tin cho việc xếp hạng này”.
Nhưng vấn đề khiến ông Điền thấy bất ổn nhất trong hoạt động của nhóm chuyên gia xếp hạng đại học Việt Nam vừa qua là ở việc công bố. “Công bố xếp hạng đại học là một hoạt động nhạy cảm. Nên trước khi công bố phải kiểm chứng để đảm bảo chính xác. Các tổ chức xếp hạng quốc tế có uy tín đều phải tạo dựng từ lâu năm, nguồn lực hùng hậu. Còn nhóm vừa mới công bố kết quả xếp hạng của chúng ta là nhóm mới toanh, nguồn lực lại lèo tèo chỉ với dăm bảy người, trong đó không có ai thực sự am hiểu giáo dục đại học Việt Nam, khả năng khai thác dữ liệu thì hạn chế, mà lại dám công bố khi chưa qua phản biện!”, ông Điền bức xúc.
Thậm chí ông Điền còn đặt vấn đề về tính pháp lý của hoạt động công bố mà nhóm xếp hạng đại học Việt Nam vừa thực hiện. Nhóm có thể trao đổi học thuật với nhau, hoặc có thể trao đổi với các trường. Còn việc cung cấp cho công chúng một thông tin mà thiếu phản biện, trên một nền tảng kết quả đầy hoài nghi, là rất không ổn. “Công trình khoa học muốn công bố thì phải có phản biện. Hội đồng thẩm định thấy kết quả chắc chắn thì họ mới cho phép công bố, đăng tải. Cho nên tôi thấy cần phải xem lại tính pháp lý của việc công bố này”, ông Điền đặt vấn đề.

Trong lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014. Tiêu chí xếp hạng mà nhóm sử dụng gồm 3 nhóm: nghiên cứu khoa học (chiếm tỉ trọng 40%), giáo dục và đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Trong đó nhóm tiêu chí nghiên cứu chất lượng sử dụng thang đo là công trình khoa học đăng trên tạp chí qua học quốc tế có chất lượng thuộc danh mục ISI. Trong nhóm tiêu chí giáo dục và đào tạo, điểm đầu vào tuyển sinh của các trường cũng là một thang đo quan trọng (chiếm tỉ trọng 10% trong tổng thang đo).
Kết quả top 10 trường đứng đầu trong danh sách này lần lượt là ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, HV Nông nghiệp VN, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.