Căng thẳng ôn thi vào lớp 10

27/02/2017 14:01 GMT+7

Học sinh lớp 9 ở Hà Nội đang gồng mình chạy đua ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Một học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, từ năm học lớp 8, bố mẹ đã yêu cầu em “gác” các môn nhạc, võ, tiếng Anh..., dành thời gian cho hai môn thi vào lớp 10 là văn và toán. Vì xác định em không học nổi trội môn nào để thi chuyên nên mục tiêu số một gia đình đặt ra là đỗ vào Trường THPT Kim Liên, vừa gần nhà lại vừa là trường được xếp vào “top” đầu của Hà Nội.
Theo học sinh này, em vừa học thêm môn văn, toán ở trường, vừa học thêm với giáo viên luyện thi nổi tiếng bên ngoài, tổng cộng 6 buổi học chính khóa, 6 buổi học thêm. Chưa hết, mỗi tuần còn 2 buổi gia sư là sinh viên khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đến tận nhà dạy kèm. Lịch học dày đặc, lại thêm bài tập về nhà của gần chục môn học ở trường, bài tập về nhà ở lớp dạy thêm khiến em rất mệt mỏi.
Cô Vân, một giáo viên Trường THCS Trưng Vương cho biết, muốn vào được các trường THPT “top” đầu của Hà Nội, học sinh phải đạt ít nhất 8 điểm/môn trở lên trong kỳ thi tuyển sinh và không có năm nào ở cấp THCS xếp loại học sinh khá trở xuống. Vì thế, không chỉ lo luyện thi văn, toán, học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 còn phải phấn đấu trở thành học sinh giỏi để tính điểm xét tuyển, thi nghề đạt loại tốt để được cộng điểm…

tin liên quan

Vừa học vừa ôn thi tuyển sinh lớp 10
Do ảnh hưởng từ lịch thi THPT quốc gia nên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM sẽ diễn ra sớm hơn so với năm học trước. Việc này buộc các trường THCS phải có những phương án ôn tập cho học sinh phù hợp.

Xin học thêm cũng khó
Một phụ huynh có con học ở mức khá cho biết: “Nghe mách ở đâu có thầy cô giỏi là tôi tìm đến xin học cho con. Thế nhưng chỉ được một thời gian thì hoặc là cháu chịu không nổi với việc học nâng cao, hoặc là giáo viên yêu cầu gia đình cho cháu nghỉ để “nhường” chỗ cho bạn khác học có hiệu quả hơn”.
Thực tế, những giáo viên luyện thi nổi tiếng thường không mấy khi nhận học sinh lớp 9 để ôn thi vào lớp 10 vì cho rằng đã quá muộn. Cô H.L, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ nhận học sinh muộn nhất là từ lớp 7 nhưng việc tuyển sinh rất gắt gao, chỉ những em vượt qua bài kiểm tra đầu vào thì mới được cô tiếp nhận. “Khó mấy cũng cố xin vì con được học những thầy cô danh tiếng là bố mẹ yên tâm được 50% rồi”, một phụ huynh có con học tại Trường THCS Hoàng Liệt nói và cho biết đã phải nhờ người quen trong ngành giáo dục mới xin được cho con vào lớp luyện thi của thầy giáo Trường THCS Giảng Võ.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi (Sở GD-ĐT Hà Nội) khuyến cáo, điều quan trọng là bố mẹ cần phải căn cứ vào lực học thực tế của con để quyết định chọn trường, chọn thầy cô. Nếu thầy cô rất giỏi, lại luyện thi cho học sinh có học lực tốt để thi vào chuyên thì những học sinh kém hơn sẽ không thể theo được, gây tâm lý chán nản, mất tự tin cho các con. Theo ông Chất, việc đăng ký chọn trường THPT nào là nguyện vọng số 1 cũng rất quan trọng. Nếu chọn sai, học sinh không đỗ nguyện vọng 1, khi xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ phải cộng thêm ít nhất 2 điểm nữa so với những học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường đó. Những năm trước đã không ít trường hợp trượt 2 cả hai nguyện vọng vì lựa chọn nhầm trường so với lực học của học sinh.

Năm học 2017 - 2018, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 học sinh. Ngày 9.6, thành phố sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với hai môn thi ngữ văn và toán theo hình thức tự luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.