Cho đến nay, nhiều cụm thi địa phương đã tổ chức chấm thi xong các môn tự luận. Ở một số địa phương có số lượng thí sinh lớn, khối lượng chấm thi cũng đã thực hiện được quá nửa. Nhìn chung, điểm thi ở các cụm địa phương không cao, đặc biệt là môn toán. Chẳng hạn như tại cụm thi do Sở GD-ĐT Hải Dương chủ trì, điểm thi môn toán phổ biến là mức từ 2 đến 5 điểm. Theo một cán bộ phụ trách khảo thí ở cụm thi do Sở GD-ĐT Hải Dương chủ trì, đặc thù của thí sinh các cụm địa phương là học lực chỉ ở mức trung bình. Do các em chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, trong khi toán vẫn được xem là một môn học khó, đòi hỏi phải tích lũy kiến thức trong cả quá trình dài (do kiến thức lớp trên liên quan với kiến thức lớp dưới), nên nhiều em làm bài môn toán trong tâm thế tránh điểm liệt, còn điểm đỗ tốt nghiệp thì nhờ điểm các môn khác “gánh”.
tin liên quan
Thi THPT quốc gia: Đã có thí sinh đạt điểm 10 môn toánGhi nhận của phóng viên Thanh Niên từ giám khảo ở một số hội đồng
chấm thi THPT quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy bài làm của thí
sinh có sự phân hóa cao.
Tại cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, các giám khảo môn toán cũng cho biết dù đề thi năm nay có nhiều câu dễ nhưng kết quả làm bài của thí sinh vẫn không mấy sáng sủa. Mức điểm phổ biến là dưới 5, đặc biệt vẫn có một số em bị điểm liệt (từ 1 trở xuống). Điểm trên 5 rất ít, điểm 6 - 7 là hiếm. “Vì công việc chấm thi vẫn đang tiếp tục nên ai chấm tập nào thì biết điểm tập đấy. Nhưng khi nghỉ giải lao chúng tôi vẫn chuyện trò với nhau, qua đó tôi được biết ở hội đồng mà tôi chấm đến nay chưa có thí sinh nào được 7,5 điểm”, thầy T., một giám khảo cho biết. Cũng theo thầy T., ý thức làm bài của thí sinh năm nay nhìn chung khá tốt nên không có thí sinh nào để trắng bài hoặc vẽ, viết những nội dung không liên quan tới môn toán vào bài thi.
Thầy V., một vị giám khảo khác thì nhận xét, 4 câu cuối tuyệt đại đa số thí sinh không “động” tới đã đành, ngay cả ở 5 - 6 câu đầu (phần dễ dành cho thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp) cũng rất nhiều em không làm được một số câu. Có nhiều câu tưởng như rất dễ nhưng thí sinh vẫn không làm được trọn vẹn.
Thầy V. phân tích: “Lý do các em mất điểm thì thiên hình vạn trạng! Dễ nhất là câu số phức (ý 1 câu 1) mà vẫn bị mất điểm, người ta hỏi tìm phần thực phần ảo, các em tính toán ra được rồi, chỉ cần thêm một câu “kết luận” phần thực - phần ảo là gì cũng không viết ra, vậy là tự nhiên mất 0,25 điểm. Rồi viết nhầm, ví dụ lẽ ra là 2i thì viết thành 2x. Hoặc câu 2 (bài khảo sát) cũng rất dễ nhưng nhiều em làm không thiếu bước nọ cũng thiếu bước kia: hoặc vẽ đồ thị không đúng dạng, hoặc trả lời thiếu ý… Rồi hiện tượng “chữ tác thành chữ tộ” xuất hiện cũng khá nhiều. Chẳng hạn bài tích phân (câu 4) đề bài có dx, trong quá trình làm bài các em phải tách ra thành 2 tích phân, lẽ ra vẫn phải tiếp tục ghi dx sau các phép tính nhưng các em không ghi, với những người làm toán thì hiện tượng đó rất buồn cười, việc “quên” đó chứng tỏ các em làm bài một cách máy móc chứ không hiểu về kiến thức mình được học”.
Bình luận (0)