Chàng trai Phú Yên chia sẻ bí quyết 'săn' học bổng ở Pháp

18/07/2016 08:05 GMT+7

Gia đình thuộc diện hộ nghèo ở tỉnh Phú Yên, mẹ đơn thân nuôi hai anh em đi học, nhưng anh Lê Ngọc Trẫm vẫn nhiều lần 'săn' được học bổng du học tại Pháp.

Biết ngoại ngữ dễ tận dụng cơ hội
Trong Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 năm 2016 đang diễn ra ở Bình Định, anh Lê Ngọc Trẫm (26 tuổi, quê ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên) được nhiều bạn trẻ biết đến tại buổi nói chuyện với công chúng yêu khoa học của GS Trịnh Xuân Thuận (Trường ĐH Virginia, Mỹ) tại TP.Quy Nhơn vào chiều 8.7.


Nếu học sinh Việt Nam đam mê ngành thiên văn học thì nên tạo cho mình một nền tảng kiến thức thật vững về Toán học, Vật lý và Ngoại ngữ. Những sinh viên Việt Nam đi du học hiện nay chưa hẳn là người có thành tích học tập xuất sắc, vượt trội so với những sinh viên khác mà điều quan trọng là họ biết ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội

Anh Lê Ngọc Trẫm

Khi đó, GS Trịnh Xuân Thuận tâm sự do xa quê đã lâu nên khả năng nói tiếng Việt không được trôi chảy và mong muốn có người trợ giúp. Từ khán đài bước lên sân khấu, anh Trẫm xin nhận lời giúp GS Thuận. Suốt buổi nói chuyện, anh Trẫm hỗ trợ GS Trịnh Xuân Thuận rất nhiều trong việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại, đặc biệt là những từ ngữ chuyên ngành.
Trò chuyện cùng với Thanh Niên, anh Trẫm cho biết mình là cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn và GS Trịnh Xuân Thuận là thần tượng của anh. “Trước đây mấy năm, mình cũng như các bạn học sinh, sinh viên ở TP.Quy Nhơn bây giờ, cũng ngồi nghe thầy Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về vũ trụ, thiên văn học. Nhờ vậy, niềm đam mê thiên văn học của mình trỗi dậy và mình đã quyết định theo đuổi nó cho đến bây giờ”, anh Trẫm tâm sự.
Mẹ anh Trẫm làm nông, gia đình luôn thuộc diện hộ nghèo nhưng bà vẫn chắt chiu từng đồng tiền và nhờ sự giúp trợ giúp từ gia đình bên ngoại nên đã nuôi hai con ăn học cho đến bây giờ. Em gái anh Trẫm đang học ngành Tài chính- Ngân hàng tại Học viện Ngân hàng Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trẫm học đại học tại Khoa Vật lý Trường ĐH Quy Nhơn (năm 2008-2012). Năm 2013, anh nhận được học bổng toàn phần cho hệ thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Anh luôn là một trong những người có điểm số cao nhất khoá khi học tại trường này và được cấp học bổng thực tập làm luận văn thạc sĩ 6 tháng tại Trường Đại học Paris 7 (ở Pháp).
Anh Lê Ngọc Trẫm - ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Tháng 9.2014, anh Trẫm tiếp tục nhận được học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật lý thiên văn tại Trường Sư phạm Paris (École Normale Supérieure de Paris - ENS Paris) theo diện học bổng song phương của Chính phủ Việt Nam và Pháp
“Nếu học sinh Việt Nam đam mê ngành thiên văn học thì nên tạo cho mình một nền tảng kiến thức thật vững về Toán học, Vật lý và Ngoại ngữ. Những sinh viên Việt Nam đi du học hiện nay chưa hẳn là người có thành tích học tập xuất sắc, vượt trội so với những sinh viên khác mà điều quan trọng là họ biết ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội”, anh Trẫm nói.
Khi học tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, anh Trẫm được học với nhiều giáo sư hàng đầu về Vũ trụ - Thiên văn học tại nước Pháp sang giảng dạy. Có lần tình cờ anh Trẫm nói chuyện với một vị thầy người Pháp, thầy hỏi anh có chỗ thực tập để làm luận văn tốt nghiệp chưa, anh trả lời "chưa có" và hỏi phòng nghiên cứu của thầy có đề tài nào để làm luận văn thạc sĩ hay không. Thầy mở website của khoa mà mình đang công tác tại Trường ĐH Paris 7 rồi chỉ cho anh Trẫm một số đề tài làm luận văn thạc sĩ để anh lựa chọn.
“Một thời gian sau, thầy giáo gửi email nói rằng có một đề tài dành cho mình và hỏi mình có muốn làm hay không, mình nhận lời ngay. Nhờ mình biết ngoại ngữ và hay nói chuyện với thầy nên cơ hội nhận học bổng làm luận văn thạc sĩ ở nước ngoài đến với mình tình cờ vậy đó”, anh Trẫm kể.
Nhiều cách để "săn" học bổng tại Pháp
Theo anh Trẫm, có rất nhiều cách để "săn" được học bổng tại Pháp nhưng có 3 cách phổ biến. Thứ nhất là tìm học bổng của Chính phủ cho giảng viên và sinh viên của các trường ĐH, CĐ của Việt Nam. Các thông tin về học bổng và điều kiện cho các ứng viên luôn được cập nhật thường xuyên trên website của Cục Đào tạo với nước ngoài (thuộc Bộ GD-ĐT) hoặc truy cập vào website của Trung tâm văn hoá Pháp (CampusFrance) cũng sẽ giúp bạn theo dõi những học bổng mới nhất của Chính phủ Việt Nam - Pháp dễ dàng hơn.
Cách thứ 2 là liên hệ trực tiếp với các giáo sư đang nghiên cứu tại các viện, cơ quan, trường đại học tại Pháp mà bạn biết hoặc qua sự giới thiệu của các thầy cô giáo. Bằng cách này, các bạn nên thường xuyên liên hệ, mạnh dạn bày tỏ niềm đam mê của mình với các giáo sư qua thư điện tử hoặc Skype và đề nghị họ đứng ra hỗ trợ cho hồ sơ của bạn thông qua việc chấp nhận sinh viên vào học, giới thiệu sinh viên cho ban xét tuyển học bổng hoặc miễn học phí, ví dụ như chương trình Eiffel, Excellent, học bổng vùng của Pháp…
Nếu bạn đã và đang hoàn thành chương trình thạc sĩ và muốn tiếp tục theo học tiến sĩ thì nên chọn cách thứ 3. Bạn nên truy cập vào những websites của “trường tiến sĩ” (École Doctorat), tại đây sẽ thường xuyên đăng tải các đề tài khoa học cần tìm nghiên cứu sinh như một phần của dự án, cũng là để giúp đỡ các giáo sư hoàn thành mục tiêu đề tài của họ. Các bạn vào đó tìm đề tài mà mình yêu thích rồi liên hệ với các thầy cô chịu trách nhiệm về đề tài đó. Các thầy cô sẽ trò chuyện với mình bằng thư điện tử hoặc Skype, rồi họ sẽ tìm cách test (kiểm tra) mình, nếu được thì họ sẽ đề nghị cấp học bổng.
Một bạn trẻ yêu thích thiên văn học chụp ảnh với anh Trẫm - ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Theo anh Trẫm, trước khi đi du học tại Pháp, các bạn nên tìm hiểu về văn hóa nơi mà mình sẽ đến và nhanh chân tìm phòng trọ hoặc đăng ký vào ký túc xá (hệ thống CROUS). Ở Paris, ký túc xá dành cho sinh viên khá nhiều nhưng số lượng phòng vẫn không đủ cho lượng lớn sinh viên từ nhiều quốc gia đến đây học tập. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tìm trang các Fanpages của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp để được hướng dẫn, tư vấn các quy trình pháp lý cần thiết khi đến Pháp.
Ở Pháp có nhiều mức học bổng, từ 800 Euro/tháng - 2.200 Euro/tháng, nhưng thông thường khoảng 1.700 Euro/tháng (trước thuế). Những sinh viên biết chi tiêu hợp lý thì mức học bổng này đủ sống tại Pháp để học tập.

Nếu đi du học theo diện tự túc thì bạn nên chuẩn bị tài chính ổn định cho khoảng 2 năm đầu. Vì sinh viên dành thời gian để học ở trường rất nhiều, không có thời gian để đi làm thêm. Tuy nhiên, nếu biết cách sắp xếp thời gian của bạn một cách hợp lý thì bạn vẫn có thể tìm thêm việc làm ngoài giờ học để tăng nguồn thu nhập cá nhân cũng như vốn sống của các bạn tại Pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.