Hiện nay, thí sinh đã biết điểm thi THPT quốc gia và đang trong giai đoạn chuẩn bị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Rất nhiều thí sinh và phụ huynh chỉ băn khoăn, mong muốn được trúng truyển vào trường ĐH tốp đầu hoặc ít nhất là phải đậu một trường ĐH mà ít quan tâm đến chọn ngành, chọn nghề cho bản thân, thậm chí nhiều thí sinh còn để việc lựa chọn trường, chọn ngành cho bố mẹ quyết định.
tin liên quan
Cẩn trọng khi chọn ngành học để không nói... giá nhưNgành khác nghề
Trước hết, học sinh phải trả lời được câu hỏi bản thân mình có điểm mạnh gì, sở thích nghề nghiệp của mình là gì, từ đó, nên giới hạn lại những ngành học mình ưng ý và phù hợp với sở thích nghề nghiệp, năng lực học tập của mình. Đồng thời, cần tìm hiểu thêm thông tin về dự báo và xu hướng nhu cầu nhân lực liên quan đến ngành, nghề mình lựa chọn của các doanh nghiệp, địa phương, đất nước, khu vực và thế giới trong 5 - 10 năm tới. Ngoài ra, các em cũng cần trao đổi với thầy cô, gia đình hoặc người có kinh nghiệm về những ngành, nghề mà bạn ưng ý nhất, đọc kỹ các thông tin có liên quan đến chúng, chuẩn bị cho bước tiếp cận gần hơn.
Nên nhớ ngành khác với nghề. Ngoại trừ một số ngành đặc thù như học ngành y ra trường làm bác sĩ, học ngành sư phạm ra trường làm thầy cô giáo. Hầu hết các ngành học còn lại có phạm vi nghề khá rộng.Nhiều thí sinh chọn ngành luật Dân sự với suy nghĩ ra trường sẽ làm nghề luật sư vì có “thích tranh cãi” và “muốn bảo vệ chính nghĩa….”. Nhưng trong thực tế ra trường chúng ta có thể làm nhiều nghề như thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, công chứng viên hoặc chuyên viên pháp lý...
Hay nhiều thí sinh chọn ngành kinh doanh quốc tế với mong muốn và suy nghĩ ra trường sẽ làm công việc liên quan đến kinh doanh quốc tế nhưng trong thực tế nghề nghiệp liên quan đến ngành này khá rộng: Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước với các vị trí nghề nghiệp như: Chuyên viên quan hệ quốc tế trong các cơ quan, vụ, viện về các vấn đề kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế như Bộ Công thương, Vụ hợp tác quốc tế của các Bộ, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Quốc tế, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở thương mại, Cục xúc tiến thương mại... Ngoài ra, sinh viên có thể làm việc các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế với các vị trí nghề nghiệp như: chuyên viên kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics, thu mua sản phẩm, phát triển thị trường quốc tế và thương hiệu, thanh toán quốc tế, quan hệ quốc tế…Hoặc cũng có thể làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu với các vị trí như giảng viên, chuyên viên nghiên cứu, tư vấn, phân tích hoạch định chính sách…
Như vậy, điều quan trọng trước mắt là các bạn nên chọn ngành học trước, trong quá trình học đại học, tùy vào sở thích, tính cách, ngoại hình, xu hướng thị trường… sẽ xác định nghề, vị trí công việc mong muốn khi ra trường. Trên cơ sở đó, bạn sẽ đầu tư thời gian để phát triển năng lực chuyên môn, các kỹ năng và thái độ liên quan đến nghề mình dự tính lựa chọn.
Chọn trường hay chọn ngành trong trường ?
Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào danh tiếng của trường chứ không phụ thuộc vào quảng cáo. Rất nhiều học sinh quan tâm đến chọn trường mà không quan tâm nhiều đến ngành học trong trường đó. Việc chọn ngành học trong trường cũng quan trọng không kém so với chọn trường. Thông thường chất lượng đào tạo của ngành học trong trường phụ thuộc vào lịch sử của ngành học, đội ngũ giảng viên của ngành học đó, chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo, cở sở vật chất phục vụ đào tạo, kết quả kiểm định, đánh giá của các cựu sinh viên….
Sau khi chọn ngành mình muốn học, bước tiếp theo thí sinh chọn trường để xét tuyển. Thí sinh nên nộp hồ sơ xét tuyển vào ít nhất 3 nhóm trường. Chú ý danh tiếng và học phí của trường.
Nhóm mơ ước, các trường có điểm thi năm trước các ngành mà thí sinh muốn học cao hơn hoặc bằng với điểm thi của mình. Nên chọn từ 2 - 3 trường.
Nhóm hiện thực, các trường có điểm thi năm trước các ngành mà thí sinh muốn học bằng hoặc thấp hơn với điểm thi từ 1 - 3,5 điểm. Nên chọn từ 3 - 4 trường.
Nhóm an toàn, các trường có điểm thi năm trước các ngành mà thí sinh muốn học bằng hoặc thấp hơn với điểm thi từ 4 - 6 điểm. Nên chọn từ 3 - 4 trường.
Như vậy, nếu bạn chọn 1 ngành học thì thí sinh có thể đăng ký xét tuyển từ 8 - 10 nguyện vọng. Còn nếu chọn 2 ngành học thì bạn có thể xét tuyển vào 16 - 20 nguyện vọng.
Bình luận (0)