Chửi con thậm tệ để con mau khôn lớn?

01/07/2017 11:15 GMT+7

Không phải người trẻ nào cũng biết cách vượt qua những nỗi buồn, cú sốc tâm lý khi bị bố mẹ xúc phạm, chửi mắng thậm tệ.

"Sao mày không giỏi như con người ta?"
N.T.Q.A., sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể bạn thường xuyên bị bố mẹ đem ra so sánh cùng bạn bè, nhận lấy những câu sỉ vả: “Tại sao con họ giỏi giang mà mày lại dốt như vậy”.
Tương tự, L.V.L., học sinh Trường THPT N. (Q.Tân Bình, TP.HCM), cũng kể bố mẹ hay cằn nhằn: “Tại sao mày không được như con nhà người ta”, “Mày là cái thứ mất dạy nhất trên đời, chả bằng một phần con người khác”.

tin liên quan

Má ơi, đừng 'đánh' con đau...
Không ít bạn trẻ bị bố mẹ mắng nhiếc, sỉ vả, mạt sát hằng ngày. Họ cảm thấy chán chường, đau lòng, thậm chí chẳng muốn sống.
Và có khá nhiều học sinh, sinh viên cũng tâm sự chuyện bị phụ huynh đem ra so sánh: “Sao con người ta giỏi thế, mà mày dốt thế”, “Mày cũng ăn cơm mà sao mầy dốt thế”…
Đề cập đến vấn đề này, các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là điều không nên. Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thì mỗi người là một bản chính, không có bản photocopy, nên phụ huynh so sánh con mình với con người khác đôi khi là khập khiễng. Thay vì mắng con thì nên tìm ra và phát triển thế mạnh của con mình.
Cùng quan điểm, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cũng bảo không một ai muốn tồn tại và gắn bó với những người không thừa nhận giá trị của mình, so sánh mình với người khác. Cái tôi của trẻ có nguy cơ bị tổn thương khi thường xuyên bị so sánh với bạn bè. Ai cũng có những giá trị tích cực và điểm độc đáo riêng nên đừng so sánh vì có thể phản tác dụng. Trẻ trong hoàn cảnh này sẽ không muốn nỗ lực bởi sẽ nghĩ rằng có nỗ lực thì cũng là vô nghĩa vì trong mắt cha mẹ mình luôn không bằng “con nhà hang xóm”.

tin liên quan

Những sai lầm nhiều người hay mắc phải khi dùng mạng xã hội
Có hàng trăm cách giúp bạn kết nối với mọi người xung quanh, như thông qua Instagram, Facebook, Twitter, Snapchat, LinkedIn… Tuy nhiên, đừng để cuộc sống ảo ảnh hưởng đến cuộc sống thật, và dưới đây là những điều nên tránh khi dùng mạng xã hội.  

Theo ông Quân, “định vị quyết định địa vị”, nghĩa là bố mẹ định hướng cho con cái như thế nào thì kết quả đạt được sẽ như vậy. Khi một đứa trẻ thường xuyên bị mắng nhiếc, mạt sát thì điều đầu tiên, trẻ sẽ nhận thức được rằng bố mẹ không yêu thương mình, không hài lòng về mình và thậm chí là phủ nhận sự tồn tại của mình. Nếu điều này xảy ra thường xuyên có thể khiến cho trẻ nhận thức về giá trị của bản thân một cách tiêu cực theo “lăng kính” của bố mẹ. Trẻ sẽ không nhận ra những giá trị tích cực của mình, không nỗ lực để phát triển và hoàn thiện bản thân bởi các em đã mặc định rằng mình là người “không có giá trị”. Tình cảm giữa con cái với bố mẹ sẽ bị ảnh hưởng và ngày càng xa cách. Những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của trẻ, kìm hãm khả năng phát triển của trẻ. Thậm chí, có những trường hợp, trẻ đã tìm đến cái chết để giải thoát vì các em cho rằng sự tồn tại của mình là vô nghĩa và làm phiền lòng bố mẹ.
Đứa trẻ nào cũng có những ưu điểm và giá trị riêng, hãy tìm ra những điều đó để động viên, khuyến khích trẻ Ảnh minh họa: Shutterstock
Chửi con để con khôn?
Nhiều phụ huynh viện cớ sở dĩ chửi con bằng kiểu mắng nhiếc hay chửi bới thậm tệ như vậy cũng là có lý do. “Thương phải cho roi cho vọt chứ”, bà K., mẹ của T.H.H., giải thích. Bà K. cũng cho rằng “nếu con bị chửi hoài sẽ sợ, sẽ rút kinh nghiệm trong mọi điều”, đồng thời tin “cách dạy con như thế sẽ giúp con tốt hơn, khôn hơn”.
Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý và giáo dục học, ông Quân khuyên các bậc phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí con cái để cảm nhận và hiểu hơn cảm xúc của con khi bị bố mẹ mắng chửi. Giáo dục con cái trước tiên và nhiều nhất là trách nhiệm của cha mẹ. Đứa trẻ nào cũng có những ưu điểm và giá trị riêng, hãy tìm ra những điều đó để động viên, khuyến khích trẻ.
“Tất nhiên, kỷ luật là điều cần thiết trong nuôi dạy con nhưng kỷ luật phải phù hợp và phải làm cho trẻ nhận thức được cái sai để khắc phục, điều chỉnh chứ không phải mắng chửi, mạt sát trẻ. Đừng gieo rắc vào đầu con những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, thay vào đó, hãy động viên và tạo động lực cho con phát triển bởi định vị của bố mẹ hôm nay sẽ ảnh hưởng đến địa vị của con trong tương lai”, ông Quân chia sẻ.

tin liên quan

3 kiểu dạy dỗ vô tình làm hại con mà cha mẹ không ngờ

Các nhà tâm lý học đã chứng minh ngữ điệu giọng nói của cha mẹ, cách diễn đạt câu hay gọi tên đều ảnh hưởng lâu dài đến con. Đây là một trong nhiều thứ đang tác động đến trẻ mà cha mẹ không hay biết.


Ông Hiếu khuyên những phụ huynh đã và đang vô tình, hoặc có thói quen chửi con mình, rằng đừng quá khắc nghiệt khi con trẻ làm sai, bởi trẻ con lớn lên qua những lần phạm lỗi.
“Trong bùn có hoa, hãy tận dụng lúc con sai để gieo vào trong đó những lời dạy dỗ. La mắng là phải vì giáo dục, trách phạt là chỉ để răn đe, đừng sỉ vả trẻ con chỉ để ta hả giận. Đặc biệt, trẻ nào càng "vụng về", càng "quậy phá", đứa trẻ đó càng cần được yêu thương! Bởi không có trẻ em hư, chỉ có những bố mẹ tồi. Nhân cách của trẻ là do cách giáo dục của bố mẹ, bởi thế trước khi mắng con, hãy mắng cách dạy dỗ của chính bản thân mình trước”, ông Hiếu khuyên.
Hãy chứng minh giá trị bản thân
Với những đứa trẻ đã và đang gặp phải tình cảnh đáng thương khi thường xuyên bị bố mẹ mắng nhiếc, chửi rửa bằng những lời cay đắng nhất, thậm tệ nhất, ông Hiếu nhắn nhủ: “Hãy cảm thông cho bố mẹ, vì có thể chúng ta chưa phải là một đứa con ngoan, nên tất nhiên cũng không thể đòi hỏi bố mẹ phải là một người hoàn hảo. Và vì cuộc sống mưu sinh vất vả, nên đôi khi khiến bố mẹ "không tâm lý". Chính vì thế, mỗi lần bị trách mắng, đừng xoáy sâu vào nó như chăm chăm nhìn vết mực đen trên tờ giấy trắng!
Ngược lại, hãy nhớ đến những lúc bố mẹ bình tĩnh, nhẹ nhàng, những phút giây gia đình đầm ấm để lấy đó là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn, để ta biết rằng ngoài những lúc nóng giận đó, ta vẫn được yêu thương. Và những lời trách mắng có thể là áp lực nhưng cũng có thể là động lực, hãy chứng minh để gia đình thấy rằng ta không vô tích sự, ta là người có thể đạt được thành tựu trong đời và sẽ là người có thể gánh vác phụng dưỡng bố mẹ khi họ trở nên già yếu”.

tin liên quan

Đừng ép trẻ thành thiên tài!
Hiện nay, có những chương trình, phương pháp mới dạy trẻ 6 - 12 tháng biết đọc chữ, biết nói tiếng Anh, biết làm toán... Đó là một sự 'cưỡng bức'’, làm cho não của trẻ phát triển lệch lạc.

Lê Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã từng là người trong cuộc, cũng từng nhận phải những lời chì chiết của bố mẹ, chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu chưa thế làm thay đổi suy nghĩ của bố mẹ về mình thì hãy tự thay đổi suy nghĩ và hành động của bản thân. Hãy cố gắng trong mọi việc, từ việc học tập, tu dưỡng đạo đức, cũng như bình tĩnh tìm những ưu điểm của bản thân và kiên trì rèn luyện… rồi thì bố mẹ sẽ nhận ra và có cách nhìn nhận, suy nghĩ khác về mình”.
Ông Quân thì mong các bạn trẻ hiểu một điều rằng không có bố mẹ nào không thương yêu con cả. Có thể vì một lý do nào đó hay vì nhận thức chưa đầy đủ các một số phụ huynh mới dùng đến những lời nói không hay với con cái.
“Hãy chứng minh giá trị của bản thân bằng những kết quả trong thực tế mà trước hết là việc học tập để bố mẹ nhận thấy. Những lúc bố mẹ vui, hãy thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình để cha mẹ hiểu hơn. Ngoài ra cũng có thể nhờ đến những người thân khác trong gia đình, hoặc bạn bè, thầy cô để tác động đến bố mẹ. Vì đôi khi, một lời nói tích cực, một lời khen ngợi của bạn bè hay thầy cô cũng có thể khiến cbố mẹ vui và thay đổi suy nghĩ về bạn”, ông Quân chia sẻ.

tin liên quan

Làm thế nào để trở thành người bạn thực sự của con?

Làm bạn cùng con, được con tin tưởng là mong muốn của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, làm thế nào để trở thành một người bạn thật sự của con, được con gửi gắm niềm tin, thoải mái chia sẻ là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.