Nuôi dưỡng ước mơ với nghề giáo
Khi biết tin trúng tuyển vào Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương I (Hà Nội), cô Đinh Thị Hồng Linh ngày đêm lo lắng, trăn trở bởi một bên là niềm đam mê bỏng cháy với nghề giáo, bên còn lại là cảnh nhà còn nhiều khó khăn, cha mẹ vẫn đầu tắt mặt tối trên nương rẫy. Tuy nhiên, nhờ có sự ủng hộ của gia đình, năm 2011, cô Linh vượt hàng ngàn cây số từ Bình Định ra Hà Nội, đánh dấu những bước chân đầu tiên trên hành trình chạm tới ước mơ.
Càng đi sâu vào học, Linh càng thấy được sự khó khăn, vất vả của nghề. Theo đuổi sự nghiệp này, đòi hỏi những cô giáo mầm non tương lai phải có sự yêu mến với trẻ nhỏ, phải học được cách kiềm chế, kiên nhẫn. Đã rất nhiều lần, Linh nghĩ hay là từ bỏ nhưng rồi niềm đam mê với nghề giáo, với “những đứa trẻ trong làng nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương, chẳng hề biết tới cái chữ…”, cô gái trẻ lại cố gắng vượt qua.
Dù đã được chứng kiến những phồn hoa nơi thủ đô, ngay sau khi tốt nghiệp, Linh không ngần ngại trở về làm việc tại quê hương: H.An Lão - một trong những huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Định.
Linh luôn tâm niệm: “Ở làng, bạn bè lựa chọn con đường ra thành phố lập nghiệp, nhưng mình muốn về quê làm việc. Ao ước trước giờ của mình là ra trường được về dạy dỗ cho các em trên chính quê hương. Mình mong muốn cho các em lớn lên được đi học, ra trường có nghề nghiệp thành đạt, thoát đói, thoát nghèo”.
Cõng học sinh trên vai, vượt qua mùa nước dữ
Từ lác đác vài học sinh cho tới quy mô 15 giáo viên với 89 học trò nhỏ từ 3 - 5 tuổi, đây là sự cố gắng vượt bậc của cô Linh và Ban giám hiệu Trường mầm non An Dũng (H.An Lão). Vì đặc thù H.An Lão cư dân thưa thớt, mỗi thôn chỉ có 1 lớp mẫu giáo, phụ huynh đi làm xa, con trẻ thường chỉ gửi ở nhà với ông bà mà không được đến trường.
Ngày nắng, con đường các em đến lớp vẫn còn dễ đi hơn một chút, nhưng những ngày mưa, ngày lũ về là cả một hành trình gian nan với cả cô và trò. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, khi nước lên, cô Linh sẽ cõng từng học trò nhỏ vượt sông vượt suối, đưa các em từ nhà tới trường và từ trường học trở về nhà an toàn. Với cô, khi cõng các em trên lưng, đó không chỉ là những học trò nhỏ thân yêu mà trên đôi vai cô còn là thế hệ măng non - tương lai của quê hương mình.
Nghĩa cử cao đẹp, sự hy sinh thầm lặng nhưng lớn lao ấy đã làm lay động những phụ huynh học sinh ở điểm trường, giúp các bậc phụ huynh ý thức được tầm quan trọng hơn của việc để trẻ học mầm non. Nhờ thế, trong 1 - 2 năm trở lại đây, tỷ lệ đến trường của trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đã tăng, lớp học ngày càng thêm đông vui, đủ đầy. Năm 2019, vì nằm trong dự án “Hồ chứa nước Đồng Mít”, Trường mầm non An Dũng được di dời và đầu tư xây mới về cơ sở vật chất. Cô Linh và các học trò nhỏ giờ đây cũng đã an tâm hơn trên con đường đến trường.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, đã từng chia sẻ về thế hệ giáo viên mới: “Đó là thế hệ thầy, cô giáo không ngại khó khăn, gian khổ vì học sinh thân yêu, ngoài việc dạy kiến thức ở trường còn gợi mở tư duy, kể chuyện thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh”. Ở cô giáo trẻ Đinh Thị Hồng Linh có tinh thần dũng cảm, không ngại khó khăn, vất vả, tất cả vì những học sinh của mình, đó chính là tinh thần của thế hệ giáo viên mới mà chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” vẫn kỳ vọng.
Chính những nhà giáo đầy tâm huyết, yêu nghề như cô Linh đã và đang thắp lên những ngọn lửa hy vọng cho học sinh người đồng bào, mang ánh sáng của tri thức về làng bản, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho những nơi rẻo cao, những miền đất còn nghèo khó.
Trong khuôn khổ Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2020”, bên cạnh các hoạt động tôn vinh những thầy cô là người dân tộc thiểu số, Ban tổ chức chương trình đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương hỗ trợ cho Trường mầm non Xuân Lẹ (H.Thường Xuân, Thanh Hóa) kinh phí 100 triệu đồng để xây nhà công vụ cho giáo viên đang công tác tại trường.
Chia sẻ về sự kiện này, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cho biết: “Giờ đây, chúng tôi càng an tâm hơn khi các thầy, cô đã có một mái nhà để về - nơi ấy dẫu không có vòng tay của người thân và gia đình, nhưng cũng đủ để làm ấm lên những trái tim giàu lòng nhân ái, nuôi dưỡng tâm hồn của những người đưa đò, để ngày ngày, các thầy, cô có thể tiếp tục vun vén con chữ, mang đến lớp và truyền thụ lại cho thế hệ măng non của nước nhà”.
|
Bình luận (0)