Có nên thay đổi nguyện vọng xét tuyển sau khi biết kết quả thi?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
13/08/2020 17:16 GMT+7

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh hồi hộp, lo lắng vì không biết có nên thay đổi nguyện vọng xét tuyển hay không?

Thí sinh có 10 ngày thay đổi nguyện vọng

Thí sinh Nguyễn Thùy Linh, lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (TP.HCM), sau khi kết thúc môn thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã lo lắng vì mình làm bài thi chưa được tốt lắm, dù đề thi được đánh giá là không khó. Linh chia sẻ: “Trước đó em có đăng ký khối A1 ngành kinh tế quốc tế và ngành tài chính ngân hàng ở 2 trường ĐH tốp giữa. Nay em đoán điểm thi không như mong muốn, không biết em có nên thay đổi nguyện vọng xét tuyển hay không?”.
Trong khi đó, Ngô Hải Nam, học sinh lớp 12 Trường THPT Minh Đức, dự đoán mình được 20, 21 điểm, nhưng trước đó do e ngại nên Nam chỉ đăng ký vào một số trường có điểm chuẩn năm 2019 là 18-19 điểm. Đức thắc mắc là có nên điều chỉnh nguyện vọng sắp tới hay không?
Chia sẻ về vấn đề đang được nhiều thí sinh quan tâm này, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Theo quy định, từ ngày 9.9 đến ngày 18.9 thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh nên sử dụng cơ hội này để điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển”.
Theo đó, thạc sĩ Vũ lưu ý thí sinh nên sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng ngành nào, trường nào mình yêu thích và mong muốn học hơn ở nguyện vọng cao hơn. Đồng thời nếu ban đầu thí sinh đăng ký quá ít nguyện vọng thì nên bổ sung thêm để tăng cơ hội trúng tuyển. “Dù điểm thấp hay cao, thí sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo thứ tự yêu thích của mình, không nên sắp xếp thứ tự theo khả năng trúng tuyển. Thí sinh không nên quá tự tin đăng ký ít nguyện vọng vì rất có thể sẽ làm mất cơ hội đậu ĐH. Đồng thời, thí sinh cũng phải xem xét đến ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) của từng trường, từng ngành”, thạc sĩ Vũ chia sẻ thêm.

Nên bổ sung thêm ngành, trường mình mong muốn

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng thí sinh dù điểm thấp hơn mong đợi cũng không nên quá lo lắng. “Các em vẫn nên giữ những nguyện vọng đã đăng ký trước đó và bổ sung thêm một số trường mà các em nhận thấy là mọi năm có điểm chuẩn thấp hơn. Còn nếu kết quả tốt hơn dự đoán thì các em có thể bổ sung ngành, trường mà mình mong muốn vào ưu tiên số một - nơi mà trước đó các em chưa dám đăng ký cho ưu tiên số 1...”, tiến sĩ Trung Nhân nhìn nhận.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nhân khuyên thí sinh nên xem xét lại tổ hợp môn sau khi có kết quả thi, vì nếu tổ hợp môn lựa chọn ban đầu có điểm thấp thì thí sinh có thể chọn tổ hợp môn khác có điểm cao hơn nếu như ngành đăng ký có xét tổ hợp môn đó.
Thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, lưu ý thí sinh không nên căn cứ hoàn toàn vào điểm chuẩn năm 2019, vì đề thi năm nay được đánh giá là tương đối “dễ thở", nên điểm chuẩn có thể sẽ tăng so với năm trước.
“Sau khi có kết quả thi và có phổ điểm của thí sinh năm nay, các em hãy cân nhắc để điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Dù kết quả cao hơn hay thấp hơn dự đoán thì nếu muốn, các em nên bổ sung thêm nguyện vọng và sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên ngành thích nhất và trường mình thích nhất, sau đó là các nguyện vọng thấp dần. Và nhớ chọn tổ hợp môn nào có điểm cao nhất để cơ hội trúng tuyển cao hơn”, thạc sĩ Tuấn cho hay.

Sĩ tử gửi lời cảm ơn thầy cô, ba mẹ sau khi hoàn thành "kỳ thi lịch sử"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.