Đại học đẳng cấp quốc tế được xếp hạng ra sao?

30/08/2006 17:18 GMT+7

Việc xếp hạng đại học đã trở nên một phong trào thế giới trước sự bùng nổ trường đại học ở các nước khi tri thức đã được công nhận là yếu tố quyết định trong sự cạnh tranh quốc tế. Công chúng ngày càng muốn tìm hiểu thông tin so sánh của các trường đại học để quyết định chọn trường.

Các trường đàn anh của các nước quốc gia công nghiệp bỗng thấy bị đe dọa bởi các trường đàn em của các nước mới công nghiệp hóa có thể cạnh tranh một thị trường du học 2 triệu sinh viên, nên đã cổ vũ cho những công trình đánh giá xếp hạng đại học của nhiều tờ báo uy tín quốc tế như  The Times (Thời báo) Luân Đôn, nhật báo US News & World Report (Tin tức Mỹ và báo cáo thế giới), tuần báo Bussiness Week (Tuần Doanh nghiệp), báo điện tử Webometrics, trang web CHE của Cơ quan trao đổi giáo dục Đức và tuần báo Die Zeit (Thời báo), và gần đây nhất là trang web xếp hạng đại học rất uy tín của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Là một thành viên của Liên hiệp các trường đại học khối cộng đồng châu u, Đại học Leiden, một đại học cổ kính của Hà Lan được thành lập cách đây 431 năm, từng có 4 nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel, dự kiến tổ chức hằâng năm, bắt đầu từ 2006, một hội nghị quốc tế để bàn đến kết quả kiểm định đại học. Hồi tháng 2 năm nay đã có 150 nhà giáo, nhà khoa học châu u và Trung Quốc cùng thảo luận những thách thức đối với các phương pháp đánh giá xếp hạng trường đại học đẳng cấp quốc tế hiện nay.

GS Douwe Breimer, Hiệu trưởng Đại học Leiden cho biết: thành tích giảng dạy và nghiên cứu của trường từ 431 năm nay đã đóng góp đáng kể vào kho tàng kiến thức cơ bản của khoa học, như hóa lỏng khí helium để ứng dụng vào kỹ thuật siêu dẫn, định luật điện tử, từ trường, máy điện tâm đồ, thuyết tương đối của Einstein. Thế nhưng căn cứ theo cách đánh giá xếp hạng đại học ngày nay, những thành tích làm nên 4 giải Nobel đã không được tính, ngoại trừ cách đánh giá của Đại học Giao thông Thượng Hải. GS Douwe Breimer có vẻ phê phán cách đánh giá xếp hạng thiên về mặt thành tích nghiên cứu mà lại coi nhẹ mặt đào tạo. GS Breimer cũng muốn làm rõ cách đánh giá các công trình nghiên cứu một cách tổng quát của trường hay chỉ kể những bài nghiên cứu được người khác tham khảo và sử dung?

Có thể dùng một phương pháp chuẩn đánh giá đơn giản nhưng đáng tin cậy để xét tất cả các trường đại học trên thế giới để dễ có cơ sở so sánh hay không? Có thể nào tránh những chủ quan thiên vị trong đánh giá? Có thể đánh giá thành tích không thiên về trường lớn, để cho các trường tuy nhỏ mà lại có vài ngành độc đáo hoặc nhóm nghiên cứu lỗi lạc cũng được có cơ hội xếp hạng? Điều này dẫn đến một câu hỏi tiếp: Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa trường hạng 10 và trường hạng 20 không? GS Breimer cũng lưu ý hằng năm tất cả 13 trường đại học Hà Lan đều tham gia kiểm định chất lượng các ngành đào tạo. Có tất cả 20 ngành được kiểm định luân phiên mỗi năm 5 ngành. Đến năm thứ 5 thì ngành đã được kiểm định lần trước sẽ được kiểm định lại. Chi phí kiểm định, với sự tham gia của Hội đồng kiểm định độc lập quốc tế, cho mỗi ngành là 50.000 euro (tương đương  925  triệu  đồng Việt Nam).

Trung bình hằng năm 13 trường đại học Hà Lan tốn khoảng 1 triệu euro (khoảng 18,5 tỉ đồng VN) cho công tác kiểm định chất lượng đại học. Đây là một cách làm không thể nhân rộng khắp nơi được vì vừa tốn kém vừa cần có tích lũy kinh nghiệm quản lý khoa học.

Để có môt phương pháp đánh giá đơn giản hơn. GS Hiệu trưởng Breimer phân biệt 2 loại trường đại học: một là nhóm trường đại học chuyên về hàn lâm/nghiên cứu, và nhóm kia là các đại học chuyên về thực hành. Đối với nhóm hàn lâm/nghiên cứu, thước đo chất lượng chủ yếu tập trung cho các công trình nghiên cứu cơ bản được xuất bản trên các tạp chí khoa học cao cấp (publications) và số lượt mà các bài báo cáo khoa học đó được các tác giả khác tham khảo (citations). Đối với nhóm thực hành, thước đo phải là những điều tra thực tế xem tác động của những công trình nghiên cứu. Có thể dùng cả 2 phương pháp cùng một lúc để đánh giá. Khi đánh giá, có thể xét tổng thể trường đại học, hoặc chỉ xét riêng từng ngành như khoa học tự nhiên, khoa học đời sống (kể cả y khoa), khoa học xã hội.

Có thể cho điểm từng ngành rồi nhân điểm từng ngành với hệ số quan trọng, và sau đó cộng chung lại thành điểm của cả trường. GS Breimer đề nghị nên thiết kế một phương pháp đánh giá theo quy trình đơn giản, tự động hóa được để dễ làm trong thời gian ngắn và ít tốn kém. Sau cùng, theo GS Breimer, hội nghị nên thảo luận tiếp xem hậu quả của những xếp hạng đại học này. Liệu thế giới sẽ phân lập ra 2 nhóm đại học, một thuộc "nhóm đại học elite" gồm những đại học lớn, lâu năm chuyên sâu nghiên cứu cơ bản chất lượng khoa học rất cao, và một "nhóm các đại học khác"? Sự phân biệt ấy tương lai sẽ tác động rất lớn đến sự thu hút những sinh viên xuất sắc nhất và những học giả lỗi lạc nhất.

Ông Martin Ince, Chủ bút đặc san THES (Giáo dục đại học của Thời báo Luân Đôn) trình bày phương pháp của tờ báo uy tín châu u này. Kiểm định mỗi ngành học được căn cứ trên 4 nhóm tiêu chí: chất lượng dạy, chất lượng nghiên cứu, tiêu chuẩn đầu vào, và khả năng có việc làm sau tốt nghiệp. Kiểm định tổng hợp cả trường căn cứ trên: tiêu chuẩn giảng dạy, tỷ lệ trò/thầy, đầu tư cho thư viện, đầu tư cho giảng dạy, chất lượng bằng cấp, việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, công tác nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, ông Ince so sánh, cách bình chọn trường đại học hàng đầu nước Mỹ của nhật báo US News & World Report (Tin tức Mỹ & Báo cáo quốc tế) phần lớn cũng tương tự như THES, có nhấn mạnh đến các chi tiết bảo đảm cho sinh viên tốt nghiệp, kinh nghiệm của sinh viên (cỡ lớp bao nhiêu sinh viên).

Cụ thể, các tiêu chí đánh giá đại học bao gồm: đánh giá của các trường cùng nhóm, thứ hạng tốt nghiệp và ở lại, tỷ lệ ở lại năm thứ nhất, tỷ lệ tốt nghiệp dự kiến và thực tế, nguồn giảng viên, tỷ lệ những lớp dưới 20 sinh viên, tỷ lệ những lớp 50 sinh viên hoặc hơn, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên nhập học với điểm trắc nghiệm trình độ đạt 25-75%, tỷ lệ đầu vào với học sinh trung học thuộc nhóm 10% tốt nghiệp điểm cao nhất lớp, tỷ lệå được nhận vào học, nguồn tài chính, thứ hạng về mức độ được cựu sinh viên đóng góp tài chính, tỷ lệ tài chính do cựu sinh viên đóng góp. Thêm vào đó, kiểm định còn tính trên số bài báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học và số lần mà mỗi bài báo cáo được sử dụng trích dẫn.

GS Nian Cai Liu của Viện Nghiên cứu đại học và Trung tâm Nghiên cứu đại học đẳng cấp quốc tế của Đại học Giao thông Thượng Hải lại đưa ra cách đánh giá đại học của Trung Quốc mà nay các giới đại học quốc tế quen gọi là Đánh giá Jiao Tong ARWU. Trung Quốc thiết kế cách đánh giá này căn cứ vào kinh nghiệm những phương pháp của u và Mỹ nói trên đây nhằm xác định một cách trung thực nhất vị trí hiện tại của các trường đại học trọng điểm của Trung Quốc. Hệ thống đánh giá Jiao Tong ARWU có dữ liệu đến 500 trường đại học khắp thế giới. Bắt đầu từ kết quả đầu tiên công bố năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cho các trường trọng điểm hiện tại như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa,  Đại học Phục Đán, Đại học Nam Ninh, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Triết Giang, Đại học KH&CN Trung Quốc, Đại học Giao thông Tây An, Viện Công nghệ Hà Bình Hải long giang.

Lộ trình cần đạt các tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế của Đại học Bắc Kinh được định vào 2016, và Đại học Thanh Hoa vào 2020. Hệ thống Jiao Tong chỉ lấy dữ liệu của những đại học nào hội đủ điều kiện sau đây: có giáo sư đoạt giải Nobel hoặc các giải quốc tế khác; các huy chương và huân chương liên quan giáo dục và khoa học; có nhiều thầy cô có báo cáo được đăng trong các tạp chí khoa học, tạp chí Nature (Thiên nhiên, Anh) và Science (Khoa học, Mỹ), và có bài được tham khảo. Những tiêu chí đánh giá và tỷ trọng của từng tiêu chí như sau: Chất lượng đào tạo (cựu sinh viên của trường có đoạt giải Nobel, các giải thưởng, huân chương...) 10%; Chất lượng thầy cô: đang giảng dạy tại trường có đoạt giải Nobel, các giải thưởng, huân chương... 20%, có báo cáo khoa học được đăng trên 21 nhóm tạp chí khoa học quốc tế 20%; Kết quả nghiên cứu khoa học: có báo cáo đăng trên tạp chí Nature và Science 20%,  có báo cáo khoa học được ghi nhận đã được sử dụng/tham khảo bởi tác giả khác 20%; Quy mô của trường (thành tích chung so sánh với diện tích chung của trường) 10%.

V.T.X

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.