Đại tướng Võ Nguyên Giáp ‘vắng mặt’ trong sách giáo khoa - Kỳ 2: Làm nhẹ vai trò cá nhân

22/10/2013 08:25 GMT+7

(TNO) Hiện nay, khi giảng những bài học có liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp , giáo viên thường chỉ có thể dành vài phút nói về ông.

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Những nữ sinh lặng lẽ đến viếng Đại tướng tại nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh Độc Lập 


Một em thiếu nhi được ba mẹ dẫn đến viếng Đại tướng tại nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh Độc Lập


Video: Đại tướng trong lòng dân (VTV)

Nói nhanh về Đại tướng

Bà Nguyễn Ái Hằng, nguyên Tổ trưởng bộ môn sử Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Chương trình không có phân phối hướng dẫn giáo viên phải nói về Đại tướng, nhất là bài học liên quan đến Điện Biên Phủ. Theo đó, giáo viên cố gắng nói nhanh về ông trong 5, 10 phút. Nhưng việc nói về một nhân vật lịch sử mà chỉ trong ngần ấy thời gian thì không thấm vào đâu”.

 

Điều đáng ngạc nhiên là với Việt Nam, như tôi thấy vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây đúng là cái mà giới trẻ cần nè. Nghe nhiều, biết bác Giáp vĩ đại nhưng thế hệ sau này cần biết Đại tướng vĩ đại thế nào? Đại tướng tài giỏi thế nào? Sự tài tình của bác Giáp trong quân sự thế nào?... Sao cứ phải đọc Binh Pháp Tôn Tử này nọ trong khi chả lấy ngay những nhân chứng sống của Việt Nam? (Chắc người ta thích ăn sẵn, dịch qua cho nhanh hơn là ngồi nghiên cứu?).

Vài năm nữa thế hệ của Đại tướng sẽ ra đi hết, phải còn gì để lại cho chúng ta to lớn hơn cả những chiến công đổ bằng xương máu của họ chứ? Sau này con hỏi tôi về thế hệ của Đại tướng, tôi không biết sẽ trả lời thế nào ngoài những tính từ... (Một bạn đọc)

“Tôi nhận thấy riêng về các nhân vật lịch sử, sách giáo khoa xưa nay chưa đi sâu. Có chăng là chỉ được tuyên truyền trong các giờ ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề về nguồn hay truyền thống cách mạng. Tôi cho rằng một nhân vật lịch sử cần phải có từ 1 - 2 tiết mới có thể chuyển tải tạm ổn cho học sinh”, tiến sĩ Tưởng Phi Ngọ, Phó khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết.

Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì việc đưa nhân cách, tài năng quân sự của Đại tướng vào sách giáo khoa (SGK) trong thời điểm này là hợp lý, nhằm giúp giáo viên có thể tăng thời lượng giảng bài về ông. Mặt khác, việc này còn đạt hiệu quả ở tính thời sự, chuyển tải công trạng một nhân cách lớn đến nhiều thế hệ học trò.

Lịch sử cận đại chưa đề cao vai trò cá nhân

Ngoài ra, PGS-TS Hà Minh Hồng cũng cho rằng khi viết SGK lịch sử, trước đây chúng ta chủ yếu tập trung thể hiện vai trò quần chúng trong lịch sử, chứ không phải vai trò của cá nhân.

PGS-TS Hà Minh Hồng nhấn mạnh: “Nhưng điều đáng nói là chúng ta chưa làm nổi bật vai trò quần chúng mà còn làm lu mờ vai trò của các cá nhân lịch sử. Tôi cho rằng SGK lịch sử sau thời điểm 2015 cần tăng cường thể hiện vai trò cốt yếu của các cá nhân trong các sự kiện cụ thể".

"Chương trình SGK sau năm 2015 sẽ thay đổi nhiều về hình thức thể hiện, cách trình bày. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đưa sự kiện liên quan, một quyết định, một bút tích… của Đại tướng vào”, PGS-TS Hà Minh Hồng nhận định. 

Nói về vấn đề này, tiến sĩ Tưởng Phi Ngọ cho biết: “Khi biên soạn SGK, người ta phải vì mục đích phục vụ mục tiêu của chương trình. Tôi tham dự nhiều hội nghị về đề án SGK mới, nhưng hiện tại, ban soạn thảo chỉ mới bàn về mục tiêu, có phân ban hay không, chương trình có bao nhiêu bài học. Người ta chưa đi vào chi tiết là nội dung sẽ có những gì”.

 
Khi viết SGK lịch sử, trước đây chúng ta chủ yếu tập trung thể hiện vai trò quần chúng trong lịch sử, chứ không phải vai trò của cá nhân.

Nhưng đáng nói, chúng ta chưa làm nổi bật vai trò quần chúng mà còn làm lu mờ vai trò của các cá nhân lịch sử.

PGS-TS Hà Minh Hồng
“Tôi khẳng định, công lao của Đại tướng là vô cùng to lớn, và cần thiết giáo dục cho thế hệ sau. Nhưng thời lượng chương trình có cho phép hay không thì mới đưa vào được. Vấn đề quan trọng đặt ra là, nếu đưa Đại tướng vào SGK lịch sử thì có đưa các nhân vật khác vào hay không?”, TS Tưởng Phi Ngọ cho biết thêm.

Thạc sĩ Trần Đình Tư, giáo viên bộ môn sử tại Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM, nói: “Chúng ta nên đưa cống hiến của Đại tướng vào một bài tổng kết. Giống như chương trình sử lớp 10, có bài tổng kết (Bài 28) về Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến”.

Hiện tại, theo thạc sĩ Trần Đình Tư, SGK lịch sử chưa có bài tổng kết về “Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời kỳ chống Pháp, Mỹ”.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM (phụ trách môn sử THCS) cho biết: “Trong khi chờ đợi những nhà biên soạn đưa cuộc đời Đại tướng vào SGK lịch sử, thì ngành giáo dục nên có chỉ đạo các trường tổ chức các chuyên đề về Đại tướng trong các dịp ngoại khóa hoặc sinh hoạt dưới cờ”.

Một cán bộ hưu trí (ngụ Q.11, TP.HCM) cho biết ông là một người hoạt động trong lực lượng vũ trang, nay đã về hưu, cuộc đời Đại tướng ông biết nhiều. Nhưng thật tình, thế hệ trẻ có mấy ai hiểu biết về Đại tướng.

"Con gái lớn tôi hiện nay đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Con trai đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Nhưng các cháu không được tiếp cận nhiều thông tin về Đại tướng. Nhiều lúc tôi muốn nói với cháu về điều này, nhưng chưa có điều kiện. Vì nếu khơi khơi lại nói về Đại tướng có khi các cháu lại không nghe", ông tâm sự.

"Tôi nghĩ SGK nên đưa Đại tướng vào, có thể là ở tiểu học, hoặc THCS, THPT và cả đại học vì các cháu đi học quân sự, cũng có thể tiếp thu thông tin. Đây là cách giáo dục học sinh tốt nhất về Đại tướng, vì chắc chắn SGK sẽ in chuẩn xác về con người, sự kiện liên quan về Đại tướng hơn là qua những lời truyền miệng", vị cán bộ hưu trí góp ý.


Hàng ngàn học sinh ở Lệ Thủy (Quảng Bình) cầm di ảnh Đại tướng để tiễn ông về nơi an nghỉ ở Vũng Chùa - Đảo Yến - Ảnh Độc Lập


Học sinh Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp (TP.HCM) trong ngày viếng, tưởng niệm Đại tướng - Ảnh: Minh Luân

Học sinh khó tiếp cận với bài đọc thêm về Đại tướng

Trong sách ngữ văn lớp 12 (chương trình cơ bản) có bài đọc thêm “Những ngày đầu của nước Việt Nam mới” (trích Những năm tháng không thể nào quên, do Nhà văn Hữu Mai thể hiện, NXB Quân đội in và phát hành) có gần 7 trang (từ trang 204 đến giữa trang 210) đề cập đến hồi ký của Đại tướng về tình hình đất nước lúc bấy giờ.

Theo đó, phần tiểu dẫn nói về Đại tướng chưa đầy trang 204, nêu ngày tháng năm sinh, quê quán của ông. Đồng thời phần này cũng nêu các mốc thời gian quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đại tướng, như: tháng 12.1944, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, năm 1948 ông được phong hàm Đại tướng, là Tổng tư lệnh quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Ông trực tiếp chỉ huy chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…

Theo ông Trần Đình Tư, giáo viên sử của Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TP.HCM), thì việc thể hiện tác phẩm này trong sách ngữ văn là không phù hợp. “Vì Đại tướng là nhân vật lịch sử, vai trò của ông thể hiện nổi bật ở các mốc lịch sử chứ không phải văn học”, ông Tư nói.

PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng bộ môn lịch sử Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhận định: “Nếu đưa Đại tướng vào bài đọc thêm trong SGK ngữ văn thì không hay tí nào. Đó là bài đọc thêm, học sinh ít quan tâm, nếu không muốn nói là các em sẽ không đọc. Nếu lấy những quyết lệnh của Đại tướng trong kháng chiến để dạy học sinh về nghị luận văn học thì tôi cho là phù hợp hơn. Đại tướng xứng đáng nằm trong bài học chính, để tất cả học sinh được học, được biết về người”.

* Tôi nghĩ, nên đưa nhân vật lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào cấp tiểu học để giáo dục học sinh. Vì lứa tuổi này các em có trí nhớ tốt. Mặt khác, điều này cũng có lợi, vì nếu ai không may nghỉ học giữa chừng ở cấp 2, cấp 3 thì vẫn được học, biết về Đại tướng ở tiểu học. (Nguyễn Minh Hiếu, 23 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

* Thời phổ thông, em chưa từng được học gì về Đại tướng, mà chỉ nghe anh họ kể về tài chỉ huy quân sự của đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo. Bản thân em cũng thấy một điều lạ là vì sao Trần Hưng Đạo được đưa vào SGK lịch sử, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì lại không? (Đỗ Thị Thùy Trang, 23 tuổi, đang làm việc tại Trường Ngoại ngữ Không Gian)

Minh Luân

>> Những khoảnh khắc xúc động tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Người dân tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ
>> Toàn bộ hành trình an táng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
>> TP.HCM: Gần 120.000 người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Toàn cảnh lễ an táng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.