Đào tạo đại học chỉ còn 3 - 4 năm

08/11/2016 09:18 GMT+7

Các trường ĐH chuẩn bị thay đổi chương trình đào tạo như thế nào, khi Chính phủ có quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống còn 3 - 5?

Các trường ĐH chuẩn bị thay đổi chương trình đào tạo như thế nào, khi Chính phủ có quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống còn 3 - 5 năm và ban hành quyết định phê duyệt khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc với các quy định về chuẩn đầu ra, văn bằng tương ứng?
Bắt buộc sinh viên phải học nhiều hơn
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường này dự kiến sẽ rút ngắn chương trình đào tạo xuống còn 3 năm rưỡi (thay vì 4 năm như hiện tại). Tuy nhiên, dù rút bớt nửa năm nhưng trường vẫn phải duy trì 120 tín chỉ cho toàn bộ chương trình nên việc cắt giảm mới chỉ đơn thuần cơ học. Điều này có nghĩa sinh viên (SV) phải học nhiều hơn trước với số lượng tín chỉ được sắp xếp tăng thêm cho mỗi học kỳ là 10 tín chỉ.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, phân tích: “Với quy chế đào tạo tín chỉ, hiện mỗi năm trường có khoảng 10% SV học vượt, tốt nghiệp sớm trong thời hạn từ 3 đến 3 năm rưỡi. Tuy nhiên, với khung chương trình 120 tín chỉ của trường, những SV hoàn thành trong thời gian ngắn phải giỏi và sắp xếp chương trình học hợp lý mới đạt được”.
Từ đó tiến sĩ Hà cho rằng việc rút ngắn thời gian đào tạo mà vẫn phải đảm bảo đủ tín chỉ tối thiểu thì chỉ có cách bắt buộc SV phải học nhiều hơn. Hiện tại trung bình mỗi học kỳ chính SV phải học 14 tín chỉ, nếu rút ngắn thời gian học mà tổng số tín chỉ không đổi thì số lượng môn học phải nhiều hơn.

tin liên quan

Thời gian đào tạo ĐH, CĐ được rút ngắn 1 năm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm 4 cấp học: mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.
Cắt giảm chương trình theo hướng tích hợp
Trong khi đó, một số trường đã chủ động cắt giảm chương trình và rút ngắn thời gian đào tạo nhiều lần trước khi có quyết định này. Với khối lượng 140 tín chỉ, các ngành kỹ thuật Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện đang được giảng dạy trong 4 năm. Trước đó, trường này đã trải qua 2 lần cắt giảm chương trình theo hướng gọn nhẹ hơn để giảm từ 5 năm xuống 4 năm.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng rút từ 5 xuống còn 4 năm với tất cả các ngành. Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, việc cắt giảm thời gian này không mang tính cơ học mà gắn với điều chỉnh chương trình. Trong đó dù giảm gần 20 tín chỉ nhưng trường vẫn đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên 32 tín chỉ toán và các môn khoa học tự nhiên theo đúng chuẩn ABET (Mỹ). Ngược lại, số lượng tín chỉ được rút ngắn trên cơ sở tích hợp các môn lý thuyết và thực hành. Ví dụ, bộ môn vi xử lý trước đó dạy trong 2 học kỳ lý thuyết và thực hành thì nay chỉ gói gọn trong 1 học kỳ.
Khó rút ngắn xuống 3 năm
Mặc dù thừa nhận biên độ từ 3 đến 5 năm cho thời gian đào tạo ĐH là phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cả ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ, đều cho rằng khó đào tạo trong 3 năm.
Ông Điền cho biết: “3 năm là mức sàn chứ không phải bắt buộc. Riêng trường hợp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với chương trình đào tạo hiện nay thì không có cách gì đào tạo được cử nhân ĐH trong 3 năm. Tối thiểu phải là 4 năm với chương trình đào tạo cử nhân kỹ thuật. Chúng tôi đã xây dựng mô hình 4 + 1 + 1, trong đó 4 năm là cử nhân ĐH, 1 năm kỹ sư, 1 năm nữa là thạc sĩ. Sắp tới có thể chúng tôi sẽ tính toán chỉ đào tạo 4 năm cử nhân thôi. SV muốn học lên thạc sĩ có thể học thêm 2 năm theo mô hình 4 + 2”.

tin liên quan

Lần đầu tiên VN ban hành khung trình độ quốc gia
Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt khung trình độ quốc gia. Theo đó, cấu trúc khung trình độ quốc gia có 8 bậc, kèm theo mỗi bậc là các quy định về chuẩn đầu ra, khối lượng tích lũy học tập, văn bằng tương ứng. 
Còn ông Vũ Văn Hóa nhận định: “Đào tạo ĐH để có chất lượng thì phải mất ít nhất 4 năm. Dẫu các trường định hướng thực hành thì vẫn phải dạy lý thuyết. Cử nhân ĐH là phải tương đối thành thạo các nghiệp vụ liên quan tới các chuyên ngành đã được học trong trường ĐH đồng thời phải hiểu được một cách logic lý thuyết chuyên ngành đó. Nếu đào tạo 3 năm thì không đủ”.
Ông Hóa phân tích: “Chúng ta nói hội nhập quốc tế nhưng phải hội nhập cả hệ thống, chứ không chỉ ngắt cái “ngọn” ĐH ra. Chẳng hạn như ngoại ngữ, các nước dạy kỹ ở phổ thông rồi nên lên ĐH không cần phải dạy nữa. Còn ở ta thì nhiều trường ĐH mất tới 1/3 thời gian, thậm chí một nửa, để dạy ngoại ngữ cho SV. Tình hình như hiện nay, các môn chung quá nhiều, nếu rút ngắn thời gian thì SV ra trường chẳng biết cái gì đến nơi đến chốn. Không chỉ ngoại ngữ, tin học mà giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, các môn lý luận chính trị mất vào đó rất nhiều thời gian. Tôi không phản đối học những môn này, nhưng ở phổ thông đã dạy rồi, lên ĐH lại dạy lại là lãng phí thời gian”.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết từ năm học này trường điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tích hợp môn học và tăng thực hành lâm sàng trên cơ thể người. Chẳng hạn, nếu trước đây môn y đức được dạy riêng thì nay lồng ghép vào các môn học khác để tăng tính vận dụng. Tuy nhiên, thời lượng chương trình không đổi và vẫn trong 6 năm với đào tạo bác sĩ, 4 năm với các ngành cử nhân khác. Theo ông Khôi, nhóm ngành y khoa cần có quy định riêng về thời gian và chương trình đào tạo. Theo đề xuất của nhóm các trường đào tạo nhóm ngành này, quá trình đào tạo cần chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đào tạo cử nhân y khoa, còn để trở thành bác sĩ, SV tiếp tục phải học thêm giai đoạn 2. Theo đề xuất này, thời gian đào tạo một bác sĩ có thể tăng lên tới 8 năm thay vì 6 năm như hiện nay.
Chỉ có thể bắt đầu với sinh viên năm 2017
Theo đại diện các trường, việc công bố chương trình đào tạo phải thực hiện ở thời điểm SV nhập học và cần có thời gian xây dựng lại chương trình. Vì vậy, dù quyết định có hiệu lực từ cuối tháng 10 nhưng chỉ có thể áp dụng cho SV khóa mới tuyển sinh năm 2017.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.