Dạy trẻ tự kỷ bằng âm nhạc

10/03/2016 09:12 GMT+7

Dùng âm nhạc để dạy cho các em bị bệnh tự kỷ, là phương pháp mới mà chị Nguyễn Nguyệt Thu (43 tuổi) một nghệ sỹ viola quốc tế đang áp dụng thành công ở VN.

Dùng âm nhạc để dạy cho các em bị bệnh tự kỷ, là phương pháp mới mà chị Nguyễn Nguyệt Thu (43 tuổi) một nghệ sỹ viola quốc tế đang áp dụng thành công ở VN.

Chị Nguyệt Thu đang dạy học sinh tự kỷ đánh đàn pianoChị Nguyệt Thu đang dạy học sinh tự kỷ đánh đàn piano
Ý tưởng từ con trai bị tự kỷ
Ra đời vào năm 2015, Trường Sunrise for Art school, thuộc Viện Khoa học Đông Nam Á (P.Phúc Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã mang đến niềm hy vọng mới cho những trẻ mắc bệnh tự kỷ. Điều đặc biệt là ở đây trẻ được giảng dạy bằng âm nhạc để chữa bệnh. Kể về sự ra đời của ngôi trường, chị Nguyễn Nguyệt Thu, Hiệu trưởng trường nhớ lại: “Ý tưởng mở trường xuất phát từ con trai 15 tuổi của tôi, cháu bị tự kỷ từ nhỏ. Tôi đã loay hoay tìm phương pháp dạy con, nhưng càng tìm thì càng thấy không khả quan.
Lúc đó tôi nghĩ, mình là một nghệ sỹ, sao không dùng âm nhạc để truyền tải những tâm tư, tình cảm của mình cho con, vừa dễ nghe mà dễ đi vào tâm hồn mỗi con người. Sau khi thấy hiệu quả từ việc dạy cho con, tôi nhận ra, âm nhạc là biện pháp trị liệu tốt nhất cho trẻ em bị tự kỷ. Từ đó, tôi chia sẻ phương pháp này với những phụ huynh có hoàn cảnh như mình, và ngôi trường dạy trẻ em tự kỷ bằng âm nhạc đã ra đời”.
Nghệ sĩ Nguyễn Nguyệt Thu sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Hà Nội. Năm 1989, chị đỗ thủ khoa Học viện Tchaicovsky (Liên Xô cũ) và theo học viola tại đó 10 năm. Sau khi tốt nghiệp, chị đã gặt hái rất nhiều thành công ở trời Âu. Chị giành giải đặc biệt “Niềm hy vọng” tại Anh quốc, giải nhì viola quốc tế năm 1997 tại Nga. Chị hiện tại là đại sứ đầu tiên chương trình “Bình minh cho em” dành cho trẻ tự kỷ. Ngoài ra, chị cũng có nhiều hoạt động từ thiện cho trẻ em như các chương trình biểu diễn đường phố quyên góp cho trẻ em tự kỷ tại Hà Nội.
Năm 2001, chị lập gia đình và sinh con trai đầu lòng. Vì quá say mê với công việc, vật lộn mưu sinh tại xứ người, chị đã không đủ thời gian dành tình yêu thương, chăm sóc với đứa con trai của mình. Từ nhỏ con chị đã có những biểu hiện ít nói, ít giao tiếp với mọi người, ít hoạt động chân tay và rất cục cằn. Qua tìm hiểu, chị mới biết con mình đã mắc chứng tự kỷ, mọi hy vọng như sụp đổ dưới chân chị. Nhớ lại những ngày tháng nuôi dạy con, chị bảo ấy là cả một cuộc vật lộn. “Để cứu con, tôi dùng đủ mọi cách, hết mang đến các trường chuyên biệt, lại đưa con từ Hà Lan, sang Malaysia, sang Singapore, Hà Lan, rồi lại về VN để chữa trị, nhưng kết quả thu được không bao nhiêu. Thế rồi, trong một lần đọc tài liệu nghiên cứu, tôi nhận thấy trẻ tự kỷ thường có năng khiếu âm nhạc. Là nghệ sĩ, tôi hiểu rất rõ sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc với con người. Những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu khoan thai, với giai điệu lặp lại như một phép màu, đã làm con trai của tôi dần dần có chuyển biến. Tôi đã khóc vì việc mình làm có hiệu qủa”, chị Nguyệt Thu chia sẻ .
Trường học đầu tiên ở VN
Sau nhiều năm định cư ở nước ngoài, chị ấp ủ dự định sẽ mở một lớp cho các em bị tự kỷ ở VN. Năm 2015, chị về VN sinh sống và để xuất với Viện Khoa học Đông Nam Á về ý tưởng dạy trẻ em tự kỷ bằng âm nhạc. Thấy ý tưởng mới, khả thi, chị được Viện đồng ý cho thành lập một ngôi trường chuyên biệt. Ngôi trường Sunrise for Art school, thuộc Viện khoa học Đông Nam Á đã ra đời.
Ngôi trường chuyên biệt này, không chỉ dạy cho các em chỉ một môn âm nhạc mà còn kết hợp dạy các môn học khác như: kỹ năng sống, hội họa, thể chất, múa…để các em phát triển hài hòa, và thể hiện những tài năng bẩm sinh. Nhà trường luôn dành nhiều thời gian cho các bộ môn năng khiếu nghệ thuật như piano, guitar, violon, thanh nhạc. Hằng ngày các em được nghe giáo viên chơi nhạc, được tự mình đánh đàn (đặc biệt là piano để luyện tay), được ca hát, được dạy nhảy theo nhịp điệu và giao tiếp với bạn bè.
Chị Nguyệt Thu chia sẻ: “Các em tự kỷ luôn có nhiều tài năng bẩm sinh, nhiều tài lẻ mà chúng ta không thể biết được. Các em học sinh tiếp thu cũng khá nhanh, chỉ cần mất từ 1 đến 2 tuần là các em biết cách đánh đàn, làm quen với các loại nhạc cụ…”
Hiện tại, ngôi trường của chị có số lượng học sinh từ 20 - 30 em. Các em chủ yếu học bán trú, cũng có nhiều trường hợp bị tự kỷ nặng thì ở nội trú để được các thấy cô, nhà trường chăm sóc, học tập tốt hơn.
Chị Nguyệt Thu cho biết, đội ngũ giáo viên của trường đều là những thầy cô giáo trẻ, có thời gian giảng dạy tại các trường chuyên biệt, nên rất thấu hiểu cũng như có kinh nghiệm trong việc giảng dạy, hỗ trợ, chăm sóc các em.
“Vì dạy các em tự kỷ đòi hỏi phải có thời gian, phải kiên trì, chịu khó… nên mỗi lớp chỉ có thể nhận 3 - 4 em, có khi mỗi lớp chỉ có 2 cô trò với nhau. Để đảm bảo chất lượng, cũng như sự thấu hiểu giữa cô và trò, giúp các em tiến bộ nhanh nhất, nhà trường không lấy số lượng làm đầu mà chất lượng là chính”, chị Nguyệt Thu cho biết thêm.
Các cô giáo ở đây phải luôn ở kiên trì dạy cho các em từng nốt nhạc - Ảnh Trần Hồ
Các cô giáo ở đây phải luôn ở kiên trì dạy cho các em từng nốt nhạc - Ảnh Trần Hồ

Không chỉ dạy cho các em học sinh hòa đồng, ngôi trường này đang có định hướng cho các em nghề nghiệp tương lai sau này, bởi các em có nhưng năng khiếu bẩm sinh về công nghệ thông tin, nghệ thuật… Nhà trường đã lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để khi các em phát triển bình thường, hòa nhập với cộng đồng sẽ có cơ hội việc làm, nuôi sống bản thân.
Ông Nguyễn Ngọc Ngân, Viện trưởng, Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á cho biết: “Đây là ngôi trường mới thành lập được một năm, còn mới mẻ ở VN nhưng bước đầu cho thấy rất khả quan, đã tác động tích cực, có sức lan tỏa tương đối lớn, không chỉ với các gia đình có con em bị bệnh tự kỷ mà còn với xã hội. Việc làm của nghệ sỹ Nguyệt Thu được chúng tôi ủng hộ, tạo điều kiện mà còn được xã hội khuyến khích, ghi nhận. Mục đích của ngôi trường không chỉ giảm bớt gánh nặng cho gia đình có con em bị bệnh tự kỷ, cho các em có được không gian thư thái, tạo không khí vui vẻ, hứng thú, nhẹ nhõm tâm hồn trong những giờ học, giờ đến lớp mà sau này, lớn lên các em được hòa nhập với cộng đồng, với xã hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.