Đúng 10 giờ, tiếng trống tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) vang lên báo hiệu kết thúc giờ thi môn đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Bước ra khỏi cổng trường, những thí sinh đầu tiên phấn khởi cho biết đề không khó, làm bài khá tốt.
|
Học sinh Quang Đạt (Trường THCS Colette) cho biết đã chọn nguyện vọng 1 vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Với bài thi đầu tiên này, thí sinh thể hiện khá tốt. Quang Đạt nhìn nhận: “Đề năm nay không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng, ngay cả phần nghị luận văn học đề cũng ra dạng ‘mở’ khi cho phép học sinh được chọn 1 trong 3 tác phẩm để phân tích. Em cho rằng, cách ra đề này không chỉ mới mà còn rất phù hợp với tình hình học tập bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 năm nay”.
Cũng theo học sinh này, dù để "mở" nhưng không có nghĩa là không kiểm tra được năng lực học văn của thí sinh. Việc kiểm tra này thể hiện ở câu 1 và 2 của đề thi khi đòi hỏi học sinh phải trình bày quan điểm cá nhân, góc nhìn và lối diễn đạt của bản thân.
Cùng quan điểm này, Minh Anh (học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn) đánh giá tổng quát đề dễ và nội dung gần gũi với thí sinh.
Minh Anh phân tích: “Đề dễ trước hết vì không yêu cầu học thuộc, lại cho phép thí sinh được quyền chọn lựa một trong 3 nội dung mà mình có thể thể hiện tốt nhất. Thực ra, ở phần nghị luận văn học, các tác phẩm học sinh đều đã học nhưng việc được chọn tác phẩm yêu thích nhất sẽ giúp học sinh làm tốt nhất bài thi của mình”.
|
“Còn sự gần gũi phải kể đến nội dung trong đề nghị luận xã hội ở câu 1. Covid-19 là sự kiện thời sự nóng bỏng vừa diễn ra, nó tác động đến đời sống của từng người trên toàn thế giới. Vì vậy khi nội dung này vào đề thi sẽ không khó khăn gì để học sinh làm bài”, Minh Anh chia sẻ thêm.
Trong khi đó, học sinh Bảo Phương (Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) bày tỏ sự tâm đắc với câu 2 (3 điểm). “Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương? Em hãy viết bà văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) để trả lời câu nói trên”.
Theo Bảo Phương, đề câu 2 này sẽ là cơ hội để học sinh được thể hiện quan điểm và sự lắng nghe’ để biết yêu thương. Trong bài làm của mình, Bảo Phương cho biết đã thể hiện sự lắng nghe ở nhiều phương diện. Trong đó có sự lắng nghe bản thân mình, để biết yêu thương mình, xem mình muốn gì, còn gì chưa tốt để hoàn thiện bản thân sống tích cực hơn. “Trước khi có thể lắng nghe người khác và yêu thương người khác, mình cần biết lắng nghe mình...”, học sinh này nói.
Không chỉ lắng nghe mình và người khác, Bảo Phương còn đề cập sự lắng nghe thế giới tự nhiên. Đó là sự yêu thương môi trường sống xung quanh mình, biết bảo vệ và sống có trách nhiệm với nó…
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TP.HCM sẽ tiếp tục diễn ra trong chiều nay với môn thi ngoại ngữ.
Bình luận (0)