Đem lại tự tin cho người khuyết tật

29/01/2017 11:01 GMT+7

Lần đầu tiên, học sinh Việt Nam đoạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2016 tại Mỹ.

Nguyễn Hoàng Ngân và Phạm Thanh Trúc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM đã vỡ òa cảm xúc khi được xướng tên trong lễ trao giải ISEF 2016. Cuộc thi thu hút khoảng 2.000 sản phẩm của học sinh gần 80 nước, vùng lãnh thổ tham gia. Thiết bị di chuyển chuyên dụng vượt địa hình cho người già và người khuyết tật của 2 học sinh này được 8 giám khảo là chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực khoa học cơ khí đánh giá cao về tính nhân văn, hướng về cộng đồng.
Ý tưởng chế tạo thiết bị nói trên bắt đầu từ khi cậu học trò Nguyễn Hoàng Ngân (quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chứng kiến hình ảnh bà hàng xóm bị bệnh, ngồi xe lăn cứ đau đáu muốn lên lầu chơi với cháu mà không có người nhà phụ giúp. Hay một người ông thích làm vườn nhưng tuổi đã cao, khả năng vận động ngày càng yếu, đành từ bỏ sở thích của mình. Ngân nghĩ những người khuyết tật vận động cần một thiết bị giúp bù đắp những hạn chế về sức khỏe để lấy lại sự tự tin, chủ động trong cuộc sống. Mãi đến năm học lớp 12, khi Ngân chia sẻ với Thanh Trúc ý tưởng này, Trúc thích thú và cùng tham gia nghiên cứu chế tạo.

tin liên quan

Thầy trò trường làng chế 'xe 5 trong 1' độc đáo
Tưới hoa, rửa xe, làm sạch rong rêu, quét vôi trên tường và phun thuốc bảo vệ thực vật, 5 việc này được Trần Trung Nghĩa và Nguyễn Thái Bình tích hợp hoàn hảo trên chiếc xe dùng năng lượng mặt trời.

Sáng tạo mọi lúc mọi nơi: Đem lại tự tin cho người khuyết tật 1
Mô hình sản phẩm đoạt giải Ảnh: Trần Đức
Xe lăn của Việt Nam không thiếu nhưng sản phẩm di chuyển trên địa hình xấu, bậc tam cấp, đường đất đá… thì chưa có. Loại xe có tính năng trên từng được Ấn Độ nghiên cứu chế tạo và đưa ra thị trường từ năm 2007, tuy nhiên giá trung bình khoảng 200 - 300 triệu đồng và có nhiều điểm không phù hợp với đường sá, môi trường sử dụng của Việt Nam. Do vậy, Ngân và Trúc khi nghiên cứu đã đặt mục tiêu làm sao để sản phẩm có thể thay đổi góc nghiêng của ghế về cả hai phía, giúp người dùng không phải lùi khi lên xuống cầu thang hay leo dốc nghiêng. Đặc biệt, giá thành phải phù hợp với điều kiện của số đông người Việt.
Theo Hoàng Ngân, nếu đưa vào sản xuất công nghiệp, các bộ phận của xe vừa đảm bảo tính chính xác mà giá thành chưa đến 1/10 giá của các loại xe nhập, bởi nguyên vật liệu đơn giản, dễ dàng tìm kiếm ở Việt Nam.

Tính hiệu quả của sản phẩm đã được ban giám khảo cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia nhìn nhận. Tuy nhiên, nhà trường, gia đình và chính bản thân hai “nhà sáng chế” cũng không tự tin khi tham gia cuộc thi quốc tế. Bởi nghiên cứu khoa học cơ khí không phải sở trường của học sinh Việt Nam trong khi cuộc thi có học sinh của Mỹ, Nhật Bản, những nước vượt bậc ở lĩnh vực này tham gia.
Theo thầy Trần Đức Huyên, Hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, ban giám khảo quốc tế đã tỏ ra thích thú và ngạc nhiên khi học sinh Việt Nam biết tận dụng những nguyên lý vận hành của xe tăng, xe di chuyển trên mặt trăng áp dụng vào cơ chế vận hành cho sản phẩm dự thi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.