ĐH Duy Tân đoạt giải 'Tri thức trẻ vì Giáo dục' với Ứng dụng 3D

30/11/2016 08:00 GMT+7

Ngày 14.11.2016 công trình Các hệ Giải phẫu 3D Cơ thể Người của nhóm tác giả đến từ ĐH Duy Tân đã xuất sắc là 1 trong 3 công trình được vinh danh trong Lễ Trao giải “Tri thức Trẻ vì Giáo dục” năm 2016 tại Hà Nội.

“Tri thức Trẻ vì Giáo dục” là chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Báo Tuổi trẻ và Tập đoàn Thiên Long. Đây là chương trình nhằm cổ vũ, khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thông qua các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo. Được phát động từ tháng 4.2016, chương trình “Tri thức Trẻ vì Giáo dục” năm nay đã thu hút được 267 công trình và sáng kiến của Đoàn viên thanh niên, giáo viên và người dân trong cả nước tham dự. Mang đến chương trình “Tri thức Trẻ vì Giáo dục” một sáng kiến hoàn toàn mới, độc đáo và thực sự hữu ích cho đào tạo Y khoa, công trình “Ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D thực tại ảo xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe” của nhóm tác giả thuộc ĐH Duy Tân gồm: Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Lương Thọ đã được trao Bằng khen “Công trình Xuất sắc nhất Tri thức Trẻ vì Giáo dục năm 2016” cùng giải thưởng 100 triệu đồng.
Ứng dụng công nghệ mô phỏng 3D trong giải phẫu học của ĐH Duy Tân

Được đánh giá cao về tính khả thi và mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác đào tạo Y khoa, công trình của nhóm tác giả ĐH Duy Tân đã hoàn thiện toàn bộ các mô hình 3D cho các hệ cơ quan trong cơ thể người như: (1) Hệ xương với 254 mô hình xương được chia thành các nhóm giải phẫu khác nhau, mỗi xương được mô tả chi tiết với các mốc giải phẫu quan trọng thể hiện rõ ràng, (2) Hệ cơ bao gồm 519 mô hình cơ, được chia thành các nhóm giải phẫu mẫu, các nguyên ủy, bám tận cơ được thể hiện rõ ràng với đầy đủ tên gọi và mô tả chi tiết cho từng mẫu, (3) Hệ thần kinh có 200 mô hình, được chia thành 2 nhóm là thần kinh não bộ và thần kinh còn lại của cơ thể, các dây thần kinh ở não được thể hiện chi tiết qua những ghép nối hay mấu luồn chính xác vào các hốc, lỗ trên xương sọ, các mốc giải phẫu trên từng mô hình 3D về não và tủy sống, (4) Hệ tiêu hóa, (5) Hệ tuần hoàn... Trong suốt quá trình triển khai thực hiện, công trình đã được các giáo sư cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành về Y khoa đang giảng dạy tại các đại học Y cũng như bệnh viện lớn trong nước theo sát kiểm tra và thẩm định. Vì thế, ứng dụng 3D về giải phẫu học của nhóm tác giả ĐH Duy Tân đảm bảo được tính chính xác về những chi tiết và dữ liệu Y khoa của người Việt Nam - khác biệt cơ bản so với các sản phẩm mô phỏng khác hiện đang bán trên thị trường thế giới.
Trong dạy học, Ứng dụng Các hệ Giải phẫu 3D Cơ thể Người được sử dụng rất linh hoạt. Sinh viên có thể học dưới hình thức 2D trong các phòng máy tính, trên smart-phone hoặc tương tác trực tiếp dưới hình thức 3D tại phòng studio có trang bị hệ thống chiếu 3D. Với việc thiết kế phần mềm có giao diện linh động, cho phép người sử dụng có thể quan sát hình ảnh của các hệ xương, hô hấp, thần kinh, tuần hoàn, công trình đã giúp khắc phục được tình trạng giảng dạy lý thuyết “chay” ở một số trường học hay cơ sở đào tạo Y khoa, giúp người học có cái nhìn trực quan về cơ thể con người ở các góc độ khác nhau. Điều thú vị là ngay khi học với ứng dụng 3D về giải phẫu học này, sinh viên có thể trực tiếp tra cứu dữ liệu bằng tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Latin thông qua những thông tin mẫu, giúp sinh viên tiếp thu được kiến thức tốt hơn.
Ưu điểm vượt trội mà công trình này của nhóm tác giả ĐH Duy Tân mang lại chính là khả năng cung cấp cho sinh viên những kinh nghiệm gián tiếp qua mô phỏng các trường hợp bệnh ảo như nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Nhờ thế, khi bước vào tác nghiệp thực tế, các sinh viên Y khoa sẽ có tự tin khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong khi giảm thiểu tối đa rủi ro có thể gây ra cho con người. Mô phỏng 3D cho phép sinh viên chủ động cách học của mình cũng như mang đến niềm đam mê nghiên cứu giải phẫu học. Giảng viên cũng có thể tìm thấy ở ứng dụng mô phỏng này những khả năng độc đáo cho việc tổ chức giảng dạy, làm cho việc học tập trở nên tích cực hơn. Ngoài ra, mô phỏng 3D sẽ giúp giảng viên tiết kiệm được thời gian để có thể khám phá thêm nhiều chủ đề mới, tăng cường thời gian trao đổi, thảo luận với sinh viên,...
ThS.Lê Văn Chung (ảnh trái) - đại diện nhóm tác giả ĐH Duy Tân nhận giải thưởng 100 triệu đồng từ Ban tổ chức

ThS.Lê Văn Chung - Đại diện nhóm tác giả ĐH Duy Tân cho biết: “Để hoàn thiện được công trình mô phỏng 3D thực tại ảo, nhóm chúng tôi đã dành hơn 3 năm tham khảo các tài liệu Y khoa cả trong lẫn ngoài nước, nhất là các tài liệu về giải phẫu học để nghiên cứu và triển khai thực hiện, đồng thời liên hệ với các giáo sư đầu ngành để thành lập hội đồng đảm bảo chất lượng công trình. Trong suốt quá trình thực hiện, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp tại ĐH Duy Tân, đặc biệt là sự hỗ trợ cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi của Ban Giám hiệu nhà trường, mà cụ thể là thầy Lê Nguyên Bảo. Với công trình này, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần tích cực vào công tác đào tạo cũng như huấn luyện đội ngũ cán bộ Y tế nhằm đảm bảo trình độ chuyên môn và năng lực thực hành về giải phẫu học cũng như các lĩnh vực khác có liên quan.”
Hiện tại, công trình Các hệ Giải phẫu 3D Cơ thể Người này đã được đưa vào giảng dạy cho sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe tại ĐH Duy Tân. Trong thời gian tới, nhóm tác giả sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển công trình này theo hướng xây dựng các tình huống bài giảng lý thuyết và lâm sàng cụ thể, mô phỏng các tình trạng bệnh lý, phát triển mô phỏng mổ nội soi trên các mô hình 3D... Bên cạnh đó, ĐH Duy Tân dự trù sẽ có kế hoạch chuyển giao mô hình ứng dụng này cho các trường THPT (Trung học Phổ thông) để giảng dạy môn Sinh học, cho các trường đại học/cơ sở đào tạo Y khoa để giảng dạy môn Giải phẫu học cho sinh viên, và cho các bệnh viện để phục vụ công tác huấn luyện nâng cao tay nghề cho cán bộ Y tế, hỗ trợ bác sĩ lập phác đồ điều trị bệnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.