Với đóng góp 26/26 bài báo ISI xuất sắc nhất trong năm 2016, trong đó có 22 bài là của riêng các tác giả của trường, ĐH Duy Tân có thể xem là đơn vị có đóng góp nghiên cứu khoa học quốc tế hàng đầu ở Đà Nẵng, so với toàn bộ các trường đại học công lập và tư thục khác trên cùng địa bàn.
|
Ngày 28.12.2016, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức trao thưởng cho các tác giả của 3 sáng chế và 26 bài báo xuất sắc công bố trên các tạp chí tạp chí ISI trong năm 2016. Trong tổng số 26 bài báo ISI được khen thưởng, có 22 bài báo do các Nhà Khoa học Duy Tân là tác giả chính và 4 bài báo còn lại có sự kết hợp thực hiện giữa các nhà khoa học ĐH Duy Tân và ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng.
Qua quá trình 5 năm đầu tư cải tạo công tác nghiên cứu khoa học, thành tích trong lĩnh vực này của ĐH Duy Tân đã ghi lại những dấu ấn mới đáng trân trọng. Chỉ riêng trong năm 2016, trường đã có 214 công bố quốc tế, trong đó có 205 bài báo thuộc ISI. Tăng hơn gấp đôi so với năm 2015 (có 105 công bố quốc tế, trong đó có 101 bài báo thuộc ISI).
Nhiều công bố ISI của ĐH Duy Tân được khen thưởng trong đợt này có chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) khá cao, thuộc các lĩnh vực nghiên cứu như: Vật lý, Xây dựng, Hóa Môi trường… Tiêu biểu trong số đó là bài báo “DNA redox hydrogels: Improving mediated enzymatic bioelectrocatalysis” đăng tải trên tạp chí ACS Catalysis có chỉ số ảnh hưởng IF=9.31.
Trước đó, trong ngày 24.12.2016, TS.Lê Nguyên Bảo, Hiệu phó ĐH Duy Tân cũng đã vinh dự được vinh danh là 1 trong 20 Nhà hoạt động Khoa học - Công nghệ tiêu biểu của Đà Nẵng giai đoạn 1997 - 2017, được trao Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ở vai trò là Hiệu phó ĐH Tư thục đầu tiên và lớn bậc nhất miền Trung, TS. Lê Nguyên Bảo đã thực hiện việc cơ cấu và điều chỉnh lại toàn bộ chương trình đào tạo tại trường từ năm 2007. Đồng thời, thực hiện chủ trương “Đào tạo chất lượng cao trên Cơ sở Hợp tác Quốc tế” của HĐQT nhà trường, TS. Lê Nguyên Bảo đã giúp nối kết ĐH Duy Tân với nhiều đối tác lớn trên thế giới như ĐH Carnegie Mellon - 1 trong 4 đại học mạnh nhất về Công nghệ Thông tin của Mỹ, ĐH Purdue - 1 trong 10 trường kỹ thuật mạnh nhất Hoa Kỳ, ĐH Bang Pennsylvania - 1 trong 5 trường mạnh nhất về Du lịch trên thế giới, ĐH Bang California - đơn vị hàng đầu về đào tạo Xây dựng và Kiến trúc ở Bờ Tây nước Mỹ…
Là Trưởng Dự án “Đại học Điện tử” của Duy Tân, TS.Lê Nguyên Bảo đã chủ trì và trực tiếp tham gia hoàn thiện hơn 10 hệ thống phần mềm để nâng cao chất lượng quản lý và đào tạo. Trong đó, tiêu biểu có Hệ thống Phần mềm quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ giúp trường nâng cao chất lượng trong công tác Quản lý đào tạo, Phần mềm “Các hệ Giải phẫu 3D cơ thể người” giúp khắc phục tình trạng giảng dạy “chay” lý thuyết trong đào tạo y khoa. Riêng Phần mềm “Các hệ Giải phẫu 3D cơ thể người” đã xuất sắc trở thành 1 trong 3 công trình được trao giải cao nhất trong Lễ trao giải “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2016.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy ở Duy Tân, TS.Lê Nguyên Bảo đã trực tiếp hoàn thành thủ tục và trình bày đề án tham gia vào Hiệp hội CDIO (Conceive-Design-Integrate-Operate) và Hiệp hội PBL (Problem-Based Learning, thuộc UNESCO), đưa ĐH Duy Tân thành thành viên thứ 2 của Việt Nam (sau ĐH Quốc Gia TP.HCM) được kết nạp vào Hiệp hội CDIO và là thành viên duy nhất của Việt Nam trong Hiệp hội PBL. ĐH Duy Tân đã áp dụng phương pháp CDIO vào đào tạo ở khối ngành Kỹ thuật & Công nghệ và phương pháp PBL vào đào tạo ở các khối ngành còn lại của trường. Sinh viên Duy Tân học tập với các phương pháp này đã giành nhiều giải thưởng lớn, trong đó tiêu biểu là Cúp Vô địch CDIO Academy 2013 cùng 1 giải Nhất, 1 giải Nhì tại Cuộc thi CDIO Academy 2013 được tổ chức tại 2 trường danh tiếng là Học viện MIT và ĐH Harvard (Mỹ) và giải Nhất Cuộc thi Xây dựng Mô hình Nhà chống Động đất của Châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 ở Đài Loan.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, TS.Lê Nguyên Bảo đã có 15 bài báo đăng tải trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó có 7 bài báo thuộc danh mục ISI. Hiện tại, TS.Lê Nguyên Bảo đã hoàn thành 1 đề tài cấp Bộ và hiện đang chủ nhiệm tiếp 1 đề tài cấp Bộ và 1 đề tài cấp Tỉnh. TS.Lê Nguyên Bảo cũng đã trực tiếp tham gia xây dựng đề án đào tạo Tiến sĩ các ngành Quản trị Kinh doanh và Khoa học Máy tính, giúp ĐH Duy Tân trở thành cơ sở giáo dục đại học Ngoài công lập đầu tiên được đào tạo bậc Tiến sĩ.
Trong suốt quá trình làm việc tại ĐH Duy Tân, nhiều nhà khoa học Duy Tân cũng đã được vinh danh trước đó. TS.Lê Đức Toàn được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (Việt Nam) công nhận là Phó Giáo sư đầu tiên nhận vinh dự này khi đang làm việc ở một trường Ngoài công lập. TS.Hồ Khắc Hiếu được công nhận là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2015. TS.Phan Văn Nhâm nhận Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ tại TP.Buôn Ma Thuột năm 2014…
Bình luận (0)