ĐH Purdue là 1 trong 8 hệ thống ĐH hàng đầu ở Mỹ về đào tạo các ngành nghề Kỹ thuật và Công nghệ (theo U.S. News 2017). Bên cạnh hoạt động huấn luyện đội ngũ, chuyển giao chương trình; các giáo sư, giảng viên của ĐH Purdue sẽ đến giảng dạy trực tiếp tại ĐH Duy Tân định kỳ từng học kỳ.
Theo đà phát triển của nền kinh tế và hội nhập sâu rộng của VN với thế giới, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài có dây chuyền sản xuất hiện đại đang dần chiếm thế chủ đạo sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Các DN trong nước bị cạnh tranh khốc liệt, bị tụt hậu, đòi hỏi phải đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất. Thêm nữa, nền nông nghiệp VN cũng cần cơ giới hóa trong khâu trồng trọt, thu hoạch, tự động hóa trong khâu chế biến nhằm cạnh tranh được với các nước khác. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và cơ điện tử.
Ngành Cơ điện tử là ngành học mới của Khoa Điện - Điện tử, ĐH Duy Tân. Ngành mở ra nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng cho nhu cầu cấp bách của thị trường. Dù là ngành mới, nhưng trường đã chuẩn bị đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất từ nhiều năm nay. Để đào tạo ra những kỹ sư Cơ điện tử chất lượng hàng đầu, đáp ứng nhu cầu lao động, sản xuất trong, ngoài nước, trường đã hợp tác đào tạo, huấn luyện giảng viên, nhập chương trình đào tạo từ Trường Kỹ thuật công nghệ, ĐH Purdue (Mỹ).
Là một trong hai cơ sở lớn nhất của ĐH Purdue (West Lafayette và Northwest), ĐH Purdue Northwest thành lập từ năm 1946, gồm 2 campus là Westville và Calumet. Trường Kỹ thuật công nghệ nằm tại Calumet Campus. Cả ĐH có đến 70 chương trình đào tạo ở cả 3 cấp độ: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. ĐH học Purdue, Calumet được tờ The Times of Northwest Indiana xếp hạng là trường ĐH tốt nhất tại Northwest Indiana và tờ Northwest Indiana Business Quartely đã giành vị trí số 1 cho ĐH Purdue, Calumet trong danh sách các ĐH tốt nhất lấy bằng công nghệ. ĐH Purdue, Calumet tọa lạc tại TP.Hammond, bang Indiana (Mỹ). Là trường ĐH công lập với gần 10.000 sinh viên (SV) đang theo học, ĐH Purdue, Calumet thu hút hơn 800 SV quốc tế đến từ 40 quốc gia trên thế giới.
|
Đội ngũ giảng viên khoa Điện - Điện tử (FEEE), cán bộ Trung tâm Điện - Điện tử (CEE) của ĐH Duy Tân hiện đang tập huấn tại ĐH Purdue, nhận chuyển giao chương trình từ Purdue bao gồm 16 người, sẽ kết thúc đợt huấn luyện đầu tiên vào tháng 8.2017. SV Duy Tân theo chương trình này sẽ được học theo giáo trình cũng như chương trình Điện - Điện tử và Cơ điện tử của ĐH Purdue, với hệ thống phòng thực hành được thiết kế theo các tiêu chuẩn ở ĐH Purdue. Mỗi học kỳ, có từ 2 đến 3 giáo sư ĐH Purdue giảng dạy trực tiếp tại Duy Tân. Hầu hết các chương trình đào tạo của ĐH Purdue đều được kiểm định ABET. SV theo học chương trình tiên tiến này sau khi kết thúc các môn học trong chương trình còn được nhận các chứng nhận hoàn thành môn học từ ĐH Purdue.
Thời gian đào tạo: 4,5 năm, cho bậc Kỹ sư, đào tạo theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 (Industry 4.0):
- Kỹ sư Điện - Điện tử chuẩn PNU - Mã ngành: 52510301, Mã chuyên ngành: 113(PNU).
- Kỹ sư Cơ điện tử chuẩn PNU - Mã ngành: 52510301, Mã chuyên ngành: 112(PNU).
Mục tiêu đào tạo: Khai thác và vận hành các hệ thống và thiết bị điện tử, cơ điện tử; Thiết kế và thi công các hệ thống điều khiển tự động, dây chuyền sản xuất; Triển khai bảo trì, sửa chữa, cải tiến nâng cấp các hệ thống cơ điện tử; Tập trung xây dựng khả năng thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng các robot công nghiệp.
Cơ hội việc làm: Các khu công nghiệp chế xuất: KCN Hòa Khánh, Hòa Cầm, Đà Nẵng, KCN Điện Nam - Điện Ngọc; Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Các xí nghiệp sản xuất: Nhà máy Dệt 29.3, Nhà máy dệt Hòa Thọ, Công ty Cao su Đà Nẵng, Auto Trường Hải... Các công ty sản xuất, kinh doanh thiết bị điện CN: Siemens, Philips, Samsung, Sanyo… Các công ty thiết kế, sản xuất hệ thống tự động, thang máy: Pacific Elevator, Vietech, Novas... Các công ty chế tạo robot CN: Yaskawa, Kuka, ABB, FANUC…
Lễ ký kết giữa ĐH Duy Tân và ĐH Purdue đã diễn ra lúc 14 giờ ngày 16.6 tại ĐH Purdue. Tham dự lễ ký kết: về phía Trường ĐH Purdue, GS Niaz Latif, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật công nghệ thừa ủy quyền của Chủ tịch Trường ĐH Purdue, cùng ban lãnh đạo khoa; Về phía ĐH Duy Tân, TS Lê Nguyên Bảo thay mặt HĐQT, BGH; TS Hà Đắc Bình, Trưởng khoa Điện - Điện tử; TS Vũ Dương, Giám đốc Trung tâm CEE cùng các thành viên đoàn.
Lễ ký kết diễn ra trang trọng. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ trong chuyển giao công nghệ đào tạo, hỗ trợ toàn bộ giáo trình, tư liệu đào tạo, tập huấn giảng dạy cho đội ngũ giáo viên chủ chốt của ngành Điện - Điện tử, Cơ điện tử của ĐH Duy Tân trong 4 năm liên tiếp.
|
Bình luận (0)