Giáo viên dạy học sinh diễn 'cảnh nóng' nên hay không?

28/03/2019 14:15 GMT+7

Một giáo viên dạy môn văn tại TP.HCM đã bị kỷ luật khi tổ chức cho học sinh sân khấu hóa trên bục giảng cảnh ái ân trong một số tác phẩm văn học. Điều này đang gây ra những tranh cãi trái ngược.

Nhìn “cảnh nóng” hay nhìn tổng thể?

[VIDEO] Lời người trong cuộc trong vụ học sinh đóng kịch "cảnh nóng"

Thầy giáo Phạm Quốc Đạt (Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM) cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn "Hạnh phúc của một tang gia" ( Số Đỏ- Vũ Trọng Phụng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng) vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, một số cảnh sân khấu hóa này bị phản ứng vì được cho là tái hiện “cảnh nóng”, vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo như cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và côTuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp…

Hai clip trong vở kịch này bị “rò rỉ” lên mạng. Cảnh sân khấu hóa  này bị nhiều giáo viên trong trường phản đối, một số phụ huynh gửi đơn lên nhà trường. Tháng 1.2019, lãnh đạo trường ra quyết định kỷ luật giáo viên này vì nhiều lỗi, trong đó có nội dung là cho học sinh diễn kịch “không phù hợp với lứa tuổi”, “diễn những cảnh nhạy cảm”… Ông Đạt bị cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng, chuyển về làm công tác thư viên của nhà trường.

Sau khi bị kỷ luật, ông  Phạm Quốc Đạt có đơn kêu cứu. Trao đổi với Báo Thanh Niên, giáo viên này cho biết do cách nghĩ, cái nhìn và quan điểm cá nhân của mỗi người, sẽ có cách đánh giá khác nhau về vấn đề này. Học sinh tái hiện các cảnh này bằng chiếu bóng (đứng sau tấm màn, diễn tả hành động). Vì vậy, người thầy đứng cùng các em khi diễn, sau tấm màn thấy hoàn toàn trong sáng, rất bình thường, hoàn toàn không có đụng chạm xác thịt. Nhưng có thể người khác xem sẽ có suy nghĩ khác.

Ông Phạm Quốc Đạt chia sẻ: “Vả lại, khi bóc tách một chi tiết ra khỏi vở kịch dài 15 phút, sự việc có thể bị bẻ cong theo hướng suy nghĩ khác. Đối với một tình hình, một trường hợp cụ thể thì vai trò của bối cảnh rất quan trọng. Nó quyết định đến nội dung ý nghĩa và cả dụng ý của người truyền tải thông tin".

 

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy Văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cũng, cho rằng đối với văn chương, nhìn bằng con mắt nghệ thuật thì sẽ là nghệ thuật, nhìn bằng con mắt trần tục thì sẽ trần tục. Hay có só sự nhập nhằng giữa cả 2 điều này. Nhiều thứ nghĩ là dung tục nhưng vẫn là nghệ thuật, tưởng là nghệ thuật vẫn dung tục. Những cảnh học sinh diễn kịch chúng ta thấy nếu bình thường là dung tục. Nhưng nhà văn đưa vào tác phẩm là nghệ thuật, xem đó là điều cần thiết cho tác phẩm. Khi người tiếp nhận tác phẩm tách cảnh đó ra khỏi câu chuyện, tách ra khỏi ngữ cảnh thì sẽ trở thành trần tục. Nếu học sinh diễn cảnh đó đơn lẻ, nhìn vào thì chỉ thấy sự dung tục. Nhưng nếu nhìn tổng thể trong toàn bộ vở kịch, thì có thể không quá dung tục.

Một tiết học sân khấu hóa tại Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM ( ảnh Thu Hương)

“Tôi không biết trực tiếp xem toàn bộ vở kịch thầy trò diễn để biết sự việc cụ thể thế nào, thầy đúng hay sai. Nhưng nếu đánh giá thì chúng ta cần phải nhìn tổng thể. Theo những gì tôi biết được thì những cảnh này là cảnh chiếu bóng, thầy đứng sau giám sát, học sinh diễn không đụng chạm. có bạn nam đóng thế nữ. Ngoài ra, ở đây chúng ta còn có thể thấy được sự sáng tạo của học trò ở việc tạo ra âm thanh, ánh sáng, diễn kịch... để hiểu về tác phẩm” – giáo viên Đức Anh chia sẻ.

Có vượt quá khuôn khổ sáng tạo?

Trong khi đó ông  Trần Ngọc Tuấn, giáo viên dạy văn Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết việc sân khấu hóa trong giảng dạy môn văn  là điều cần thiết để giúp học sinh hiểu hơn tác phẩm, yêu thích tác phẩm, giúp giờ học sinh động. Sự sáng tạo trong giảng dạy, nhất là đối với môn văn là rất nên thực hiện. Điều này cần phải khuyến khích để giáo viện phát huy. Vì thế, hiện nay rất nhiều giáo viên, rất nhiều trường phổ thông áp dụng cách dạy này.

“Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, việc sân khấu hóa tác phẩm cũng cần có lựa chọn phù hợp. Trong các tác phẩm, có nhiều cảnh không nên đưa vào hoạt động sân khấu hóa. Chẳng hạn, ở bài học “Hạnh phúc của một tang gia”, một số cảnh tái hiện sẽ rất nhạy cảm nếu nhìn bằng con mắt thông thường. Việc sân khấu hóa đôi khi còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của phân cảnh nữa. Như cảnh ở bụi chuối trong tác phẩm Chí Phèo, khi thực hiện sân khấu hóa, học sinh sẽ rất vui vẻ vì có tính hài hước. Nhưng một số cảnh khác trong “Hạnh phúc của một tang gia”, Bỉ vỏ… thì mang tính nghiệm túc, từ đó dễ gây ra sự nhạy cảm” – thầy Tuấn chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá: “Nói theo cách khách quan nhất, thầy Đạt đã lựa chọn một phương pháp tốt khi giảng dạy. Nhưng thầy quên mất một vấn đề quan trọng, đó là quá tập trung dạy văn mà quên tâm lý giáo dục. Bất kỳ phương pháp nào cũng cần quan tâm đến đối tượng dạy học. Lứa tuổi các em chưa trưởng thành, cần có nội dung phù hợp và phương pháp dạy phù hợp.  Bản thân là người dạy về phương pháp giáo dục, tôi cũng đánh giá cao nỗ lực dạy văn của thầy. Nhưng tôi hơi lo về phương pháp tiến hành và đối tượng tiếp nhận khi thực hiện những phân cảnh này trên bục giảng. Chúng ta không được triệt tiêu sáng tạo nhưng sáng tạo phải có khuôn khổ. Chim bay tự do trên trời nhưng tách ra khỏi bầu trời là không thể tồn tại!”.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nêu quan điểm, trong tác phẩm sân khấu hoá có sử dụng những công cụ che chắn như rèm, ánh sáng tức là có xử lý kỹ thuật một cách nghệ thuật và không có sự tương tác về thể xác. Có thể khi tiếp cận với clip bài giảng này sẽ có nhiều lăng kính khác nhau. Trường học luôn khuyến khích thầy và trò cùng sáng tạo.. Nhưng sự sáng tạo cũng cần có những chuẩn mực về đạo đức, thuần phong mỹ tục và có sự định hướng, phản biện của cấp trên, người chịu trách nhiệm hoạt động của nhà trường. Còn các giáo viên khi tổ chức hoạt động cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi, cách nhìn thời đạ, thời điểm sáng tạo sao cho phù hợp với học sinh ở thời điểm đó.

Một giáo viên nguyên dạy ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho hay, các hoạt động bổ trợ đối với môn ngữ văn nhằm giúp học sinh tiếp cận ngôn ngữ. Sân khấu hoá giúp các em hiểu thêm, cảm thêm về tác phẩm chứ không phải là hoạt động vui chơi, giải trí. Tác phẩm được giáo viên và học sinh thực hiện không nằm trong chương trình giảng dạy trong nhà trường. Và các hoạt động này phải hình thành kiến thức, thái độ gắn liền từ tác phẩm. Các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm, sân khấu hoá tác phẩm, ... đều phải có mục đích cụ thể. Và mục đích quan trọng nhất, đó là việc hình thành nơi học sinh các năng lực sử dụng ngôn ngữ và năng lực cảm thụ tác phẩm. Ví dụ: trong quá trình hướng dẫn các em sân khấu hoá một tác phẩm văn học, giâo viên cần hướng dẫn các em đọc sâu, đọc kỹtác phẩm và sau đó chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Từ đó hình thành nơi học sinh kiến thức, kỹnăng, thái độ đối với môn học. Tức là đích đến cho giờ học ngữ văn là môn học chứ không phải là một loại hình khác. Môn ngữ văn là mảnh đất màu mỡ để giáo viên khơi nguồn sáng tạo nơi học sinh. Trước những ý kiến trái chiều về hiệu quả, ý nghĩa của sự sáng tạo, giáo viên cần khiêm tốn lắng nghe, suy xét để điều chỉnh sao cho hiệu quả giảng dạy cao nhất.

Một giáo viên dạy môn văn tại một trường THPT tại Q.1, chia sẻ: “Sáng tạo trong dạy học là một trong những yếu tố rất cần thiết để tăng thêm sự sinh động, hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nhà trường THPT, khi mà tâm lý lứa tuổi các em đang phát triển, chưa tiếp thu và học hỏi, sự ổn định chưa có thì sự sáng tạo phải có giới hạn. Sự sáng tạo đó phải phù hợp với môi trường học đường, lứa tuổi của các em, cần phải định hướng phát triển thẩm mĩ, tính cách và năng lực các em rõ ràng. Có những sáng tạo, khi đặt trong lứa tuổi và môi trường thì nó không phù hợp, dễ dẫn đến những hệ lụy. Sự sáng tạo của thầy Đạt, theo tôi là chưa phù hợp ở chỗ chọn lựa, định hướng cho các em tác phẩm để sân khấu hoá. Sân khấu hoá các tác phẩm là tốt, nhưng sân khấu hoá tác phẩm nào, tình tiết nào cũng rất quan trọng. Hơn nữa sự sáng tạo còn thể hiện ở nhiều khía cạnh chứ không chỉ hạn chế trong sân khấu hoá thôi. Vì mỗi đặc trưng của tác phẩm chúng ta sẽ lựa chọn cách thức sáng tạo cho phù hợp”.

Giáo viên này cũng cho rằng không kiểm tra, định hướng đúng thì học sinh sẽ dẫn đến nhận thức sai lạc về vấn đề. Trong văn học, đôi khi nói đến những điều thấp hèn nhưng qua đó lại toát lên vẻ đẹp của nó, của nhân vật. Sân khấu hoá như trong clip, đôi khi không làm toát lên cái đẹp mà ngược lại, sẽ làm học sinh cảm nhận không hay về tư tưởng của nhân vật và tác phẩm đó.

 
Mức kỷ luật quá nặng?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12) cho biết, quyết định kỷ luật đối với giáo viên Phạm Quốc Đạt không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hoá đó mà còn liên quan đến sự việc khác trong nhà trường. Để ban hành quyết định này nhà trường thực hiện theo Thông tư 27 và đã có những buổi họp hội đồng sư phạm, hội đồng kỷ luật, tham khảo, lấy ý kiến các giáo viên, tổ chuyên môn... Riêng về tiết dạy sân khấu nói trên, vị hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho hay, tiết học của giáo viên Quốc Đạt không nằm trong kế hoạch giảng dạy của nhà trường, của tổ ngữ văn và giáo viên này tự động thực hiện.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, hình thức kỷ luật như vậy là quá nặng. Trường hợp này tái phạm thì mới được phép kỷ luật nặng như vậy. Như vậy rất không tôn trọng giáo viên. Trường có ngăn chặn từ đầu không. Có tập huấn giáo viên sân khấu hóa tác phẩm như thế nào trước đó không?. Xử lý chuyện này chỉ nên là khiển trách để giáo viên biết lỗi của mình.  

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.