Theo báo cáo của ThS Huỳnh Mai Trang - giảng viên bộ môn tâm lý học, khoa tâm lý - giáo dục Trường đại học Sư phạm TP.HCM, người trực tiếp điều hành công việc của phòng - “Từ tháng 11-2007 đến nay (tháng 9-2008), phòng tiếp nhận bảy trẻ (không tính những trẻ không có rối loạn nhưng chỉ vì bố mẹ quá lo lắng nên mang con đến để test chẩn đoán và tư vấn trị liệu)”. Tình trạng của các bé khi được đưa đến phòng là “khó tập trung chú ý khi học, kết quả học tập rất thấp, có dấu hiệu chậm nói, rối loạn ngôn ngữ hoặc có những rối nhiễu về tâm lý”. Có bốn trẻ được nhận điều trị lâu dài tại phòng.
Trong đó, bé T.H.L. 9 tuổi (nhà ở Q.BT) “đã có chuyển biến rõ rệt”, bé V.M.T. (nhà ở Q.BT) bắt đầu có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. PGS.TS tâm lý học Đoàn Văn Điều và ThS tâm lý học Lý Minh Tiên cùng chia sẻ ý kiến: “Con số bảy trẻ với ai đó sẽ là vô cùng ít ỏi, chẳng có gì đáng để bàn. Nhưng với những người am hiểu về lĩnh vực chẩn đoán và trị liệu tâm lý, đấy sẽ là một con số rất đáng lưu tâm và nể phục, bởi không dễ và không thể chỉ trong vài tháng mà đưa được một trẻ có rối loạn tâm lý trở lại bình thường”.
Đúng vậy. Nể phục còn bởi người điều hành và bảy cộng tác viên là những giáo viên, chuyên viên tâm lý đến từ những cơ sở giáo dục khác nhau trên địa bàn TP.HCM với tâm huyết mang những tri thức họ đã thủ đắc từ các chuyên gia nước bạn, thầy cô giáo VN và đồng nghiệp để chẩn đoán, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ sao cho hiệu quả thật sự. Ngoài những kiến thức chung có được từ chương trình đào tạo của dự án, họ còn chia sẻ kinh nghiệm làm việc với trẻ ở các lĩnh vực khác nhau mà họ đã được đào tạo và làm việc, như điều trị tâm lý, dạy trẻ khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, trẻ bình thường.
Theo Nguyễn Thị Ly Kha/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)