GS Kurt Wüthrich (Nobel hóa học 2002): Hãy theo đuổi đam mê suốt cuộc đời

07/07/2016 08:10 GMT+7

Nói chuyện tại TP.Quy Nhơn, GS Kurt Wüthrich khuyên các bạn trẻ muốn nghiên cứu khoa học thì hãy chọn lĩnh vực mình yêu thích, thực sự đam mê để theo nó suốt cuộc đời.

Chiều 6.7, GS Kurt Wüthrich (78 tuổi, người Thụy Sĩ, Nobel hóa học năm 2002) đã có buổi nói chuyện và giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Hội trường Quang Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) với chủ đề Cuộc đời khoa học của tôi - từ vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chẩn đoán y học.
Chương trình do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bình Định và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành phối hợp tổ chức.
Khởi đầu buổi nói chuyện, GS Kurt Wüthrich kể về niềm đam mê đầu tiên của mình, đó là việc chơi thể thao, trong đó có môn bóng đá.
GS Kurt Wüthrich trình bày về quá trình nghiên cứu khoa học của mình - Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Ngày thời còn sinh viên, GS Kurt Wüthrich được đào tạo để trở thành một huấn luyện viên thể thao. Ông rất tích cực tập luyện và đã giành được một số huy chương về thể thao. Tuy nhiên, ông Kurt Wüthrich luôn tò mò trước phản ứng của cơ thể trong quá trình thi đấu thể thao và bắt đầu nghiên cứu về nó. Khi tham gia vào nghiên cứu khoa học, ông cũng đạt được một số thành công ban đầu và lập tức say mê ngay.

Các học sinh đặt câu hỏi cho GS Kurt Wüthrich - Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Từ đó đến nay, dù có lúc thành công, lúc thất bại nhưng GS Kurt Wüthrich chưa bao giờ từ bỏ nghiên cứu khoa học, ông luôn giữ niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho đến bây giờ.


 Tôi mới gặp GS Trần Thanh Vân lần đầu tiên là vào ngày hôm nay, ngay tại TP.Quy Nhơn này. Để có nhận xét về ông ấy thì hãy cho tôi vài ba hôm nữa. Nhưng bây giờ tôi thực sự ngưỡng mộ GS Trần Thanh Vân vì những cố gắng của ông ấy để đưa các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về Việt Nam, để giúp khoa học Việt Nam phát triển và giúp khơi dậy niềm mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ ở đây

 

 GS Kurt Wüthrich

GS Kurt Wüthrich cũng trình bày về quá trình nghiên cứu khoa học về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch của ông và GS.John B. Fenn (Mỹ), GS.Koichi Tanaka (Nhật Bản). Nhờ công trình nghiên cứu này mà cả ba ông đã được trao giải Nobel hóa học năm 2002.
Từ kinh nghiệm của bản thân, GS Kurt Wüthrich khuyên các bạn trẻ Việt Nam muốn tham gia nghiên cứu khoa học thì phải làm cái gì đó mà mình thật sự yêu thích, chọn lĩnh vực mà mình thực sự đam mê để theo nó suốt cuộc đời và lấy nó làm niềm vui.
Theo GS Kurt Wüthrich, ở Việt Nam hiện nay tương đối khó khăn để các bạn trẻ bắt đầu nghiên cứu khoa học nhưng tình hình này sẽ được thay đổi rất nhanh trong thời gian tới. Hiện có rất ít các nhóm thực hiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
“Thực sự rất khó khăn khi khởi đầu nghiên cứu khoa học tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Một ví dụ đơn giản thôi, cả 100 giáo sư Việt Nam những vẫn nhận được một lượng tiền để đầu tư nghiên cứu khoa học ít hơn 1 giáo sư ở Thụy Sĩ. Điều này cần phải thay đổi trong thời gian tới. Nhưng các bạn trẻ ở Việt Nam muốn nghiên cứu khoa học thì hãy theo đuổi học vấn và chọn con đường ra nước ngoài để thực hiện đam mê nghiên cứu khoa học của mình, khi đã thành công thì hãy về phục vụ cho đất nước của mình”, GS Kurt Wüthrich nhấn mạnh.
GS Kurt Wüthrich cho biết ông đến Việt Nam lần này là vì muốn khuyến khích các bạn trẻ ở đây nghiên cứu khoa học cơ bản và phải thực sự đầu tư vào công việc nghiên cứu của mình một cách nghiêm túc.
GS Kurt Wüthrich luôn sẵn sàng trò chuyện và trả lời câu hỏi của các học sinh Việt Nam - Ảnh: HOÀNG TRỌNG
“Trong những ngày sắp đến, khi được gặp các lãnh đạo của Việt Nam, tôi sẽ nói với họ rằng Chính phủ Việt Nam cần phải đầu tư, tạo điều kiện cho các bạn trẻ đam mê khoa học có thể theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Phải đầu tư thực sự, phải chọn những người thực sự giỏi để đầu tư cho họ, không nên đầu tư dàn trải sẽ gây tốn kém mà không có hiệu quả”, GS Kurt Wüthrich nói.

Chiều 6.7, các giáo sư David Jonathan Gross (người Mỹ, Nobel vật lý năm 2004), Jean Jouzel (người Pháp, Nobel hòa bình năm 2007), Finn Erling Kydland (người Na Uy, Nobel kinh tế năm 2004) và nhiều nhà khoa học khác tiếp tục đến Bình Định. Theo kế hoạch, sáng 7.7,  sẽ có 5 giáo sư đoạt giải Nobel cùng 300 đại biểu và các nhà khoa học sẽ tham dự Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ở TP.Quy Nhơn).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.