Hàng trăm giáo viên gặp khó khăn do bị truy thu tiền phụ cấp

30/07/2016 08:44 GMT+7

Từ đầu tháng 7.2016, hàng trăm cán bộ giáo viên đang công tác tại 20 xã biên giới tỉnh Tây Ninh lâm vào cảnh khó khăn khi bất ngờ nhận được thông báo truy thu số tiền phụ cấp thu hút vùng biên giới đã nhận.

Rối… văn bản
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Hòa Hiệp -Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Tây Ninh, xác nhận ngành giáo dục đang tạm ngưng chi chế độ phụ cấp cho giáo viên vùng sâu và chờ chỉ đạo do địa phương đang gặp nhiều vướng mắt liên quan đến các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo đó, tỉnh Tây Ninh đã triển khai áp dụng nghị định 19/2013/NĐ-CP ngày 23.2.2013 của Thủ tướng Chính phủ chi chế độ phụ cấp thu hút đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Để xác đối tượng chi, ngành giáo dục Tây Ninh căn cứ vào quyết định 204/QĐ–TTg ngày 1.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số 2.275 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư vào diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, Tây Ninh có 20 xã được phê duyệt. Lúc này, Phòng GD-ĐT thuộc 5 huyện biên giới Tây Ninh được phê duyệt gồm Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng đã tiến hành chi chế độ trên cho hàng trăm cán bộ, giáo viên.
Tuy nhiên vấn đề phát sinh liên quan khi UBND H.Bến Cầu có công văn gửi UBND tỉnh xin ý kiến xung quanh vướng mắc đối tượng được cấp thẻ BHYT cho những người dân thuộc xã nông thôn mới (xã vùng sâu, vùng xa). Ngày 11.5.2016, UBND tỉnh có công văn gửi Ủy ban Dân tộc về việc xác định xã đặc biệt khó khăn để làm căn cứ trả lời. Ngày 29.5.2016, Ủy ban Dân tộc đã có công văn phúc đáp xác định xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc miền núi theo quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19.9.2013 của Uỷ ban Dân tộc. Theo đó, Tây Ninh có 21 xã thuộc khu vực 1, không có xã nào thuộc khu vực 3. Nội dung công văn xác định “20 xã trong diện đầu tư chương trình 135 năm 2016 của tỉnh Tây Ninh được quy định tại Quyết định 204 ngày 1.2.2016 không thuộc diện đặc biệt khó khăn”.
Do đó, nếu theo quyết định 447 trên thì Tây Ninh không có đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút và buộc phải truy thu. Tuy nhiên, ông Trần Hòa Hiệp cho biết, hiện UBND tỉnh đang nghiên cứu vấn đề này đồng thời sẽ có công văn đề nghị Bộ Nội vụ xác định lại để có căn cứ thực hiện.
Nhiều giáo viên lâm cảnh khó khăn
Trong số các huyện biên giới thì H.Châu Thành có đến 6 xã biên giới. Trước đó, phòng GD-ĐT huyện này đã chi tiền phụ cấp được 7 tháng cho 119 giáo viên với tổng số tiền trên 5,7 tỉ đồng. Sau khi có thông tin trên, Phòng GD-ĐT H.Châu Thành đã tạm ngưng chi chế độ này đồng thời bắt đầu thông báo chủ trương của UBND H.Châu Thành ký ngày 23.6 về truy thu hồi số tiền phụ cấp thu hút còn lại (2,7 tỉ đồng) để nộp vào ngân sách sau khấu trừ tiền chi trả phụ cấp lâu năm được hưởng thay thế theo Nghị định 116/2011/NĐ-CP. Thời gian tiến hành truy thu từ tháng 6.2016 đến tháng 11.2017. Trong đó, có giáo viên bị truy thu đến gần 50 triệu đồng.
Bà Võ Thị Thủy, Trưởng phòng kế toán Phòng GD-ĐT H.Châu Thành, cho biết sau khi thông báo cho giáo viên về chủ trương truy thu với mức trung bình 2,5 triệu đồng/tháng đã gặp nhiều vướng mắc. Từ đó, nhiều giáo viên cho rằng, do tiền phụ cấp trên không có, mức lương ưu đãi cho vùng sâu càng eo hẹp nên việc truy thu đến 2,5 triệu đồng/tháng khiến nhiều giáo viên không thể xoay sở nổi. Theo bà Thủy, một số giáo viên có đề nghị giảm mức truy thu xuống còn 1 triệu đồng/tháng để giáo viên xoay sở được cuộc sống cũng sẽ được nghiên cứu trong trường hợp buộc phải truy thu. “Hiện chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của Sở về vấn đề này để có hướng xử lý tiếp theo”, bà Thủy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.