Học chương trình tinh giản, không lo hổng kiến thức

03/04/2020 08:19 GMT+7

Nhận xét về chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, đại diện nhiều trường cho biết nội dung học phù hợp, vẫn đảm bảo được lượng kiến thức lại giúp giáo viên an tâm hơn khi triển khai dạy.

Phù hợp với tình hình thực tế

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Hướng dẫn tinh giản chương trình học của Bộ rất chi tiết đến từng mục, từng bài nên các trường có thể thống nhất được nội dung dạy, giáo viên (GV) cũng cảm thấy yên tâm hơn khi triển khai. Chương trình này vẫn đảm bảo được những nội dung quan trọng, cốt lõi chung. Nếu học sinh (HS) học theo hướng dẫn của GV thì không lo hổng hay thiếu kiến thức cho thi THPT quốc gia sắp tới”.
Bà Tâm cho biết thêm: “Bộ đã hướng dẫn từng bài, đã có chương trình cụ thể thì bây giờ GV phải chủ động dạy những gì để đạt được hiệu quả cao. Cái hay của từng tổ bộ môn là bây giờ phải chọn được bài nào mình nên dạy trước, cách thức tương tác thế nào. Bây giờ mình vẫn quyết tâm dạy học, dạy được tới đâu thì tính kế hoạch tiếp tới đó chứ không thể thụ động ngồi chờ hết dịch bệnh mới bắt đầu.
"Đây là thời gian cả GV và HS phải thay đổi tư duy cũng như cách dạy và học”, bà Tâm chia sẻ thêm.
Tương tự, chia sẻ về nội dung tinh giản chương trình học của Bộ, Ban Giám hiệu hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm cho rằng chương trình này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
“Chương trình giúp các trường chủ động lên kế hoạch giảng dạy và ôn thi cho HS kịp thời, có trọng tâm, không bị dàn trải lan man trong khi quỹ thời gian học có giới hạn và phương thức dạy học trực tuyến không đảm bảo tối đa chất lượng”, một đại diện của trường nói.
Nỗi lo của các trường hiện nay là dịch bệnh kéo dài. Bà Bùi Minh Tâm cho biết: “Bây giờ không thể biết được khi nào dịch Covid-19 được kiểm soát. Nếu tới tháng 5, 6 HS mới đi học trở lại thì khó có thể kết thúc chương trình dạy như dự định”.

Giúp học sinh có thời gian tập trung nội dung trọng tâm

Ngay khi tiếp cận với hướng dẫn điều chỉnh môn học của Bộ GD-ĐT, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), bày tỏ: “Trước đây, trong đầu tôi đã có suy nghĩ rằng Bộ đơn giản sẽ cắt giảm hết, chỉ giữ lại kiến thức của vài tuần đi học chính thức và lo lắng như vậy HS sẽ không có những kiến thức đầy đủ để hiểu về lịch sử. Tuy nhiên, thực tế trong chương trình giảm tải Bộ công bố cho thấy, cách giảm tải là lược một số nội dung không quan trọng và đi thẳng vào vấn đề trọng tâm. Từ đó giúp người học có thể nắm được diễn tiến lịch sử một cách khái quát, cơ bản nhất của chương trình học kỳ 2. Với khối lượng kiến thức còn lại, chỉ cần thời gian 2 tuần khi HS đi học trở lại, GV có thể kịp thời cập nhật kiến thức cho HS".
Ông Võ Thanh Bình, GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho rằng trong hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học môn sinh lớp 12, khá nhiều nội dung kiến thức được chuyển sang hình thức HS tự học, những kiến thức mới còn lại không nhiều và cũng có sự phù hợp.
Còn GV L.H.M, dạy ngữ văn tại một trường THPT ở Q.10, nhìn nhận những nội dung điều chỉnh đáp ứng phần nào việc HS phải kéo dài thời gian nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy thời gian tới, trong các tiết dạy trực tuyến, GV có thể dành thời gian cho việc ôn tập kiến thức và rèn HS kỹ năng đọc hiểu, viết văn nghị luận…
Ở môn địa lý, một GV của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho biết chương trình lớp 12 có hướng dẫn điều chỉnh 8 bài, trong đó 4 bài thực hành, 2 bài lý thuyết, 2 bài địa lý địa phương. Theo GV này, việc hướng dẫn HS “tự làm có hướng dẫn” và “khuyến khích HS tự làm” là phù hợp với tình hình học kỳ 2 nên HS sẽ không bị hổng kiến thức. Việc điều chỉnh này sẽ giúp HS có nhiều thời gian tập trung cho các nội dung trọng tâm của chương trình.

Nên giảm hẳn chương trình lớp 10, 11 trong đề thi THPT Quốc gia

Theo các GV, chương trình giảm tải, các môn đều đã tinh giản được nhiều kiến thức, tăng thời lượng hướng dẫn HS tự học, tự nghiên cứu trong thời gian tạm nghỉ học vì dịch Covid-19.
Một đại diện của Ban Giám hiệu hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm nêu ý kiến: “Thi tuyển sinh lớp 10 hay thi THPT quốc gia vẫn có thể phát huy được năng lực chủ động sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức của HS. Đặc biệt là kiến thức và cách thức giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống và vẫn có thể đảm bảo được sự phân hóa trong đề thi. Tuy nhiên, đề thi THPT quốc gia nên giảm hẳn các kiến thức của lớp 10, 11 vì lượng kiến thức lớp 12 cũng đã đủ nhiều”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.