Võ Thị Thanh Ý (lớp 11 C6, Trường THPT Tiểu La, H.Thăng Bình, Quảng
Nam) đã trải lòng như vậy khi nói đến những hy sinh của người anh trai
để em được đến trường.
Không cha, mẹ mất, hai anh em Ý - Điệp nương tựa vào nhau - Ảnh: H.S |
Hôm chúng tôi đến nhà Thanh Ý tại thôn 4 (xã Bình Giang) cũng đúng vào ngày giỗ lần thứ 6 của mẹ em. Đón khách, anh em Ý ra chiều ái ngại bởi căn nhà xuống cấp không có đến một tấm cửa. Tài sản giá trị nhất trong nhà có lẽ là chiếc bàn inox vừa mới mua trong dịp tết Nguyên đán vừa qua. Anh trai Ý (Võ Văn Điệp, 27 tuổi) cho biết, đã 11 năm qua căn nhà vẫn thế, vẫn không có thêm tài sản gì. Thậm chí, bây giờ căn nhà đã mục rỗng, nhiều đòn tay dọa sập mỗi khi mưa xuống mà anh em Điệp vẫn chưa có tiền để sửa. “Chúng em sinh ra mà không biết mặt cha. Năm 2008, mẹ tai biến lần 1. Hai năm sau mẹ tai biến thêm lần nữa thì không qua khỏi”, Thanh Ý kể.
Nhà vốn nghèo, mẹ lại đau ốm liên miên nên có bao nhiêu tiền bạc hai anh em đều dốc hết cho mẹ trị bệnh. Sớm nghĩ sớm làm, anh trai Ý bỏ học giữa chừng để kiếm việc làm phụ mẹ thuốc thang và lo cho Ý được đến trường.
Sau khi mẹ mất, Điệp lên hẳn TT.Hà Lam để làm nhân viên cho một tiệm bán hoa với thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Còn Ý về nhà dì ruột vừa phụ bán bánh bèo vừa đi học.
“Không ai nhang khói tội cho vong linh của mẹ lắm. Nhưng trong nhà không có ai, lại không có cửa ngõ nên đành gửi Ý về nhà dì sinh sống. Chỉ đến khi Ý vào cấp 3 rồi lên học ở TT.Hà Lam, anh em mới thường xuyên gặp nhau”, Điệp cho biết.
Làm được bao nhiêu tiền, Điệp đều dồn hết để lo tiền học thêm, tiền thuê trọ cho em. Thương anh trai một tay gồng gánh, Thanh Ý học rất chăm chỉ và đều đặn có học lực từ loại khá trở lên. “Vào cấp 3, em bận học suốt nên có muốn phụ anh cũng không được. Nhiều lúc thấy anh lao tâm khổ tứ chạy vạy, đắp đổi cho đủ sống, em thương anh nên chỉ biết chuyện cố gắng vào học mà thôi…”, Ý nói.
Em bảo sẽ cố gắng để vào đại học. Bởi theo Ý, với hoàn cảnh của em chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi cảnh nghèo. Và cũng chỉ khi học lên cao, có công việc thật tốt em mới có cơ hội đền đáp công ơn của anh trai.
Còn với Võ Văn Điệp, chàng thanh niên đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân chỉ cười khi được hỏi đến chuyện cưới vợ: “Em nó vào đại học, thì em đây phải làm việc gấp đôi vì sẽ tốn nhiều chi phí. Nhà chỉ còn hai anh em, em mà lấy vợ thì làm sao chu tất cho Ý được. Cho nên em vẫn chưa nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình…”.
Bình luận (0)