Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020 - 2021.
Tân sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm học 2015 - 2016, trường này được thu học phí tối đa chương trình đại trà bậc ĐH là 14,5 triệu đồng/năm với sinh viên khóa mới - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Theo đề xuất này, học phí ĐH sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tăng 10% mỗi năm
Nghị định 49 của Chính phủ ban hành năm 2010 quy định về miễn giảm học phí, cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã hết hiệu lực sau năm học 2014 - 2015. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện nghị định này từ các bộ, ngành và UBND các tỉnh thành trong cả nước, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo nghị định mới trình Chính phủ phê duyệt.
Theo dự thảo này, mức trần học phí trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) vẫn tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo như quy định trước đây gồm: khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; y dược.
Mức tăng học phí giai đoạn mới của tất cả các nhóm ngành nghề đều ở mức 10%/năm tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015. Theo đại diện Bộ GD-ĐT, trước đây học phí các năm và theo từng nhóm ngành nghề có mức tăng khác nhau, trung bình khoảng 20%.
Với nguyên tắc tăng học phí này, nếu Chính phủ thông qua, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015 - 2016 sẽ dao động từ 605.000 - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Với mỗi năm học kéo dài 10 tháng, mỗi sinh viên sẽ đóng từ trên 6 - 8,8 triệu đồng/năm. Trong đó, riêng nhóm ngành y dược, chỉ sau 2 năm nữa sinh viên theo học trình độ ĐH sẽ phải đóng học phí trên 10 triệu đồng/năm. Đến năm học 2020 - 2021, học phí ĐH công lập có thể tăng tới mức trên 9,7 đến trên 14 triệu đồng/năm học.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ, mức tăng này mới chỉ là đề xuất dự thảo Bộ trình lên Chính phủ chờ phê duyệt. Trong khi chờ nghị định mới ban hành, các trường vẫn sẽ thu học phí học kỳ 1 năm học 2015 - 2016 theo mức trần năm học 2014 - 2015 với khoảng 550.000 - 800.000 đồng/tháng (tùy nhóm ngành nghề đào tạo).
Trường tự chủ tài chính từ 17,5 - 45 triệu đồng/năm
Điểm mới của dự thảo nghị định mới so với Nghị định 49 là có bổ sung mức trần học phí của trường ĐH được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (trường tự chủ tài chính). Lộ trình tăng học phí của loại hình trường này nhằm bù đắp chi phí đào tạo.
Mức trần học phí loại hình trường này cũng được phân theo nhóm ngành nghề. Theo đó, mức trần tối đa nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa trường ĐH thuộc khối ngành y dược nào có đề xuất chuyển qua loại hình tự chủ tài chính. Một số trường ĐH đã được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 như: Mở TP.HCM, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm, Tôn Đức Thắng...
Trong đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy mà các trường này được phép thu dao động trong khoảng 11,5 - 16 triệu đồng (năm học 2015 - 2016); tăng lên mức 13,5 - 17,5 triệu đồng (năm học 2016 - 2017). Như vậy, so với mức trần tối đa trong dự thảo nghị định, thực tế học phí tối đa các trường thu trong năm học 2015 - 2016 đều ở mức thấp hơn.
Giữ nguyên chính sách miễn giảm học phí
Theo đại diện của Bộ GD-ĐT, chính sách miễn giảm học phí vẫn giữ nguyên như trong Nghị định 49, nếu có điều chỉnh thì theo hướng bổ sung để phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Đặc biệt, theo đề xuất này thì đối tượng được miễn giảm học phí theo chính sách nhà nước sẽ không mất cơ hội học tập tại trường tự chủ tài chính do học phí cao.
Theo quyết định đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động được phê duyệt, các trường tự chủ tài chính phải hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của trường với mức học phí được miễn giảm theo quy định của nhà nước với các sinh viên thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo.
|
Mức trần dự kiến học phí
Dự kiến trần học phí theo mức tăng 10%/năm đối với đào tạo trình độ ĐH tại trường công lập theo các nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 như sau:
|
Bình luận (0)