Học sinh không tự nhiên khó dạy

17/10/2015 07:15 GMT+7

Lì lợm, chểnh mảng, khó dạy... là những từ ngữ người ta nói về những học sinh hay quậy phá. Tuy nhiên, nếu được giáo dục đúng cách, những đứa trẻ ấy hoàn toàn có thể trở thành học trò tốt.

Lì lợm, chểnh mảng, khó dạy... là những từ ngữ người ta nói về những học sinh hay quậy phá. Tuy nhiên, nếu được giáo dục đúng cách, những đứa trẻ ấy hoàn toàn có thể trở thành học trò tốt.

Học sinh không tự nhiên khó dạyBằng tình thương để giáo dục là cách giúp học sinh nên người - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đủ kiểu phạm lỗi
Chỉ vài giờ ngồi ở Phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.12, TP.HCM), chúng tôi nghe được rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về học sinh (HS). Có những HS ngỗ ngược cãi lại thầy cô, có em bỏ bê việc học. Thậm chí, có trường hợp phụ huynh phải đến tận trường để tìm gặp “nửa kia” nhằm ngăn cấm việc yêu đương quá sớm.
Một giáo viên phân trần: “Chỉ trong một tiết học 45 phút mà K. xin ra ngoài đi vệ sinh 4 - 5 lần. Tôi quan sát thì thấy K. ra ngoài nhưng không đi vệ sinh mà la cà ngoài hành lang rồi đu cột cầu thang. Thấy việc làm này gây nguy hiểm cho cháu nên lần sau tôi không cho cháu ra ngoài nữa. Thay vì ngồi yên nghe giảng, K. đi tiểu vào chai nhựa ngay trong lớp làm các bạn rất bối rối”.
Ở một trường THCS tại Q.3, chúng tôi được biết câu chuyện của Châu (HS lớp 8). Châu thường xuyên đánh nhau với bạn bè. Khi bị thầy cô la mắng, em thường tỏ thái độ bất mãn, thậm chí chửi lại thầy cô. “Nhiều lần như vậy chúng tôi đành phải mời phụ huynh lên gặp. Ngồi ở phòng giám thị mẹ Châu chỉ khóc”, một giám thị cho hay.
Bên cạnh những HS chống đối, phản ứng dữ dội với thầy cô là những HS lơ là việc học, vi phạm nội quy.
Học gần hết học kỳ 1 lớp 10, nhưng Hưng (ở một trường THPT Q.7) chưa từng đi học đúng giờ. Hầu như trong buổi sinh hoạt cuối tuần nào Hưng cũng bị kiểm điểm trước lớp. Giáo viên chủ nhiệm hỏi nguyên nhân đi trễ thì Hưng chỉ im lặng. Bạn bè trong lớp cũng vì thế mà ít tiếp xúc với Hưng. Trường hợp khác cũng ở trường này: trong khi cả lớp luôn mặc đồng phục thì Nhi thường mặc áo khoác khác màu làm cả lớp bị trừ điểm thi đua...
“Con cũng không muốn đi học trễ”
Nhà trường nhiều lần gửi thư đến nhà Nhi mà không lần nào nhận được hồi âm. Lần theo địa chỉ trong hồ sơ của trường, chúng tôi tìm tới nhà Nhi vào một buổi chiều chủ nhật. Nhi đang tất bật dọn chén, bàn chuẩn bị cho quán cháo lòng ngay vỉa hè.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với bà cháu Nhi ngay quán cháo vỉa hè xe cộ nườm nượp. Bà ngoại Nhi cho biết: “Lúc Nhi 2 tuổi, ba mẹ nó ly hôn. Sau đó vài năm cha mẹ nó đều đã lập gia đình riêng. Rồi nó về ở với tôi từ đó. Nó thương tôi lắm”. Khi chúng tôi hỏi về những lá thư của trường, bà của Nhi tỏ ra ngạc nhiên bảo: “Trời ơi, trường có gửi thư mời sao? Tôi không biết chữ nên thư từ gì cũng giao cho con Nhi nhưng tôi chưa thấy nó nhắc gì...”. Nhìn bà rơm rớm nước mắt, Nhi cúi mặt: “Tuần trước con đi học trễ 5 ngày. Thêm một ngày nghỉ học không phép sau đó lại không mặc áo đồng phục nên cô giáo gửi thư” và phân trần: “Con cũng không muốn đi học trễ nhưng tại đông khách quá, thấy ngoại bê không kịp nên con ráng phụ. Với lại buổi sáng con bưng cháo thường bị đổ, áo dơ nên con hay mặc áo khoác...”. Cô chủ nhiệm của Nhi cho biết thêm: “Lúc trước tôi hay nhắc nhở Nhi việc mặc áo đồng phục dơ, có lẽ vì thế mà em mặc cảm. Tuy nhiên, tôi cũng xem đó là lời nhắc chung với cả lớp chứ không nhắm vào một mình Nhi”.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, giám thị Trường THCS Lê Lợi (Q.3, TP.HCM) kể về trường hợp một HS thường phạm lỗi trên lớp: “Tôi tới nhà, thấy mẹ em đang giặt quần áo thuê. Sau đó, biết thêm ba mẹ em đã ly hôn. Xung quanh nhà HS này rất phức tạp. Từ đó tôi hiểu những bức bối ấm ức của HS này. Tôi hiểu hoàn cảnh gia đình làm cho em mệt mỏi. Lên lớp thầy cô lại la rầy chuyện học hành, bị ép vào khuôn khổ nên em thấy bức bối và phản ứng ngược với thầy cô”.
Dùng tình thương để cảm hóa
Ông Hoàng Gia Thành, Phó hiệu trưởng Trường tư thục Hồng Đức, nhận định: “Đến 90% hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng nhân cách HS, dẫn tới các biểu hiện vi phạm kỷ luật. Nếu bắt đúng lỗi, giáo dục uốn nắn thì HS sẽ thay đổi... Nếu xúc phạm, lăng mạ, cư xử lệch chuẩn với những HS này chắc chắn thất bại...”.
Ông Nguyễn Ngọc Phú kể tiếp câu chuyện: “Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của HS, tôi hiểu thứ em cần là tình thương và cần một người lắng nghe. Tôi đã tạo điều kiện để em được thể hiện mình qua việc theo dõi các bạn vi phạm và sau đó em đã không còn phạm phải những lỗi đó nữa”.
Cũng bằng phương pháp này, hơn 20 năm nay ông Phú đã giúp không ít HS từ quậy phá trở nên ngoan hiền. Trọng cũng là HS ở Trường THCS Lê Lợi, từng là thủ lĩnh trong nhóm HS quậy phá nhất trường và bị buộc thôi học một năm. Khi tìm hiểu hoàn cảnh, ông Phú biết nhà Trọng ở ngay ga xe lửa, môi trường sống ở đây khá phức tạp. “Lúc này tôi đã xin với nhà trường cho tôi được chịu trách nhiệm với học trò này. Khi nói ra điều này tôi biết trách nhiệm của mình rất lớn. Tôi giao nhiệm vụ cho Trọng phụ giúp lớp phó kỷ luật theo dõi vi phạm của các thành viên trong lớp. Chúng tôi đã thành công bằng cách cho em cơ hội sửa sai và tôi nghĩ mình đã làm đúng”, ông Phú kể lại.
Có thâm niên làm giám thị ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5, TP.HCM) nhiều năm, ông Nguyễn Quả chia sẻ: “Hơn 12 năm làm giám thị, tôi đã “xử” không ít những trường hợp HS tuy mắc lỗi nhưng rất đáng thương. Khi các em phạm lỗi phải xuống phòng giám thị, chúng tôi thường yêu cầu các em viết bản tường trình. Tuy nhiên, riêng tôi rất ít đọc những bản tường trình đó. Tôi muốn nghe các em nói hơn. Vì có những điều các em không biết cách giãi bày trên giấy”.
Kết quả là nhiều HS trước đây từng bị xem như “đồ bỏ” sau khi ra trường, trưởng thành vẫn quay lại thăm thầy cô nước mắt rưng rưng.
Ý kiến
Không nên dán nhãn học sinh cá biệt
Nguyên tắc giúp người khác thay đổi là cần góp ý cho việc làm sai chứ không chê con người họ. Nếu ta đặt cho các em nhãn HS cá biệt là ta đang xúc phạm đến con người các em. Các em cần được tôn trọng và cần được giúp đỡ trong tình yêu thương. Giáo viên cần có thái độ thân thiện với các em, giúp các em có cơ hội sửa lỗi. Không nên áp dụng các hình thức kỷ luật mang tính tiêu cực như đuổi học, mời ra khỏi lớp, phạt quỳ, đánh đòn... mà thay vào đó nên dùng các phương pháp kỷ luật tích cực như phạt dọn dẹp trường lớp, phạt đọc một cuốn sách và kể lại nội dung, phạt đi làm công ích cho địa phương...
Giáo viên cần được học về cách giao tiếp với HS, đơn giản như là hãy cười mỗi khi bước vào lớp, hãy khen chân thành những cố gắng dù nhỏ của trò.
Nguyễn Thị Thúy
(Giảng viên xã hội học Học viện Hành chính quốc gia)
Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh
“Khi HS phạm lỗi, tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của các em để tìm hiểu xem các em đang nghĩ gì. Điều quan trọng mà những người làm giáo dục cần làm là định hướng tạo điều kiện cho HS tiến bộ, bởi HS chưa ngoan là thủ phạm của những lỗi nhỏ ngày hôm nay nhưng nó cũng là nạn nhân của một cách đối xử tương tự trước đó”.
Phan Thị Trang
(giáo viên Trường THPT Lê Xoay, tỉnh Vĩnh Phúc)
Nghiêm khắc mà bao dung
Không kỳ thị đối xử, không định kiến về HS, đó là nguyên tắc mà giáo viên phải nhớ khi giáo dục HS của mình. Phải hiểu hoàn cảnh, đối tượng HS để vận dụng linh hoạt. Giáo viên nghiêm khắc nhưng phải xuất phát từ lòng yêu thương học trò, bao dung nhưng không phải là nuôi dưỡng cái xấu mà là hướng HS nhìn nhận vấn đề theo hướng tốt đẹp.
Hoàng Gia Thành 
(Trường trung học tư thục Hồng Đức)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.