Vấn đề đặt ra là các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tổ chức có nên dành cho cả học sinh (HS) lớp 10 và 11?
Không cấm nhưng không khuyến khích
Diễn ra đồng thời tại 7 địa phương, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 28.3 vừa qua đã thu hút hơn 68.000 thí sinh (TS) dự thi. Kỳ thi được tổ chức với mục đích các trường ĐH và CĐ sử dụng kết quả này để tuyển người học. Đến thời điểm hiện tại đã có 70 đơn vị đăng ký sử dụng kết quả này để xét tuyển một phần chỉ tiêu trong năm nay.
Tuy nhiên, ngay sau khi ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả thi đợt 1, hội đồng thi này mới phát hiện có những TS dự thi nhưng không phục vụ cho mục đích trên. Trong đó, có những giáo viên trường THPT dự thi nhằm nắm rõ cấu trúc, hiểu cách ra đề, hiểu nội dung để về ôn tập cho HS của mình; có những HS đang học lớp 11 dự thi để làm quen với định dạng bài thi.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, đối tượng tham dự kỳ thi đánh giá năng lực là những TS đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đó là những HS chuẩn bị hoàn thành bậc học THPT nhưng chưa tốt nghiệp. Bên cạnh đó gồm cả TS đã tốt nghiệp THPT, có bằng TC, CĐ hoặc ĐH cũng được dự thi để tiếp tục xét tuyển vào ĐH nếu muốn.
Tuy nhiên, ông Chính cho biết theo thống kê đợt 1 kỳ thi vừa qua nhiều đối tượng dự thi không chỉ HS lớp 12, chẳng hạn có khoảng 100 TS sinh năm 2004. Tính về tuổi, các HS này có thể đang học lớp 11 hoặc đang học lớp 12 nếu đi học sớm.
“Các HS lớp 10, 11 nếu tham dự không ảnh hưởng đến kỳ thi, tuy nhiên không đúng với đối tượng dự thi và ĐH Quốc gia TP.HCM không khuyến khích các HS này tham dự. Ở thời điểm trước khi thi chúng tôi đã phát hiện các TS này nhưng không muốn làm quá gắt, nên quyết định chỉ khuyến cáo. Nhưng nếu sắp tới tiếp tục có nhiều đối tượng này dự thi hội đồng thi sẽ có biện pháp rà soát sâu hơn”, ông Chính cho hay.
Theo ông Chính, ĐH Quốc gia TP.HCM hiện chưa cấm nhưng không khuyến khích các HS lớp 10 và 11 tham dự kỳ thi này. Bởi mục tiêu chính của kỳ thi là giúp HS lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. “Quan trọng nhất, thi đánh giá năng lực là kỳ thi nhẹ nhàng, không nặng nề và HS chỉ cần học rồi đi thi, không cần phải dự thi nhiều lần để lấy kinh nghiệm. Việc tham dự kỳ thi nhiều lần hoặc phải tham gia ôn luyện trước khi thi không phải tôn chỉ của kỳ thi”, tiến sĩ Chính giải thích.
Các HS lớp 10, 11 nếu tham dự không ảnh hưởng đến kỳ thi, tuy nhiên không đúng với đối tượng dự thi và ĐH Quốc gia TP.HCM không khuyến khích các HS này tham dự… Sắp tới tiếp tục có nhiều đối tượng này dự thi hội đồng thi sẽ có biện pháp rà soát sâu hơnTiến sĩ Nguyễn Quốc Chính |
Trước đó, năm 2016 ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và cho phép TS bảo lưu kết quả thi trong 24 tháng. Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện ĐH này, do có tới 70% kiến thức trong bài thi thuộc chương trình lớp 12, cơ bản hoàn thành chương trình học THPT nên chưa áp dụng cho HS lớp 10 và 11.
Có nên là kỳ thi “mở” cho mọi học sinh ?
Năm 2021, có nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với quy mô khác nhau để phục vụ tuyển sinh như: Việt Đức, Quốc tế, Sư phạm TP.HCM…
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kỳ thi này sẽ không giới hạn đối tượng TS dự thi và kết quả có thể được bảo lưu trong 2 năm để xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, HS lớp 10 chưa nên dự thi mà cần tích lũy thêm kiến thức bởi đề thi chủ yếu là kiến thức lớp 12 và có khoảng 20% kiến thức lớp 11. HS lớp 11 nếu muốn làm quen hoặc có đủ khả năng có thể đăng ký dự thi, TS cũng được dự thi nhiều lần trong năm.
Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh riêng của Trường ĐH Việt Đức hiện cũng quy định chỉ dành riêng cho HS lớp 12 và các TS tự do đã tốt nghiệp THPT muốn dự thi để xét tuyển trực tiếp vào trường này. Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nếu các HS lớp 10 và 11 muốn dự thi vẫn có thể đăng ký để tham dự tại Trung tâm thông tin và tư vấn của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức tại TP.HCM. Bài thi này không chỉ sử dụng để xét tuyển vào Trường ĐH Việt Đức mà còn dành cho các HS quốc tế tham dự để xét tuyển vào các trường khác của Đức…
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, việc quy định đối tượng TS dự thi sẽ phụ thuộc cụ thể vào mục tiêu của kỳ thi đó. Cụ thể, với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hiện nay, mục tiêu nhằm phục vụ xét tuyển ĐH và CĐ thì việc mở rộng với các nhóm TS khác không có mục tiêu trên là không cần thiết. Chẳng hạn như trường hợp các giáo viên dự thi để tăng hiểu biết về bài thi, HS lớp 11 thi thử chỉ để làm quen thì không phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nếu kết quả kỳ thi năng lực có giá trị trong 2 năm, lúc đó đối tượng dự thi là những HS đạt đủ kiến thức đi thi chứ không chỉ HS lớp 12. Giống như các kỳ thi chứng chỉ quốc tế khác, kết quả kỳ thi có giá trị lên tới 2 năm chứ không chỉ trong 1 năm. Tương lai, kỳ thi này của ĐH Quốc gia TP.HCM có thể phát triển theo hướng đó.
Bình luận (0)