Học sinh thích thú với đề văn về nhào nặn hạnh phúc

25/10/2016 09:56 GMT+7

Hạnh phúc vốn dĩ là một phạm trù trừu tượng nhưng lại rất cụ thể trong đời sống mỗi người. Từng người sẽ có một hay nhiều ý niệm riêng về hạnh phúc cho mình.

Và mới đây, phạm trù này được đưa vào đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 tại Bình Định. Đề thi gồm 2 câu. Câu nghị luận xã hội về hạnh phúc chiếm tới 8 điểm với nội dung như sau:
Thượng đế cũng không biết
Thượng đế lấy đất sét nặn ra con người. Khi Ngài nặn xong vẫn còn thừa ra một mẩu đất.
- Còn nặn thêm cho mày gì nữa? - Ngài hỏi.
Con người suy nghĩ một lúc: có vẻ như đã đầy đủ tay - chân - đầu... rồi nói:
- Xin Ngài nặn cho con hạnh phúc.
Thượng đế dù thấy hết, biết hết nhưng cũng không hiểu hết hạnh phúc là gì. Ngài trao cục đất cho con người và nói:
- Này, tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc.
(Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống, tập 2, Nguyễn Viết Thắng, NXB Công an Nhân dân).
Suy nghĩ của anh/ chị về câu chuyện trên.
Bạn Lê Đặng Hồng Ánh (ở huyện Phù Mỹ, Bình Định) chia sẻ cảm nhận sau khi làm bài: “Với em, đề thi này tương đối, không khó. Câu nghị luận xã hội về hạnh phúc cho phép học sinh nêu được ý kiến của mình. Em thật sự thấy hứng thú với câu này. Trong bài làm của mình, em đã nêu một số ý như hạnh phúc là do tự mình tạo ra, một mình mình biết vì ngay cả thượng để cũng không biết được. Thêm vào đó, em còn làm phần phản biện như viết về những hạnh phúc bị tước đoạt với những người không thể được sống tiếp, những nơi gánh chịu hậu quả chiến tranh… Em mong muốn sẽ có thêm nhiều đề thi lạ, khó một chút và theo hướng mở hơn nữa để học sinh có thể thoải mái viết”.
Các học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phấn khởi sau khi làm bài thi Ảnh: Tâm Ngọc
Một ý kiến khác trái ngược với ý kiến của bạn Ánh là ý kiến của bạn Tạ Thị Hồng Nhung (ở TP.Quy Nhơn). Theo Nhung, đề thi với câu nghị luận xã hội về hạnh phúc có nhiều ý giống như những cái bẫy khiến người làm bài dễ mắc vào diễn đạt dài dòng và luẩn quẩn khó thoát ra được. Nhung làm bài đã đưa ra 2 vấn đề. Thứ nhất là khát vọng hạnh phúc của con người bắt nguồn ngay khi con người được tạo ra. Thứ hai, mỗi người có cách tạo cho mình hạnh phúc khác nhau. Để làm được điều đó, phải có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống…
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Mai (học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đánh giá: “Đề chọn học sinh giỏi năm nay dễ viết nhưng khó viết hay. Vấn đề mà câu nghị luận xã hội đưa ra nổi quá nên nếu muốn lật ngược cũng khó (vì dễ đi ngược với đáp án và mất điểm). Đầu tiên phải nói được hạnh phúc là gì. Em mong có một kỳ thi tạo nhiều cơ hội để học sinh nói được những gì mình nghĩ”.
Nhìn chung, dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa phần là sự thích thú, phấn khởi của học sinh ở Bình Định khi nhận xét đề thi này.
Thầy Võ Công Trí, Tổ trưởng Tổ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhận xét: “Chất lượng đề năm nay có tốt hơn các năm nước, có tính phân loại học sinh. Tuy nhiên, tôi băn khoăn ở đáp án, không biết đáp án có tốt không. Một đáp án tốt là phải giúp người chấm có một khoảng cần thiết đủ để đánh giá được năng lực của học sinh giỏi văn...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.