Học tiếng Việt ở Đài Loan

04/04/2017 10:01 GMT+7

Có 90.600 con em người Việt đang học tiểu học và trung học ở Đài Loan, đa phần không biết nói tiếng Việt. Vì vậy, Đài Loan đang xem chương trình dạy tiếng Việt là mục tiêu quan trọng.

Từ tự phát đến ngôn ngữ tự chọn thứ hai
Từ năm 2018, Đài Loan chính thức đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ tự chọn thứ hai dạy trong trường phổ thông. Lãnh đạo ngành giáo dục Đài Loan tuyên bố dù chỉ có một học sinh đăng ký cũng sẽ mở lớp.
Nhưng không cần chờ đến năm 2018, nhiều năm nay, một số cô giáo người Việt đã đi tiên phong trong việc dạy tiếng Việt.
Lấy chồng Đài Loan, sang Đài Loan hơn 15 năm, chị Hoàng Phượng tiên phong đấu tranh cho cô dâu Việt. Chị Phương cho rằng cô dâu khó hòa nhập vào xã hội ở Đài Loan vì bất đồng ngôn ngữ. Chị Phượng nhớ lại một câu chuyện đọc trên báo khiến mình day dứt. Một cô gái lấy chồng Đài Loan không biết tiếng Trung, không hòa hợp được với gia đình chồng đã ôm con nhảy lầu tự tử. Người mẹ không chết nhưng đứa con lại chết. Câu chuyện khiến chị mãi suy nghĩ với câu hỏi làm sao để chấm dứt những bi kịch này. Chị nghĩ chỉ có dạy tiếng Trung mới có thể giúp họ xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và có cuộc sống tốt hơn.

Chị liên hệ với Trường ĐH Mở tại Đài Loan, đề xuất trường hỗ trợ để dạy tiếng Trung cho người Việt. May mắn, trường ủng hộ. Cô dâu Việt đến học lớp này ngày càng đông vì có thể giao tiếp với giáo viên bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ. Các bà mẹ chồng cũng đến đây để xem con dâu mình học thế nào rồi chính họ cùng con trai mình đề nghị chị Phượng mở lớp dạy tiếng Việt để có thể giao tiếp với con dâu. Năm 2003, chị mở được lớp dạy tiếng Việt cho 70 mẹ chồng và chồng của cô dâu Việt.
Nhưng bi kịch cô dâu Việt không biết tiếng Trung còn nhẹ nhàng hơn cô dâu Việt quên cả tiếng mẹ đẻ của mình. Qua Đài Loan một thân một mình, ở nhà, không nói tiếng Việt, dần dà rất nhiều người quên luôn cả tiếng nói và chữ viết. Chị Phượng chọn một cách có thể dạy tiếng Việt rộng rãi là qua truyền hình và phát thanh với chương trình dạy tiếng Việt “Mỗi ngày một câu” (5 phút/tập).

tin liên quan

Tiến sĩ trẻ Việt Nam được vinh danh ở Úc
Với đề tài nghiên cứu về các yếu tố tác động đến sự phát triển và mô hình của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN, Lê Thanh Hòa đã hoàn thành trước hạn chương trình tiến sĩ luật tại ĐH RMIT (Úc) và được trao giải thưởng nghiên cứu sinh tiến sĩ xuất sắc năm 2016 (ảnh).

Gấp rút đào tạo giáo viên
Những năm qua có khá nhiều cô giáo âm thầm dạy tiếng Việt trên khắp Đài Loan.
Đã 6 năm nay, Trường tiểu học Văn Đức (TP.Tân Đài Bắc) đã tổ chức dạy tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai (con của những người di dân đến Đài Loan). Đây là trường đầu tiên ở Đài Loan thực hiện việc dạy tiếng Việt.
Ông Từ Chính Thuận, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có khoảng 45 em là con của mẹ người Việt. Năm vừa rồi, ông Thuận còn tổ chức Ngày hội văn hóa VN để học sinh hiểu được văn hóa của quê mẹ.
Người đứng lớp là cô Huỳnh Mỹ Mãn, người Việt. Qua Đài Loan lấy chồng đã hơn 10 năm, rồi có con, dạy tiếng cho con, cô càng thấu hiểu việc dạy tiếng là sợi dây kết nối thiêng liêng của người mẹ với con. Cô đi học, rồi đi khắp các trường trong thành phố để dạy tiếng Việt.
Việc tổ chức lớp tiếng Việt được thực hiện với chính sách của Sở Giáo dục TP.Tân Đài Bắc. Các lớp học duy trì một lần/tuần suốt nhiều năm qua. Theo bà Huỳnh Tĩnh Di, Phó ủy viên Sở Giáo dục Tân Đài Bắc, việc triển khai dạy tiếng Việt xuất phát từ số lượng con em người Việt tại thành phố rất đông. Có trường tiểu học, học sinh gốc Việt chiếm đến 10% toàn trường. Hiện nay, để đẩy mạnh việc dạy tiếng Việt, việc đào tạo giáo viên được triển khai gấp rút nhất. Mỗi khu vực có đến 10 trung tâm đào tạo. Mỗi khóa bồi dưỡng cơ bản đến 38 tiếng, sau đó sẽ tiếp tục đào tạo ở mức độ cao hơn. Đến năm 2018, tất cả trường học sẽ được cung cấp đầy đủ giáo viên dạy tiếng Việt.

tin liên quan

Cô gái đi qua 27 nước: Viết blog để không quên tiếng Việt!
Ở tuổi 28, Hồ Thu Hương (tốt nghiệp ĐH Kinh tế Praha, Cộng hòa Czech, thạc sĩ ngành Marketing và Quản lý thương hiệu của trường Kedge Bussiness, Pháp) đã từng làm việc và học tập ở 27 quốc gia trên thế giới và sử dụng khá thành thạo 4 ngoại ngữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.