Chương trình do Báo Thanh Niên thực hiện đồng thời tại thanhnien.vn và Fanpage Facebook www.facebook.com/thanhnien.
Phần 1 buổi tư vấn bắt đầu từ 14 giờ 30 với nội dung hướng dẫn cách ôn thi THPT quốc gia hiệu quả. Khách mời tham dự chương trình gồm:
- Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie;
- Ông Đào Nguyên Bình, giáo viên ngữ văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa;
- Bà Lê Thị Thanh Hòa, giáo viên tiếng Anh Trường Quốc tế Á Châu.
Phần 2 buổi bắt đầu lúc 17 giờ với nội dung tư vấn tâm lý và sức khỏe. Khách mời tham dự chương trình có tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và đại diện Trường ĐH Lạc Hồng.
Buổi tư vấn sẽ tập trung giải đáp các thắc mắc liên quan đến ôn tập và vấn đề tâm lý, sức khỏe mùa thi. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho đại diện các trường qua box bên cạnh.
* Đúng 14 giờ 30 phút, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến bắt đầu.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin: Thí sinh đã hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Như vậy sau khi đã hoàn tất việc làm hồ sơ đăng ký dự thi thì đây là thời gian thí sinh đầu tư cho việc ôn tập các môn đã đăng ký dự thi. Chương trình diễn ra ngày hôm nay nhằm giúp thí sinh có định hướng ôn tập cho 3 môn chủ lực: Toán, văn, ngoại ngữ. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn và Fangape Facebook Báo Thanh Niên www.facebook.com/thanhnien. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi tại 2 địa chỉ trên và hoặc qua số ĐT 08-39309242
Xin trân trọng giới thiệu các giáo viên tham gia chương trình trong phần 1:
- Cô Lê Thị Thanh Hòa, giáo viên tiếng Anh Trường Quốc tế Á Châu
- Thầy Trần Văn Toàn, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP.HCM)
- Thầy Đào Nguyên Bình, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
Các bạn thân mến ! Theo quy định, nếu chỉ để xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, thí sinh sẽ thi thêm một môn tự chọn trong các môn lý,hóa, sinh, sử, địa. Với các thí sinh dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ thì sẽ xét theo các tổ hợp môn thi. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các tổ hợp môn thi bắt buộc phải có một trong 2 môn toán và văn. Ngoài ra, theo thống kê, rất nhiêu ngành, nhiều trường ĐH,CĐ xét tổ hợp có 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Đó là lý do chúng tôi chọn 3 môn này trong nội dung của buổi tư vấn hôm nay.
Thầy Trần Văn Toàn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Thầy Trần Văn Toàn, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) đưa ra lời khuyên: Chúng ta hiểu rằng, từ năm 2015, đề thi có 2 mục đích, dùng để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ. Đề thi tạm chia 2 nhóm, nhóm câu dễ dùng để xét tốt nghiệp THPT, và nhóm câu khó dùng xét ĐH-CĐ.
Đối với câu hỏi dễ, các em nên tự hệ thống kiến thức lại qua đó có kế hoạch ôn tập khoa học và đạt hiệu quả. Đối với câu khó, vấn đề nào gai góc thì các em tạm thời bỏ qua. Trước mắt tập trung nhóm câu hỏi dễ để đạt điểm tối đa trong nhóm câu hỏi này.
Đề thi chủ yếu tập trung lớp 12. Ở phần này có tổng cộng 7 chuyên để. Phải học kỹ lưỡng, không bỏ bất kỳ chuyên đề nào: Khảo sát và vẽ đồ thị, các bài toán liên quan khảo sát hàm số, các phương trình mũ, đạo hàm; tích phân về các ứng dụng, hình học giải tích trong không gian, hình học không gian... Kiến thức lớp 11 có chủ đề giải tích tổ hợp hoặc xác suất. Ở lớp 10, có phần hình học giải tích mặt phẳng.
Ngoài ra còn có 3 chủ đề như lượng giác (khối 10 hoặc 11). Một bài đại số liên quan đến lớp 10 và 12, câu bất đẳng thức cũng liên quan lớp 10 và 12.
Bàn về xu hướng ra đề thi năm 2016, thầy Đào Nguyên Bình, giáo viên ngữ văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), lưu ý về xu hướng ra đề thi theo hướng mới: Như năm 2015, đề thi năm nay sẽ bám vào 2 phần đọc hiểu và làm văn. Tuy nhiên các câu hỏi đều đưa vào các kiến thức thời sự, tình hình thực tế giúp học sinh trình bày được ý kiến cá nhân. Như vậy đề thi sẽ tạo ra được sự phân hóa với thí sinh.
Cô Lê Thị Thanh Hòa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Cô Lê Thị Thanh Hòa, giáo viên tiếng Anh Trường Quốc tế Á Châu: 2 phần trắc nghiệm: bám sát 16 chủ đề trong sách, đọc kỹ bài đọc hiểu và nắm kỹ cấu trúc ngữ pháp. Phần tự luận cần luyện tập viết càng nhiều càng tốt, sau đó nhờ giáo viên sửa chữa.
Với thí sinh chỉ xét tốt nghiệp thì học kiến thức căn bản nhất trong SGK. Với thí sinh xét ĐH-CĐ thì học kỹ hơn các mẫu câu phức tạp, trau dồi kỹ năng viết…
Để đạt điểm tối đa bài thi môn văn, thầy Đào Nguyên Bình lưu ý: Bài làm văn đòi hỏi vừa kiến thức vừa kỹ năng. Đầu tiên học sinh phải ôn kiến thức lớp 11, 12 và chốt lại vấn đề trọng tâm từng bài. Khi làm bài phải có kỹ năng xử lý đề, đặc biệt là đọc bài cẩn trọng để làm trọng tâm đề yêu cầu. Khi chấm thi tôi nhận thấy có những thí sinh làm bài lệch trọng tâm đề thi.
Khi xử lý đề nên tổ chức bài văn, đặc biệt là thân bài. Khi phân tích cần có từng luận điểm, mỗi luận điểm có đoạn riêng biệt, khi kết bài cũng xoáy vào trọng tâm nội dung bài làm. Dẫn chứng cũng cần chi tiết để thuyết phục người đọc, chứ không dẫn chứng chung chung.
Về xử lý đề, ví dụ phân tích diễn biến tâm lý nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A phủ. Có nhiều học sinh không đọc kỹ nên phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị xuyên suốt tác phẩm, trong khi đề chỉ yêu cầu trong 1 đoạn. Điều này làm thí sinh mất thời gian mà điểm không cao.
Thầy Đào Nguyên Bình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Một bạn đọc hỏi: Cách làm bài đọc hiểu và điền từ vào những đoạn văn như thế nào, chiến lược phân bổ thời gian để làm phần này?
Cô Lê Thị Thanh Hòa trả lời: Đây là phần học sinh lo lắng nhất, đặc biệt với các em không nắm nhiều từ vựng. Các em đọc từ đầu đến cuối bài nhanh lấy ý chính, đọc lướt 30 giây đến 1 phút không dừng dù có từ mới không hiểu. Sau đó nhìn xuống các câu có ô trống bên dưới. Câu số 1, ngữ cảnh như thế nào, cấu trúc ngữ pháp, nghĩa gì… Xong lại đọc lướt lại đoạn văn, rồi tìm từ cho ô trống số 2…
Một học sinh hỏi: Để giải câu bất đẳng thức thì em cần ôn những phần nào? Nên đọc những tài liệu nào? Thi khối A có nhất thiết phải đi luyện thi?
Thầy Trần Văn Toàn: Bất đẳng thức là câu khó nhất, nằm cuối cùng ở đề thi. Đề chỉ sử dụng bất đẳng thức rất cơ bản sau đó qua phép biến đổi đại số nhận ra ẩn số phụ của nó. Dựa vào giả thuyết của đề bài để tìm điều kiện của ẩn số phụ, sau cùng là khảo sát hàm số để tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất.
Thí sinh nên ôn các bất đẳng thức trong chương trình lớp 10. Tài liệu có rất nhiều phục vụ nhiều trình độ. Tùy kiến thức và trình độ để lựa chọn tài liệu phù hợp.
Như năm 2015, để có 7 điểm thì chỉ cần ôn tập cơ bản làm đầy đủ bài tập trong lớp. Đối với phần khó còn lại, các em có thể tự học ở nhà bằng rất nhiều tài liệu. Việc học ở trung tâm luyện thi không quan trọng, quan trọng là nỗ lực của bản thân.
Theo như em biết đề thi có sự phân bố câu dễ câu khó. Em mong muốn điểm văn của em được khá thì em phải cần trang bị những kiến thức và kỹ năng như thế nào. Khi làm bài em cần làm hoàn thiện những câu nào để đạt được điều đó?
Thầy Đào Nguyên Bình: Phần đọc hiểu 3 điểm đề thường ra 2 ngữ liệu: 1 đoạn văn và 1 đoạn thơ, dưới mỗi ngữ liệu có 4 câu hỏi ở 4 mức độ. Phần này chỉ cần đọc kỹ đề bài, kết hợp với bài học sẽ dễ đạt được 2-3 điểm trong tay. Học sinh chỉ cần nhớ các điều sau: nắm vững 6 phương thức biểu đạt, 6 phong cách ngôn ngữ biểu đạt văn bản… Có thể nói phần đọc hiểu khá dễ, có thể “cứu” điểm cho thí sinh. Do vậy cố gắng đạt được điểm tối đa ở phần này.
Phần làm văn chia 2 phần: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần này khi triển khai vừa kiến thức và kỹ năng. Nghị luận xã hội có các bước viết theo quy định, chỉ cần triển khai theo trọng tâm đề bài. Xu hướng gần đây thường kết hợp tư tưởng đạo lý với nghị luận xã hội. Còn nghị luận văn học thì phải có sự tổ chức bài làm văn theo đúng bố cục, ý tưởng và phải thể hiện được cảm thụ, hiểu biết về bài văn.
Một học sinh hỏi: Muốn học từ vựng tiếng Anh thì học thế nào đạt hiệu quả, làm sao để nắm ngữ pháp và cấu trúc câu? Em học tiếng Anh không giỏi, để đạt 5 điểm tiếng Anh thì nên tập trung phần nào?
Cô Lê Thị Thanh Hòa: Các em cần nắm kỹ cấu trúc bài thi gồm phần nào? Từ đó có định hướng ôn tập sát. Về từ vựng, từ dễ thì liên hệ hình ảnh, từ khó đặt vào bối cảnh câu.
Để đạt 5 điểm không khó, học thuộc từ vựng trong 16 chủ đề, đọc kỹ bài đọc hiểu nắm chắc ngữ pháp cấu trúc câu, luyện thường xuyên giải đề, từ vựng mới chưa biết, cấu trúc nào chưa quen thì viết đi viết lại. Mỗi ngày 20-30 phút ôn đi ôn lại thường xuyên vì tiếng Anh không ôn thì rất nhanh quên. Phần tự luận nếu nắm kỹ cấu trúc, bố cục thì ít nhất cũng được 0,5 điểm.
Một bạn đọc hỏi: Dùng công thức khác trong bài làm toán (trong sách tham khảo) thì có được chấp nhận?
Thầy Trần Văn Toàn: Các công thức giải bài tập phải tuân thủ theo kiến thức trong sách giáo khoa. Nếu công thức sưu tầm ở chỗ khác thì trong quá trình giải các em phải chứng minh lại công thức đó. Các em yên tâm vì đề thi chỉ cho những công thức có trong SGK, chỉ cần ôn kỹ.
Môn toán em học trung bình, thầy cho em bí quyết ôn tập tốt môn toán? Thầy Trần Văn Toàn: Các em nên tránh tâm lý sợ sệt với các bài toán nâng cao, cố gắng rèn luyện từng ngày, thông qua các bài toán mẫu qua đó học các phương pháp, kiểu tư duy mới để trình độ được nâng dần lên.
Hãy sẵn sàng bỏ nhiều thời gian, đào sâu để hiểu được lời giải. Sau đó sẽ làm được các bài tập tương tự. Khi giải được sẽ thấy hứng thú, có thêm niềm tin và gỡ bỏ được tâm lý sợ sệt.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Nói về cách tạo đam mê với môn văn, thầy Đào Nguyên Bình chia sẻ: Nếu có tâm lý ngán học môn văn thì nên học theo cách hệ thống hóa từng bài. Trong truyện thì lưu ý đến nhân vật và tình huống, còn thơ thì học theo từng khổ. Cách ôn này ngắn gọn và đỡ ngán. Ngoài ra có thể đọc thêm một vài tài liệu tham khảo có nêu đề thi theo hướng ra thời sự, đặc biệt là sự kiện gắn với đời sống giới trẻ sẽ tạo thêm nhiều hứng thú.
Một bạn đọc hỏi: Bài nghị luận cần phải ôn trọng tâm những gì, làm sao để mình không bị lạc đề hay đi quá xa đề bài trong phần nghị luận. Trong bài nghị luận thì có phải cần nêu thêm nhiều vấn đề xã hội vào bài có tốt không? Một phần ví dụ thực tế thì mình nêu một vấn đề của xã hội hay nhiều hơn một vấn đề thì tốt?
Thầy Đào Nguyên Bình: Về nghị luận xã hội, đọc kỹ nội dung đề để thấy cần đưa ra ý kiến bàn bạc về hiện tượng vấn đề gì. Thí sinh thường băn khoăn đưa nhiều dẫn chứng vào nên hay không. Ở đây, việc đưa dẫn chứng phải vừa vặn và có tương tác với lập luận. Không cần quá nhiều nhưng dẫn chứng phải “đắt” để tạo tính thuyết phục bởi sự phù hợp. Ở phần này thí sinh hay quên phần liên hệ với bản thân.
Còn nghị luận văn học bao giờ cũng cần có kiến thức tích lũy về nội dung cơ bản của từng bài học. Khi đó, cách xử lý đúng với yêu cầu đề ra để thấy được người viết hiểu đúng và trình bày đúng vấn đề.
Một học sinh hỏi: Học môn tiếng Anh, em có thắc mắc là làm sao để học tốt các cụm từ và các câu bất quy tắc?
Cô Lê Thị Thanh Hòa: Trong cấu trúc đề thi, phần này chiếm số lượng không nhiều, nhưng học sinh thường sợ vì phải học thuộc. Vì vậy, khi ôn tập các em cần ghi chép cẩn thận, học đi học lại thường xuyên.
"Làm thế nào để hệ thống hóa kiến thức môn tiếng Anh?", một học sinh hỏi. Cô Lê Thị Thanh Hòa: Em cần xác định, nếu thi môn tiếng Anh để xét tốt nghiệp thì chỉ cần nắm chắc chương trình SGK, trau dồi thêm kỹ năng viết đoạn văn, câu đồng nghĩa. Nếu xét ĐH trau dồi phần đọc hiểu, học thêm các bài học liên quan đến 16 chủ đề, đọc thêm sách tham khảo, học từ vựng, cấu trúc câu và kỹ năng đọc hiểu.
Viết đoạn văn chứ không phải viết bài, không xuống dòng. Cố gắng đọc càng nhiều các bài đọc, các chủ đề xoay quanh: bản thân học sinh, gia đình, trường học.
Một học sinh hỏi: Em làm bài nhanh nhưng thường không đạt điểm tối đa mặc dù làm xong có đọc lại cẩn thận. Em phải làm gì để khắc phục?
Cô Lê Thị Thanh Hòa: Nếu làm bài nhanh, đọc lại kỹ mà điểm vẫn không cao thì do kiến thức của thí sinh chưa thực sự vững, đồng thời cách phân bổ thời gian của em chưa hợp lý. Em cần đọc đề cẩn thận và ôn thi tốt để nắm vững kiến thức.
** Thưa các bạn. Những lời khuyên của các thầy cô tạm kết lại phần 1 của chương trình tư vấn hôm nay. Chúng tôi hy vọng các thí sinh sẽ xây dựng được một kế hoạch ôn thi hợp lý. Cảm ơn các thầy, cô đã tham gia chương trình, cảm ơn quý khán giả đã theo dõi chương trình trực tiếp tại website Báo Thanh Niên và Fanpage Facebook Báo Thanh Niên. Trước khi chia tay chúng tôi chúc các thí sinh sẽ đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.
Chương trình sẽ được tiếp tục phần 2 vào lúc 17 đến 18 giờ cũng tại địa chỉ thanhnien.vn và qua Fanpage Facebook Báo Thanh Niên với chủ đề Làm thế nào để đảm bảo tâm lý-sức khỏe tốt trong mùa thi ? với khách mời là TS tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và TS Hồ Viễn Phương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng. Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi và hẹn gặp lại các bạn vào lúc 17 giờ.
Bình luận (0)