Khi kỷ luật không còn là trừng phạt

17/09/2020 08:30 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Đáng chú ý nhất là hình thức kỷ luật đuổi học sẽ bị xóa bỏ và thay thế bằng hình thức “tạm dừng học tập” trong thời gian tối đa là 2 tuần, đồng thời sẽ không còn quy định việc tổ chức kiểm điểm, phê bình học sinh trước toàn trường, lớp.
Tại thời điểm môi trường giáo dục đang có những thay đổi rất lớn, các bậc phụ huynh và đặc biệt các thầy cô đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về phương pháp giáo dục mới và cách kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh sao cho hiệu quả để điều chỉnh hành vi và thái độ của con em kịp thời nhất.
Sự kiên nhẫn và lòng bao dung của thầy cô là điều quan trọng nhất giúp các em khắc phục nhược điểm	- Ảnh: M.T

Sự kiên nhẫn và lòng bao dung của thầy cô là điều quan trọng nhất giúp các em khắc phục nhược điểm

Ảnh: M.T

Các phương pháp kỷ luật tích cực và nhân văn

Trong quá trình triển khai khung kỷ luật hiện hành, đâu đó vẫn hiện hữu “thói quen trừng phạt” ở một số thầy cô, nhà trường. Điều đó có thể thấy rất rõ từ những hình thức kỷ luật “thép” kinh điển như bắt quỳ, phạt roi và chép phạt hay thậm chí những sự cố giáo dục phản cảm gần đây như những lần sát phạt học sinh công khai trước lớp gây bức xúc dư luận.
“Kỷ luật bản chất là một biện pháp giáo dục, nhưng giá trị giáo dục là không cao và chủ yếu mang tính răn đe và trừng trị. Nếu không được thực hiện đúng đắn sẽ tạo ra những mặc cảm tâm lý, nguy hiểm hơn là hình thành nên thái độ thù địch. Vì học trò với suy nghĩ non nớt sẽ lầm tưởng việc xúc phạm bằng ngôn ngữ hoặc đòn roi là giải pháp hiệu quả cho mọi tình huống và thậm chí các em trở nên chai lì và hiếu chiến”, cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường quốc tế Nam Mỹ UTS (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chia sẻ về quan điểm áp dụng kỷ luật trong nhà trường.
Cô Ngọc Lan cũng cho rằng các hình thức kỷ luật tích cực mới nên là biện pháp cần hướng tới: “Khi xử lý các trường hợp vi phạm, rất dễ để các thầy cô đối chiếu với khung kỷ luật sẵn có đưa ra hình phạt. Nhưng vai trò của thầy cô khác với các cơ quan hành pháp, tòa án, nên không thể chỉ biết “thi hành án” được. Người thầy cần kiên nhẫn để tìm hiểu nguyên nhân ẩn sau các lỗi lầm và giúp các em thay đổi với lòng bao dung của mình qua các hình thức kỷ luật tích cực. Bao dung và yêu thương để các em mở lòng. Kỷ luật tích cực để uốn nắn các em kịp thời”.
Dự thảo mới này cũng đưa ra gợi ý một số hình thức kỷ luật tích cực như: yêu cầu học sinh mắc sai phạm chép lại nội quy trường lớp, tham gia giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, sưu tầm các câu chuyện, sách, phim ảnh có liên quan tới điểm sai sót của mình và sau đó viết cảm nhận bản thân. Những biện pháp mang tính nhân văn này nhằm giúp học sinh tự nhận ra các lỗi mắc phải và dần dần thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của mình.
Theo cô Ngọc Lan, kỷ luật tích cực không chỉ áp dụng với những khuyết điểm nghiêm trọng như trốn học hay đánh nhau mà còn được đưa vào trong từng hoạt động lớp học hằng ngày, với các khuyết điểm nhỏ của học sinh.
Một số trường song ngữ, quốc tế ở khu vực TP.HCM rất linh động trong việc tiếp cận các lỗi trẻ mắc phải dưới hình thức tư vấn tâm lý. Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu (người từng 5 lần đoạt giải thưởng dành cho giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford - Mỹ): “Học sinh, đặc biệt các em ở lứa tuổi teen, cùng một lúc phải đi qua nhiều cung bậc cảm xúc cơ bản của một con người: yêu thích, hào hứng, ngạc nhiên, buồn bã, sợ hãi, bực dọc, kinh tởm, tội lỗi và xấu hổ. Tất cả có thể làm trẻ choáng ngợp và lạc lõng, không biết ứng phó ra sao, đặc biệt khi trẻ mắc lỗi tại trường, những cảm xúc này còn hỗn độn hơn và thậm chí những mớ bòng bong cảm xúc này lại là nguồn cơn của các lỗi trẻ mắc phải. Việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý tại các trường là vô cùng cần thiết. Đây là không gian rộng mở cho tất cả học sinh đang gặp vấn đề về học tập, tình cảm và cuộc sống. Các thầy cô tư vấn tại phòng cần được đào tạo và có chứng chỉ tâm lý”.

Cần triển khai các chương trình tập huấn tâm lý học đường cho giáo viên

Khi áp dụng các biện pháp kỷ luật, dù ở mức độ nào, khả năng nắm bắt tâm lý học sinh, cùng kỹ năng xử lý tình huống của thầy cô luôn đóng vai trò quyết định đối với sự thay đổi hành vi của học sinh. Nói về những khó khăn trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỷ luật tích cực, cô Ngọc Lan cho rằng: “Ở những sự vụ giáo viên hành xử chưa chuẩn mực gây bức xúc dư luận trước đây, tôi cho rằng không ít các thầy cô một phần do thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Một số thầy cô khác thì vẫn còn suy nghĩ: ngày xưa tôi cũng học như vậy và nhờ “yêu cho roi cho vọt”, tôi mới trưởng thành. Tuy nhiên, môi trường giáo dục cùng với tâm lý học sinh trong bối cảnh hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Các em phát triển tâm lý sớm hơn, nhạy cảm hơn và cũng có những mối quan hệ đa dạng hơn thời trước. Do đó, các trường cần thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn về tâm lý lứa tuổi và kỹ năng quản lý lớp học để cập nhật kiến thức và kỹ năng cho thầy cô. Như tại Trường quốc tế Nam Mỹ UTS, chúng tôi đã chủ động triển khai trong suốt các năm học vừa qua. Một chương trình nằm trong khuôn khổ tập huấn giáo viên định kỳ tại UTS tháng 8 vừa qua mang tên Tâm lý trẻ em, thanh thiếu niên và phương pháp quản lý lớp học, do tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đứng lớp, đã cập nhật nhiều kiến thức và phương pháp tiếp cận học sinh một cách tâm lý cho thầy cô trước khi năm học bắt đầu”.
 Các thầy cô cần được tạo điều kiện tham gia các buổi tập huấn tâm lý học đường thường xuyên

Các thầy cô cần được tạo điều kiện tham gia các buổi tập huấn tâm lý học đường thường xuyên

Phụ huynh cần bắt nhịp tư duy kỷ luật tích cực

Cô Kiều Thanh, hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 6 tại một trường song ngữ ở TP.HCM, chia sẻ về những trường hợp phụ huynh có quan điểm kỷ luật, giáo dục lệch nhịp với phía nhà trường: “Tôi từng gặp những phụ huynh rất dễ dàng với con, đến mức con muốn gì ba mẹ chiều nấy và giáo viên rất khó uốn nắn các con vào khuôn khổ. Cũng có một số ba mẹ lại quá nghiêm khắc với con, vẫn dạy con bằng roi vọt, tạo ra sự sợ hãi và bức tường ngăn cách sự chia sẻ. Tôi cho rằng sự đồng hành và nhất quán trong tư duy giáo dục, kỷ luật của phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhà trường cần có nhiều hơn các buổi gặp gỡ, trao đổi về phương pháp giáo dục với phụ huynh”.
Trong buổi chia sẻ với chủ đề Định hướng kỷ luật và giáo dục con cho phụ huynh vừa diễn ra đầu năm học tại trường, cô Ngọc Lan nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ: “Quá trình đồng hành cùng con, ba mẹ cần có cái đầu lạnh và trái tim ấm. Cái đầu lạnh nghĩa là lý trí, kỷ luật, lời bảo ban để con biết được điều được làm, điều không nên làm. Trái tim ấm nghe có vẻ xa vời nhưng thực ra đơn giản chỉ là dành nhiều “thời gian chất lượng” cho con, để chúng hiểu đằng sau những lời dạy bảo là sự yêu thương và bao dung của ba mẹ. Giáo dục ưu việt và kỷ luật tích cực không bắt đầu từ trường lớp hay các khóa học kỹ năng mềm chi phí đắt đỏ, mà khởi nguồn từ chính gia đình”.
Đôi nét về Trường quốc tế Nam Mỹ UTS
Trường quốc tế Nam Mỹ UTS là thành viên của Tập đoàn giáo dục Văn Lang với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy UTS hiểu rõ đào tạo con người là phải chuẩn bị cả về nền tảng kiến thức, định hình nhân cách và thái độ sống từ những ngày đầu tiên. Chương trình song ngữ tại UTS từ tiểu học, THCS đến THPT là sự chắt lọc và tối ưu hóa chương trình Bộ GD-ĐT, tích hợp với chương trình tiếng Anh tiên tiến và chương trình phát triển tài năng được thiết kế khác biệt, nhằm phục vụ mục tiêu đào tạo và ươm dưỡng tài năng tương lai.
Thông tin liên hệ:
Điện thoại: (028) 710 78887
Địa chỉ: Khu phức hợp giáo dục Văn Lang
Cổng 1: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q.Bình Thạnh. TP.HCM
Cổng 2: 80/68 Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.