Áp lực không chỉ với phụ huynh
Chưa kịp vui khi cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập vào lớp 1 thì chị N.H.N (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) khá lo lắng vì được biết trường tiểu học của con mình chỉ tổ chức vài lớp bán trú, bởi cơ sở vật chất không thể đáp ứng. Cùng tâm trạng, anh P.N.T (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết: “Nhà trường thông báo việc tổ chức bán trú gần như không thể thực hiện được vì trường phải đảm bảo chỗ học cho học sinh (HS). Giờ tôi chưa biết xoay xở thế nào, vì nếu bé học buổi sáng thì phải có người đón về buổi trưa và trông buổi chiều. Còn nếu học buổi chiều thì phải có người trông buổi sáng và trưa đưa đi học”.
Đây cũng là nỗi lo và áp lực với lãnh đạo ngành giáo dục. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các phòng giáo dục tại TP.HCM đều cho rằng việc tổ chức học 2 buổi/ngày bán trú đang là áp lực, khó giải tỏa. “Thực tế dân số cơ học tăng nhanh khiến các trường quá tải ngay khi dạy học 1 buổi, dù “oằn” mình cũng không thể giải quyết bài toán bán trú”, một hiệu trưởng tại Q.Tân Bình nói.
tin liên quan
Học sinh TP.HCM tựu trường ngày 14.8Ngày 26.7, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện năm học 2017-2018 của các trường từ bậc mầm non cho đến THPT. Theo đó, các trường tiểu học, THCS, THPT sẽ tựu trường vào ngày 14.8.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, từng nói rằng: “Theo Quyết định 02 của UBND TP về quy hoạch mạng lưới trường học, đến năm 2020, 100% các trường từ bậc tiểu học đến THPT được học 2 buổi/ngày. Trong đó, hạn mức hoàn thành mục tiêu này đối với bậc tiểu học là năm 2015. Thế nhưng hiện nay, mức tăng dân số đã vượt quá khả năng kiểm soát đối với việc xây dựng trường học, đặc biệt ở các quận vùng ven”. Hiện tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày bán trú của TP.HCM đạt khoảng 60%, trong đó có những quận nhiều năm liền con số 30% vẫn là mục tiêu phấn đấu.
“Mục tiêu quá khủng khiếp !”
Mỗi năm, mỗi quận, huyện tăng vài ngàn HS mà phải đảm bảo chỗ học nên mục tiêu 100% HS học 2 buổi/ngày còn rất xa thực tế.
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho biết tỷ lệ bán trú đạt khoảng 26%. Nếu chỉ tính số lượng HS cố định như năm học này thì để đạt tỷ lệ 100%, cần gấp 3 lần số trường hiện nay, tức phải xây thêm 51 trường tiểu học. “HS tiểu học trung bình mỗi năm tăng xấp xỉ 1.000 em. Do vậy, số phòng học cần để thực hiện mục tiêu này quá khủng khiếp, chúng tôi sợ không dám tính!”, ông Tân chia sẻ.
Trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, dự kiến đến năm 2020, Q.Tân Phú sẽ xây dựng thêm khoảng 750 phòng học, nếu mỗi trường trung bình có 20 phòng thì sẽ có khoảng 35 trường học bao gồm từ bậc mầm non cho đến THCS.
tin liên quan
Hà Nội tựu trường năm học mới muộn nhất ngày 25.8Năm học 2017- 2018, học sinh Hà Nội sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1.8 và muộn nhất là ngày 25.8.
Tương tự, Q.12 có 22 trường tiểu học nhưng chưa đến 10 trường tổ chức bán trú. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, thông tin: “Trong quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2015 - 2020, dự kiến Q.12 sẽ xây dựng thêm 30 trường nhưng chưa khi nào dám nghĩ đến con số tối đa mà chỉ mong phấn đấu đạt được 50%”. Ông phân tích: “Tính từ năm 2015 là năm đầu thực hiện quy hoạch cho đến nay, dù có 3 trường mới đưa vào sử dụng nhưng tỷ lệ bán trú vẫn giậm chân tại chỗ. Đó còn là điều may mắn, vì dù tăng thêm số phòng học nhưng số HS năm sau luôn tăng hơn năm trước nên phải ưu tiên đảm bảo đủ chỗ học, sau đó mới dám tính tiếp đến việc tổ chức 2 buổi bán trú”.
Ở Q.Bình Tân có 34% trường tổ chức bán trú. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục, nói rằng từ nay đến năm 2020, theo quy hoạch sẽ có 7 hoặc 8 trường mới nhưng cũng chỉ đảm bảo việc giữ nguyên tỷ lệ như trên. Để đạt con số 100% thì cần gấp hơn 2 lần số trường hiện nay. Với tốc độ tăng dân số cơ học như hiện nay, mỗi năm trung bình tăng thêm 3.000 HS, ông Tuyên cũng thẳng thắn nói rằng nếu muốn đạt 100% bán trú thì xây trường không nổi.
Xuất hiện “mô hình bán trú vệ tinh”
Cho con học 2 buổi/ngày là nhu cầu của phần lớn phụ huynh, đặc biệt là đối với HS tiểu học. Vì vậy, gần khu vực các trường tiểu học, nhiều nhà dân mở loại hình bán trú vệ tinh đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Ông Khưu Mạnh Hùng cho hay, Q.12 phải kiểm tra nhưng đây là loại hình mới, chưa có quy định về cấp phép nên chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các hộ dân này báo cáo với chính quyền, cam kết đảm bảo an toàn cho HS.
Tại Q.Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên cho biết mô hình bán trú vệ tinh xung quanh các trường học đang có chiều hướng phát triển. Sau buổi học, học trò được các hộ gia đình dẫn về nhà ăn trưa và giữ đến cuối buổi chiều. Tuy nhiên, ông Tuyên tỏ ý lo ngại do chưa có cơ chế nên việc quản lý còn bỏ ngỏ. Ông Tuyên đưa phương án tận dụng những trường tiểu học dân lập đang có nguy cơ giải thể. Theo ông Tuyên, với cơ sở vật chất hiện hữu, nếu được phép tổ chức, phụ huynh cũng có thể yên tâm hơn khi HS được chăm sóc buổi thứ 2 ở các trường này.
Tuy nhiên, để giữ an toàn cho trẻ, đã có đề xuất UBND TP.HCM về việc có thể ban hành những quy định quản lý tạm thời các dịch vụ này. Chẳng hạn, ở nhóm trẻ gia đình, quy mô 7 trẻ/lớp phải có quản lý, có trình độ văn hóa tương đương lớp 12, có năng lực sư phạm, cơ sở phải được cấp phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...
|
Bình luận (0)