Ký kết Hợp tác Nghiên cứu & Đào tạo giữa ĐH Duy Tân và ĐH An Giang

05/08/2016 07:00 GMT+7

Vừa qua, Đại học (ĐH) Duy Tân và ĐH An Giang vừa có một ký kết quan trọng với nhau.

Nhằm tăng cường hợp tác giữa các trường đại học trong nước, tận dụng và phát huy thế mạnh lẫn nhau, ĐH Duy Tân và ĐH An Giang vừa qua đã ký kết hợp tác, chia sẻ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bên cạnh việc thúc đẩy ứng dụng các thành quả nghiên cứu Khoa học - Công nghệ vào đời sống nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Tham dự buổi ký kết vào sáng ngày 25.7 tại ĐH An Giang có Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân và PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang. Theo nội dung hợp tác được ký kết, ĐH Duy Tân (DTU) sẽ phối hợp với ĐH An Giang (AGU) và các sở, ngành của tỉnh giúp tư vấn các giải pháp tổng thể về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh An Giang, đặc biệt là hệ thống chính quyền điện tử (e-government).
Hai trường cũng cam kết tập trung việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp bao gồm việc tự động hóa nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, quản lý cây trồng theo quy trình VietGAP, giám sát hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, dự báo cấp độ cháy rừng, quản lý trà xuống giống, môi trường nước ao nuôi, theo dõi hệ thống kênh mương nội đồng...
Bên cạnh đó, hai trường dự kiến sẽ xây dựng đề án xin phép Bộ Giáo dục - Đào tạo và chính quyền địa phương để hợp tác triển khai đào tạo một số chương trình quốc tế chất lượng cao nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ ở tỉnh An Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, AHLĐ, NGƯT Lê Công Cơ - chia sẻ: “Việt Nam chúng ta nói chung và các trường ĐH Việt Nam nói riêng trong cả nước thời gian qua luôn nói có nhiều công trình nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho ngành nông nghiệp nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm nhân lực. Tuy nhiên bà con nông dân vẫn ‘nghèo’, vẫn vất vả. Tại sao vậy? Bởi lý các công trình khoa học đó khó ứng dụng do quá hàn lâm, xa rời thực tế. Nếu có công trình, sản phẩm nào có chút giá trị thì giá thành lại cao đối với khả năng chi trả của nông dân. Cuối cùng nghèo vẫn nghèo, năng suất thấp vẫn thấp. Tỉnh An Giang có 60% dân số làm nông nghiệp nên vấn đề trên càng trở thành một vấn đề lớn… ĐH Duy Tân luôn trăn trở làm sao để đưa những kết quả nghiên cứu của nhà trường triển khai sâu rộng vào thực tiễn cuộc sống ở Việt Nam. Do đó, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện cho những đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế nhằm nâng cao đời sống của người nông dân Việt Nam. Hy vọng chúng tôi sẽ có thể đóng góp ít nhiều giúp đỡ người dân Nam Bộ.”
AHLĐ, NGƯT Lê Công Cơ và PGS.TS Võ Văn Thắng tại buổi ký kết

PGS.TS Võ Văn Thắng đánh giá: “Lần đầu tiên một trường đại học ở tận miền trung xa xôi vào đến Tây Nam Bộ để khảo sát đánh giá nhu cầu thực tế, chuyển giao công nghệ hỗ trợ nông dân, kết hợp với ĐH An Giang để phát triển các chương trình đào tạo, các sản phẩm tự động hoá giúp tạo ra các hệ thống tự động tưới tiêu, quan trắc; để thực hiện các bài toán dự báo lũ, xâm ngập mặn, dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, hay các qui trình bảo quản nông sản. Tôi kỳ vọng thế mạnh của hai trường sẽ tạo ra giá trị mới trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.