Kỷ luật học sinh

05/12/2015 09:08 GMT+7

Tôi chỉ dám bàn đến thực tế đáng buồn này sau ngày Nhà giáo VN 20.11 năm nay. Chuyện nhà giáo đánh các em học sinh trong nhà trường giữa giờ học đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Tôi chỉ dám bàn đến thực tế đáng buồn này sau ngày Nhà giáo VN 20.11 năm nay. Chuyện nhà giáo đánh các em học sinh trong nhà trường giữa giờ học đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. 

Trong thời đại mà thông tin mạng phát triển, mỗi chiếc điện thoại đều có thể ghi lại thực tế đó như là một cuốn phim đang diễn ra rồi đưa lên mạng để mọi người xem và bàn bạc, điều đó không khỏi làm chúng ta - các nhà giáo, phụ huynh và các em học sinh, đau lòng. 
Ngành giáo dục ngày xưa cho phép nhà giáo có thể đánh học sinh, coi đó là chuyện bình thường. Đó là ảnh hưởng của tàn dư giáo dục thời phong kiến. Tuy nhiên, cách “dạy dỗ” này cũng có những quy định bất thành văn: không được đánh bằng tay mà phải dùng roi hay cây thước và đánh vào những nơi không nguy hiểm như mông chẳng hạn. Trước khi đánh đòn, nhà giáo phải nói rõ với học sinh ấy rằng em bị lỗi gì, hình phạt là mấy roi. Nói mấy roi là nói cho dữ dằn vậy, thật sự nhà giáo chỉ đánh một roi vừa đủ để nhắc nhở học sinh của mình và “răn đe” những học sinh khác trên lớp.
Nhớ lại, trong suốt 16 năm học, tôi bị hình phạt ấy một lần, với một roi duy nhất vào năm 15 tuổi, khi vừa lên lớp đệ tứ (lớp 9 ngày nay). Người phạt tôi là thầy tổng giám thị. Nơi thi hành án là phòng học trong giờ cấm túc sáng chủ nhật chỉ gồm có bốn “vị anh hùng” phạm lỗi, không có quan khách nào dự khán. Tội danh là lén hút thuốc trong sân sau của nhà trường. Hình phạt gồm một roi cảnh cáo, chép một bài tiếng Pháp và 100 câu “Từ nay về sau em không dám hút thuốc trong sân trường nữa”. Tôi chỉ lo về khoản một roi cảnh cáo nên đã thận trọng nhét vào mông mình một tấm carton mỏng, giảm bớt “lực đạo” của cây roi tre. Thầy tôi đánh không nặng lắm, âm thanh vang lên một tiếng cốc khô khốc rồi bụi bay mù mịt. Thầy phải phì cười: “Ê, ăn gian! Ăn gian!”...
Nhiều năm về sau, tôi thấy kiểu phạt roi kết hợp với chép bài, viết lời hứa như vậy là một hình phạt nhân hậu và có tính giáo dục. Viết bài thì làm cho học sinh thuộc bài hơn và chép lời hứa thì luyện chữ viết thận trọng hơn. Một roi kia đánh vào chỗ phần mềm không gây thương tích nguy hiểm cho học sinh chút nào. Chuyện phạt học sinh diễn ra trong phòng riêng, không có học sinh khác chứng kiến, không gây áp lực nặng nề về tâm lý cho kẻ bị phạt. Đối với tôi, chuyện bị cấm túc kia trở thành một kỷ niệm vui hơn là một ấn tượng không hay về thầy tổng giám thị. Đại để, các thầy cô của chúng tôi đều thương yêu, bao dung với học sinh của mình.
Về sau, trở thành nhà giáo, đi dạy 40 năm, học sinh và sinh viên đủ lứa tuổi, chưa bao giờ tôi phạt đánh roi hay nói nặng lời với một em nào. “Nơi trẻ con, ta quý trọng người lớn; nơi người lớn, ta quý trọng phẩm giá con người” - Foulquié đã nói như vậy và may thay giáo trình tôi dạy các em cũng có lời dặn dò ấy trong môn đạo đức học. Thi thoảng tôi có nổi nóng với một vài em chưa ngoan nhưng rồi tự kiềm chế lòng mình để hóa giải những cảm xúc có hại đó. Môn tâm lý học cho ta biết được rằng cảm xúc nóng giận tạo ra sự mất thăng bằng về cả hai mặt tình cảm và sinh lý cho cá nhân, rất có hại cho mình.
Bây giờ, tôi không còn dạy học nữa nhưng mỗi khi đọc báo, xem đài thấy thông tin và hình ảnh một số thầy cô trách mắng nặng lời hay đánh học sinh bằng tay, thấy buồn quá. Về mặt quy định, ngành giáo dục ngày nay cấm tuyệt hành vi đánh học sinh. Tình trạng mắng mỏ nặng lời hay đánh học sinh xét ra cũng không phù hợp với pháp luật hình sự, dù hai hành vi đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội danh làm nhục người khác và cố ý gây thương tích. Thế nhưng, những vụ việc như thế vẫn xảy ra gây cho xã hội ấn tượng không tốt về nhà giáo nói chung.
Có một nhà giáo lên ti vi gọi đây là chuyện “kỷ luật học sinh” và có vẻ không đồng ý với hành động người khác quay những đoạn phim ấy đưa lên mạng. Tôi thì không nghĩ như vậy. Nhà giáo có thể kỷ luật học sinh khi em học sinh ấy sai phạm, nhưng không phải là một cái tát bằng bàn tay. Mà trong thực tế, có một vài thầy đã tát học trò mình đến ba, bốn lần! Việc đáng tiếc đã thực sự xảy ra, trước sự chứng kiến và sợ hãi của nhiều học sinh khác - nghĩa là hành vi đó không thể được gọi là “kỷ luật học sinh” được nữa. Dùng một cụm từ như vậy để nói về một thực tế đáng buồn trong nhà trường là dối mình, dối người.
Việc một ai đó quay lại các hình ảnh ấy đưa lên mạng cũng không thể nói là làm tổn thương nhà giáo đang “kỷ luật học sinh” và các nhà giáo khác. Điều cơ bản ở đây là sự việc có thực, đã xảy ra, người ta ghi lại để phản ánh cho mọi người cùng thấy chứ không dàn cảnh, đơm đặt hoặc xuyên tạc sự thật ấy.
Hãy nhìn vấn đề một cách công bằng. Ai cũng có lúc sai phạm, học sinh cũng vậy mà nhà giáo cũng vậy. Mà học sinh vốn tuổi còn rất trẻ, thậm chí rất ngây thơ thì chuyện sai phạm của các cháu là nhiều và khó tránh. Để uốn nắn, dạy dỗ, kỷ luật một học sinh sai phạm, nhà giáo có nhiều hình thức xử lý. Đánh học sinh là một hình thức nhưng tiếc thay hình thức ấy là sử dụng một cái sai phạm nặng hơn để trấn áp một cái sai phạm nhẹ hơn. Người thứ ba nào đó đứng ở ngoài thu được hình ảnh đó đưa lên mạng không có nghĩa là họ cố ý bêu riếu nhà giáo ấy và những nhà giáo khác không hề đánh học sinh. Họ chỉ làm chức năng thông tin, còn nhận xét về thông tin ấy thế nào là quyền của xã hội.
Mà tại sao lại là đánh và đánh bằng tay nhỉ? Tại sao nhà giáo không nghĩ và không nhìn ra chuyện tát một học sinh trước sự chứng kiến của cả lớp là một kiểu hạ nhục người khác? Nguy hiểm hơn, hành vi ấy không chỉ làm tổn thương một cá nhân học sinh sai phạm mà còn gây ra sự sợ hãi cho tất cả các em khác. Làm sao một nhà giáo lại có thể tát học sinh của mình đến ba, bốn lần nhỉ? Đã có một trường hợp như vậy xảy ra, tạo ra một sự phản tác dụng: hai cháu bị thầy đánh trên lớp đã chịu không nổi sự tủi nhục, đánh lại thầy.
Tôi nghĩ một thanh niên vào đời, chọn thi vào ngành sư phạm để ra dạy học là một chọn lựa tự do, không bị ai ép buộc. Họ phải được học hành, huấn luyện rằng làm nhà giáo là phải có lòng thương yêu trẻ em, quý trọng phẩm giá học sinh, rằng chọn nghề này là phải chọn đức hy sinh và lòng nhân ái. Lương bổng sẽ không có gì nhiều nhưng việc phải làm sẽ nhiều hơn những ngành nghề khác, thậm chí phải làm việc chấm bài, soạn bài ngay ở nhà và sẽ có khi phải dạy thêm những tiết ngoài thời khóa biểu mà không có một đồng thù lao nào. Nhà giáo phải được trang bị những điều đó trước khi trang bị kiến thức văn hóa vừa đủ để ra làm một người dạy học. Phần này thuộc về các trường đại học và cao đẳng sư phạm.
Tôi lại nghĩ đến rất nhiều thầy cô ở các trường phổ thông trung học các huyện vùng sâu hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Họ đã tự nguyện mở ra những lớp ôn thi cho các em lớp 12, thầy cô và học sinh cùng đem gạo nấu ăn bữa trưa tại trường. Thầy như người anh, cô như người chị chung sức lo cho đàn em. Kết quả là gì? Có những lớp đậu 100% vào đại học, nhiều em đậu điểm cao. Một tình thầy trò như vậy đáng để cho chúng ta - trong đó có tôi, suy ngẫm và trân trọng. Với những nơi như thế này, người ta chưa bao giờ nghe được bốn chữ đáng sợ: “kỷ luật học sinh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.