|
Ngày 28.11, tại trường quay tòa soạn Hà Nội - Báo Thanh Niên, kênh truyền hình Báo Thanh Niên đã tổ chức cuộc tọa đàm - giao lưu trực tuyến chủ đề Có nghề trong tay, lập thân vững chãi. Một trong các vấn đề được các vị khách mời tập trung phân tích là làm sao để doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nước, nhà trường trong sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp!
Lao động có kỹ năng được xem như đơn vị tiền tệ
Theo ông Lê Văn Chương, Phó vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Càng nhiều lao động có kỹ năng thì hiệu quả càng cao, doanh nghiệp càng dễ giới thiệu và áp dụng các công nghệ tăng năng suất lao động, và cách làm mới. Những quốc gia thịnh vượng có năng suất lao động cao, thì đồng thời có lực lượng kỹ năng nghề cao.
“Với vai trò quan trọng của mình, lao động có kỹ năng được coi như đơn vị tiền tệ mới trong thị trường lao động toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự dịch chuyển lao động trên toàn cầu, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thì phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nhận được sự quan tâm hàng đầu của các quốc gia”, ông Chương chia sẻ.
Anh Trần Nguyễn Bá Phước, Trung tâm nghiên cứu và phát triển di động Samsung Việt Nam, thì cho rằng các doanh nghiệp phần lớn có xu hướng chuyển từ tuyển dụng lao động phổ thông sang lao động có tay nghề. Lợi thế về lao động dồi dào, giá rẻ của Việt Nam đang dần mất đi trong cuộc cạnh tranh lao động có kỹ năng tay nghề của các nước trong khu vực. Vì vậy nâng tầm kỹ năng cho người lao động Việt Nam được xem là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của lao động, của quốc gia và góp phần quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, thì nhận định: “Việt Nam cũng là một quốc gia đã nhận tầm quan trọng của kỹ năng nghề. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 (ngày 27.9.2019) về một số chủ trương tham gia cuộc các mạng công nghiệp 4.0, trong đó yêu cầu phát triển mạnh đào tạo nghề, và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
4 bên đều có lợi
Theo các vị khách mời, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, một yếu tố rất quan trọng là có sự tham gia sâu của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Sự đồng hành giữa nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp sẽ đem lại thành công trong phát triển giáo dục nghề nghiệp, hiệu quả đầu tư của nhà nước được nâng lên, chất lượng đào tạo của nhà trường tốt hơn, doanh nghiệp sẽ có nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn, người học dễ tìm được việc làm và dễ đạt được mức lương cao hơn.
Ông Chương cho biết: “Thực tiễn phát triển của giáo dục nghề nghiệp ở những nước này đã chứng minh được rằng, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề là một cách thiết thực và hiệu quả, góp phần đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích cho xã hội. Giai đoạn đầu chỉ cần chi phí một khoản ngân sách, càng về sau - theo thời gian, doanh nghiệp càng thu được nhiều lợi nhuận từ người lao động có kỹ năng nghề đem lại”.
Bà Lan Anh cũng nêu ý kiến: “Do xác định khâu đột phá, việc thu hút doanh nghiệp từ lúc ban đầu chỉ là sự khuyến khích doanh nghiệp tham gia rồi nỗ lực để kết nối với doanh nghiệp, hình thành mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, đến nay nhiều nơi đã xây dựng quan hệ gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Nhiều cơ sở đào tạo đã bước đầu thực hiện hiệu quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo”.
Anh Phước cũng chia sẻ, thành tích của Việt Nam trong các kỳ thi tay nghề thế giới cho thấy, chính sự gắn kết đồng hành của các doanh nghiệp trong đào tạo huấn luyện đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Anh Phước nói: “Lao động có kỹ năng của Việt Nam đã từng bước thay thế được các vị trí quan trọng, chủ chốt của doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo tăng 13 bậc. Trong các kỳ thi tay nghề ASEAN và quốc tế, Việt Nam luôn dành được thứ hạng cao. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, đóng góp quan trọng vào việc tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng trưởng GDP của đất nước”.
Bình luận (0)