Loạn cấp chứng nhận ngoại ngữ

10/10/2016 10:01 GMT+7

Dù không được phép tổ chức thi và cấp chứng nhận trình độ ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu, nhưng nhiều nơi vẫn vô tư chào mời người học tham gia với hứa hẹn tỷ lệ đỗ cao, thậm chí đảm bảo đỗ 100%.

7 - 11 triệu đồng một chứng nhận B1
Theo quảng cáo trên một tài khoản Facebook với hứa hẹn 100% đỗ, chúng tôi liên hệ với một trong hai người tự giới thiệu là hỗ trợ tư vấn. Trả lời điện thoại là một cô gái tên Ng. Khi nghe tôi nói muốn có chứng nhận tiếng Anh cấp độ B1, Ng. cho biết nếu đăng ký ngay sẽ kịp kỳ thi đợt 15, 16.10.
Theo Ng., thủ tục dự thi rất đơn giản, chỉ cần gửi email ảnh 3x4, bản chụp 2 mặt CMND và nêu rõ yêu cầu cần lấy chứng nhận cấp độ nào, của trường ĐH nào cấp, còn tiền thì có thể chuyển khoản hoặc đến trung tâm nộp.

Theo Ng., cô là giáo viên của Trung tâm ngoại ngữ tin học HDIU (Trường ĐH Đông Đô). Vì không được phép tổ chức thi và cấp chứng nhận theo khung năng lực châu Âu nên trung tâm liên kết với nhiều trường được phép cấp như: ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Hà Nội… Trung tâm sẽ nhận hồ sơ, nhận tiền rồi lên danh sách thí sinh gửi về trường, thời gian và địa điểm thi do các trường sắp xếp, thường là cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trước ngày thi, thí sinh sẽ đến trung tâm học ôn vài buổi. Ng. khẳng định nếu thí sinh dự thi theo gói bao đỗ mà không đỗ thì được lấy lại 100% tiền hoặc thi lại đợt sau. Không ít lần Ng. nhấn mạnh: “Nếu bao đỗ, việc của mọi người là đi ôn, hoàn thiện hồ sơ, đi thi đúng giờ, mang theo CMND, còn lại là việc của trung tâm”.
Một mẩu quảng cáo thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ bao đỗ 100% - ẢNH: Quý Hiên
Một mẩu quảng cáo thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ bao đỗ 100% - ẢNH: Quý Hiên
Về chi phí thì tùy chứng nhận cấp độ nào và của trường nào. Theo Ng., hiện nay chứng nhận do Trường ĐH Vinh cấp có giá dễ chịu nhất (khoảng 7 triệu đồng cấp độ B1). ĐH Thái Nguyên mới tổ chức thi trở lại (sau một thời gian tạm nghỉ vì lùm xùm việc mua bán chứng nhận - PV) nên giá khá cao (10 triệu đồng, B1). Trường ĐH Hà Nội luôn có giá cao, mà B1 lại chia thành 2 loại: dành cho giáo viên có giá 11 triệu đồng, dành cho người chuẩn hóa hồ sơ để bảo vệ luận văn thạc sĩ 10 triệu đồng. “Đa số dùng của trường Vinh, vì nó rẻ và liên tục có đợt thi”, Ng. gợi ý.
Cũng trong vai người có nhu cầu thi để lấy chứng nhận tiếng Anh cấp độ B1, chúng tôi gọi điện tới đường dây nóng (công bố trên trang chính thức của Trường ĐH Đông Đô) để hỏi về cô gái tên Ng. Người nghe điện thoại tự giới thiệu tên Tuấn, phụ trách tuyển sinh chung của Trường ĐH Đông Đô. Ông Tuấn cho biết ở Trung tâm ngoại ngữ tin học HDIU không có ai tên Ng., rồi đoán đó có thể chỉ là một người môi giới. Sau khi biết thông tin cô Ng. định thu 7 triệu đồng “trọn gói” chứng nhận cấp độ B1 Trường ĐH Vinh thì ông Tuấn nhận xét: “Cao thế! Bên tôi chỉ thu 6 triệu đồng thôi”. Bình luận về từ “bao đỗ”, ông Tuấn cho biết nếu là cán bộ nhân viên của Trường Đông Đô thì không dám phát ngôn bạo mồm thế, mà chỉ dám nói là sẽ hỗ trợ và có tài liệu, tỷ lệ đỗ là 96 - 97%. “Nói thế là chị hiểu. Có gì mời chị đến trường vì trao đổi qua điện thoại không tiện”, ông Tuấn nói.

tin liên quan

Nên coi ngoại ngữ là môn điều kiện vào đại học
Cần tạo động lực cho người học và xây dựng chính sách rõ ràng cho người dạy, là những vấn đề được quan tâm thảo luận tại hội nghị triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2016 - 2020.

Không biết tiếng Anh sẽ được “tạo điều kiện tối đa”
Trong vai giáo viên cần có chứng nhận tiếng Anh theo khung châu Âu nhưng gần như không biết tiếng Anh, chúng tôi tìm đến một số trường trung cấp chuyên nghiệp có hoạt động tiếp thị khá mạnh việc ôn và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Ở đâu chúng tôi cũng được vồn vã đón tiếp với những lời hứa hẹn kiểu như “sẽ tạo điều kiện hết sức” và “tỷ lệ đỗ rất cao”.
Theo thông báo về luyện thi cấp chứng nhận trình độ tiếng Anh khung tham chiếu châu Âu của Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật thương mại số 1, chúng tôi tìm đến địa chỉ trường ở P.Tây Mỗ, Q.Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, ngoài cổng lại đề tên là Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật thương mại Hà Nội. Các nhân viên ở đây sốt sắng mời mọc chúng tôi đăng ký luôn để còn kịp dự đợt thi gần nhất.

tin liên quan

Tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất?
Dư luận hết sức quan tâm khi giai đoạn tiếp theo của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đưa thêm một số ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất.

“Các chị chỉ cần đến đây ôn 2 ngày, do giáo viên của Trường ĐH Vinh trực tiếp hướng dẫn, chứng nhận sẽ do Trường ĐH Vinh cấp”, một phụ nữ trẻ nói. Khi chúng tôi lộ vẻ ngạc nhiên vì chưa kịp học, đã biết gì đâu mà thi thì một người đàn ông tầm 40 tuổi tiến tới trấn an rằng trường là nơi “tạo nguồn” cho Trường ĐH Vinh, đã tổ chức thi nhiều khóa, tỷ lệ đỗ cao. Nếu đi đủ 2 ngày ôn thì mọi việc sẽ đơn giản, vì “trường” (ám chỉ nơi cấp chứng nhận) sẽ tạo điều kiện hết sức, có giáo viên đến hướng dẫn sát nội dung thi, các chủ đề thì cho trước mà khi thi thì “người ta” hỏi rất đơn giản… Khi chúng tôi thăm dò liệu có quay cóp được không, người đàn ông này không trả lời thẳng mà nói: “Cứ yên tâm đi thi đi. Trường sẽ tạo điều kiện tối đa”.
Còn tại Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Hà Nội 1 (54 Vũ Trọng Phụng), một phụ nữ tự giới thiệu tên là Tr.Ng.Th, Trưởng phòng Đào tạo, càng lúc càng nhiệt tình chèo kéo “khách”. Ban đầu, cô Th. tuyên bố nếu chưa biết gì thì phải tham gia một khóa ôn trong 3 tháng vào các ngày cuối tuần. Về sau thì cô nói rằng nếu bận quá thì trường sẽ đưa tài liệu rồi hướng dẫn về nhà tự học.

Thí sinh gặp trực tiếp thầy giáo 2 - 3 buổi để thầy bổ túc kiến thức trước khi thi. Rồi cô Th. quảng cáo trường mình rất có uy tín trong việc liên kết với các trường ĐH để tổ chức thi lấy chứng nhận cấp độ ngoại ngữ khung châu Âu, xác suất thi đỗ rất cao. Người đến nộp hồ sơ thi rất đông, hết lớp này lớp khác, trong miền Nam cũng đi máy bay ra thi, có những người ở tận Cà Mau. “Trong nam cũng có đơn vị tổ chức thi nhưng khó nên họ mới phải ra tận đây, các chị đi mấy chục cây số ăn thua gì!”, cô Th. nói. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.