(TNO) Điều lệ thi đấu không rõ ràng cùng nhiều nhầm lẫn không thể hiểu nổi xảy ra tại Giải bơi học sinh thành phố Hà Nội năm học 2014 - 2015 (30 - 31.3) khiến nhiều vận động viên nhí phải giàn giụa nước mắt. Các phụ huynh thì bức xúc không nói nên lời.
Một số phụ huynh phản ánh Giải bơi học sinh thành phố Hà Nội năm học 2014 - 2015 kém minh bạch, nhiều gian lận - Ảnh: Phụ huynh cung cấp
|
Anh Nguyễn Văn Thủy (ngụ đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) phản ánh với Thanh Niên Online rằng cách tổ chức giải bơi học sinh kể trên, một giải phong trào vừa diễn ra tại bể bơi Tăng Bạt Hổ, là có “vấn đề”.
Nhầm lẫn năm này qua năm khác
Anh Thủy đưa cô con gái 11 tuổi tham dự giải bơi nên có điều kiện quan sát, theo dõi giải từ đầu đến cuối. Theo anh Thủy, đây là giải bơi lội phong trào, bất kể học sinh nào của các cấp học phải có quyền được biết và đăng ký tham gia. Tuy nhiên, bản thân con gái anh Thủy và con của nhiều phụ huynh khác đang trú ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa mà anh biết, đều không nhận được thông báo về giải bơi này từ trường học.
Theo anh Thủy, anh và nhiều phụ huynh khác phải tự liên hệ để biết cách thức đăng ký tham gia cho các con.
|
Anh Thủy cho biết ở ngày thi đấu đầu tiên 30.3, có rất nhiều phụ huynh lên kiến nghị với ban tổ chức vì những lý do như: có cháu bơi về nhất nội dung 100 m ếch nam ở lượt này nhưng không được vào thi chung kết. Có phụ huynh phải mất công sức và thời gian "đòi" lại HCV cho con mình. Thí sinh này đã bơi về nhất tuy nhiên đến khi trao huy chương, không có tên trong danh sách huy chương vàng (HCV) vì bị ghi trong danh sách là… bỏ thi (?).
Tiếp xúc với phụ huynh N.H.V (trú quận Ba Đình), chị V. cho biết ở nội dung 50 m tự do nữ, ban tổ chức lấy luôn 5 thí sinh thi ở lượt 1 và chỉ 1 thí sinh ở lượt 2 vào chung kết, khác hẳn với kết quả phụ huynh tự quay video lại.
Anh Nguyễn Văn Thủy cho biết cá nhân anh rất bức xúc với cách tổ chức của ban tổ chức Giải bơi học sinh thành phố Hà Nội những năm gần đây.
Theo anh Thủy, ngày 19.4.2014, tại giải bơi học sinh năm 2014, con gái anh tham gia 2 nội dung ếch nữ 50 m và ếch nữ 100 m. Cả 2 nội dung cháu đều về nhất và bỏ lại bạn thứ 2 một khoảng khá xa. Tuy nhiên, khi trao giải, cháu chỉ được HCV nội dung ếch nữ 50 m, HCV nội dung ếch nữ 100 m được trao cho một bạn khác, với lý do cháu N.T.T… bỏ cuộc.
Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại, mang các video ở bể bơi do anh quay lại cho ban tổ chức xem, anh Thủy mới giúp con gái mình lấy lại được chiếc HCV 100 m ếch nữ.
Ban tổ chức nói "không có gì khuất tất"
|
Ông Đinh Văn Luyến cho biết giải bơi năm nay được tổ chức ở bể bơi Tăng Bạt Hổ, nước ấm, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các thí sinh. Năm nay có 50 trọng tài đến từ đại học Thể dục thể thao Từ Sơn, hội bơi trung cao tuổi Hà Nội, các cán bộ của phòng thể dục thể thao quần chúng.
Các trọng tài được chia thành các nhóm: trọng tài bấm giờ, trọng tài đích, quay phim. Kết quả của mỗi thí sinh chỉ được chính xác khi tổng hợp, thống nhất kết quả của 3 nhóm trọng tài này.
Ông Luyến thừa nhận có một số phụ huynh ở quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm phản ánh con họ bị chấm sai thành tích. Tuy nhiên, đó là do ban tổ chức chưa kịp tổng hợp kết quả của 3 nhóm trọng tài trên. “Sau đó, những trường hợp nào bị nhầm lẫn đều được chúng tôi kịp thời điều chỉnh ngay lập tức”, ông Luyến nói.
Ông Đinh Văn Luyến cho hay theo điều lệ của Giải bơi học sinh Hà Nội nhiều năm qua, các thí sinh sẽ được xếp theo các lượt bơi khác nhau, căn cứ theo thời gian bơi để chọn thí sinh vào chung kết. Do đó, về nhất của lượt này chưa hẳn sẽ vào chung kết vì có thể thành thích vẫn kém hơn thí sinh về thứ 5 của lượt sau. Ông Luyến cũng giải thích có trường hợp thí sinh về đích trước tiên nhưng không được HCV vì đã phạm quy.
“Chúng tôi vừa xem một đoạn phóng sự trên truyền hình về giải bơi học sinh vừa qua, nói rằng người lớn toan tính, thật sự những từ ngữ đó nặng nề quá. Không có một đơn tố cáo, khiếu kiện nào gửi đến chúng tôi sau ngày 31.3 vừa qua. Chúng tôi đã làm công bằng, hết sức mình để các cháu có sân chơi vui, khỏe, bổ ích. Ngay như việc chúng tôi phải liên hệ để các cháu được thi đấu ở bể bơi Tăng Bạt Hổ, chi phí thuê sẽ cao hơn, nhưng đảm bảo tốt cho các cháu hơn”, ông Luyến giãi bày.
Mập mờ cả điều lệ
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, mỗi giải thi đấu thể thao dù phong trào hay chuyên nghiệp đều phải có điều lệ chi tiết, cụ thể, và được công khai trước khi giải bắt đầu.
Tuy nhiên, điều lệ thi đấu các môn thể thao học sinh phổ thông năm học 2014 - 2015, trong đó có môn bơi lội, lại hết sức chung chung.
Luật thi đấu của môn bơi chỉ được ghi là: “Áp dụng theo luật thi đấu hiện hành của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và những điều bổ sung của luật bơi Quốc tế. Những nội dung có từ 8 VĐV dự thi trở nên, ban tổ chức sẽ tổ chức thi chung kết”. Điều lệ này cũng không hề ghi quy định tính thời gian của từng VĐV ở mỗi lượt thi hay chọn thí sinh về nhất của từng lượt để vào chung kết như lời giải thích của ông Luyến.
Điều lệ này cũng không được phổ biến đến các bậc phụ huynh hay chính các VĐV nhí tham dự cuộc thi.
“Các cháu là học sinh, các cháu có hiểu hết luật bơi trong nước không, chứ chưa nói đến luật bơi quốc tế? Với một giải phong trào, cả phụ huynh và học sinh đều chưa được nhìn đến tờ thể lệ/điều lệ giải đấu, thì tại sao lại mang những luật bơi của quốc gia, quốc tế vào đây áp dụng?”, anh Nguyễn Văn Thủy bức xúc.
Trả lời một kênh truyền hình, một vận động viên nhí nói: “Từ nay có cuộc thi nào con không thi nữa. Không bao giờ thi nữa ạ”.
Một cuộc thi phong trào dành cho học sinh, với mục đích giúp các em, các bé vui khỏe, giờ lại bị cuốn vào những nghi ngờ, tranh cãi không đáng có. Người lớn sao lại phải toan tính với các em?
Nhiều phụ huynh yêu cầu so sánh video họ quay được với video của ban tổ chức - Ảnh: Phụ huynh cung cấp
|
Phụ huynh bức xúc vì những sai sót liên tiếp tại giải bơi học sinh thành phố Hà Nội - Ảnh: Phụ huynh cung cấp
|
Điều lệ thi đấu các môn thể thao học sinh phổ thông năm học 2014-2015 của Sở Văn hóa - thể thao - Du lịch Hà Nội và Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội - Ảnh: Cẩm Giang
|
Bình luận (0)